Chuyên gia đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu để `ghìm cương` giá thép

14:23 | 14/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giá thép tăng cao bất thường đang tạo nên sức ép lên hoạt động đầu tư, xây dựng. Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu là giải pháp sẽ có tác dụng ngay thời điểm này.

LTS: Câu chuyện giá thép tăng chóng mặt thời gian gần đây được Bộ Xây dựng nhìn nhận là “bất thường” vì không đi theo quy luật tăng giá cơ bản. Theo đó, nguồn cung thép xây dựng của các doanh nghiệp trong nước được Bộ Công Thương cho biết khoảng 14 triệu tấn, đảm bảo đủ cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Thế nhưng hiện này (tháng 5/2021) giá mặt hàng này đã tăng 40-50% so với cuối năm 2020, vượt ngưỡng 18.000 đồng/1kg (giá tính đến ngày 14/5). Giá thép tăng đã khiến hàng loạt nguyên liệu xây dựng tăng theo. Điều đó dẫn đến các chủ đầu tư, các doanh nghiệp xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Và hậu quả tiếp theo là có thể nhiều công trình xây dựng sẽ bị đình đốn, trong đó có cả các công trình đầu tư xây dựng cơ bản có nguồn vốn từ ngân sách. Việc hạ nhiệt giá thép có vai trò quan trọng không chỉ cho ngành xây dựng mà còn cả nền kinh tế. Tạp chí điện tử Doanh Nhân Việt Nam mở loạt bài " Tìm biện pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng, khơi thông dòng chảy kinh tế" để khảo sát thực trạng, lấy ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, các nhà quản lý với mong muốn cung cấp thêm thông tin, góp thêm ý kiến cho các cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp "hạ nhiệt" giá thép, giá vật liệu xây dựng trong thời điểm hiện nay cũng như một cơ chế để bình ổn giá vật liệu xây dựng về lâu dài. 

Chuyên gia đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu để `ghìm cương` giá thép - ảnh 1

Giá thép vượt ngưỡng 18.000 đồng/1kg, tăng 40-50% so với cuối năm 2020

Liên quan tới vấn đề này, Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế và tài chính – ngân hàng.

PV: Thưa chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, ông nhận định thế nào về nguyên nhân dẫn tới việc giá thép tăng mạnh thời gian gần đây?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Thép là vật liệu quan trọng trong phát triển nền kinh tế nói chung, đặc biệt là cơ sở hạ tầng trong ngành xây dựng. Dù là vật liệu quan trọng, nhưng giá thép cũng sẽ chịu tác động tăng giảm như những nguyên liệu khác (giống như xăng, dầu…). Nói về câu chuyện giá thép tăng chóng mặt thời gian qua, theo tôi có 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, do ngành thép Việt Nam đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc… Vì vậy, khi nguyên liệu đầu vào này tăng cao, giá thép sản xuất vì thế cũng phải tăng theo quy luật tự nhiên. Thực tế trong một năm qua, giá quặng sắt - nguyên liệu chính trong sản xuất thép, đã tăng 135%.

Thứ hai, sản lượng thép toàn cầu đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh trong một năm trở lại đây, đặc biệt là tại Trung Quốc (đất nước sản xuất thép thô chiếm 60% sản lượng toàn cầu). Khi nhu cầu vẫn thế, nhưng sản lượng lại sụt giảm thì điều tất yếu giá cả sẽ phải tăng lên.

Nhiều ý kiến cho rằng, năng lực sản xuất các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép ống, tôn mạ) của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa, vậy tại sao giá thép lại chịu sự chi phối của thế giới? Tôi xin nhấn mạnh rằng, nguyên liệu (quặng sắt, phế thép), nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên (than mỡ, coke, điện cực, vật liệu chịu lửa...), thiết bị dự phòng cho sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu, nên thị trường thép Việt Nam vẫn sẽ phải chịu chi phối bởi thị trường toàn cầu.

PV: Xin ông cho biết, tác động của việc giá thép tăng cao đối với mọi mặt của nền kinh tế?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Như tôi đã đề cập, thép là vật liệu quan trọng đối với ngành xây dựng, giá thép tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lĩnh vực này. Với ngành xây dựng, trung bình thép chiếm 10-30% tổng giá trị mỗi dự án dân dụng. Dễ nhận thấy, giá thép tăng cao sẽ kéo theo nguy cơ tăng giá bất động sản.

Bất động sản ở đây có thể hiểu là cả dự án căn hộ lẫn đất nền cơ bản. Dự án căn hộ là rõ ràng khi chi phí xây dựng tăng cao, tất yếu doanh nghiệp phải tăng giá bán. Còn về đất nền, chắc chắn nó cũng chịu sự chi phối của việc tăng giá công trình xây dựng. Theo như tôi nhận định, việc tăng giá nhà đất như vậy là không tốt cho nền kinh tế.

Chuyên gia đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu để `ghìm cương` giá thép - ảnh 2

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Phân tích rộng thêm, giá VLXD như thép tăng dẫn đến chỉ số giá xây dựng công trình tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các công trình đang xây dựng mà còn gây khó khăn cho hàng loạt dự án đầu tư công đang chuẩn bị đấu thầu. Hiện nhiều gói thầu chưa giao khoán được vì đang đợi chốt giá thép, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Có những nhà thầu dự toán giá thép chỉ hơn 10.000 đồng/kg, nhưng khi trúng thầu, giá thị trường đã lên đến 18.000 đồng/kg và xu thế còn tiếp tục tăng. Như vậy, doanh nghiệp khi tiến hành dự án chắc chắn sẽ gặp thua lỗ.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước hiện nay có tình trạng bắt tay để tăng giá, ông có nhận định gì về việc này?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Nghi vấn này hiện vẫn chưa có cơ sở để khẳng định vì như tôi nhìn nhận, giá thép tăng có 2 nguyên nhân như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra thì nó đã vi phạm quy định về luật cạnh tranh.

Nếu có việc các doanh nghiệp sản xuất trong nước bắt tay nhau đẩy giá thép thì Chính phủ cần vào cuộc để ngăn chặn và xử lý với những trường hợp vi phạm.

PV: là một nguyên liệu quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, ông có cho rằng cần thiết phải có một quỹ bình ổn giá thép?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Dù là một vật liệu quan trong, tuy nhiên thép chưa thể so sánh với những nguyên liệu thiết yếu như xăng, dầu để có một quỹ bình ổn riêng.

Như chúng ta đã biết, điện, gạo, thóc… Đó là những mặt hàng vô cùng thiết yếu và nó quan trọng hơn thép rất nhiều nhưng cũng không có quỹ bình ổn giá. Việc thiết lập quỹ bình ổn giá thép theo tôi là không cần thiết và gây tốn kém cho nhà nước rất nhiều.

PV: Theo chuyên gia kinh tế, cần phải có giải pháp gì để giảm nhiệt giá thép?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Đây là vấn đề phức tạp và đòi hỏi nhiều ngành cùng tham gia thực hiện. Theo tôi, điều đầu tiên Chính phủ cần xem xét việc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất thép, nhất là quặng thép. Việc này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước được tiếp cận nguyên liệu với giá thấp hơn hiện tại.

Chuyên gia đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu để `ghìm cương` giá thép - ảnh 3

Chính phủ có thể xem xét phương án giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của sản xuất thép, đặc biệt là quặng sắt

Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải đẩy mạnh sản xuất để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cần tăng cường quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

Xin cảm ơn TS Nguyễn Trí Hiếu!

Xuân Tùng (thực hiện)