Chuyên gia hiến kế nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp ngành dầu khí

08:50 | 13/12/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Mặc dù đã có những giai đoạn ngành dầu khí Việt Nam, mà cụ thể là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, phát triển rực rỡ nhưng đó đã là dĩ vãng. Do đó, theo nhiều chuyên gia, việc củng cố, phát triển thương hiệu doanh nghiệp dầu khí rất quan trọng và cấp thiết.

Nhằm đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các doanh nghiệp trong ngành, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, củng cố và phát triển thương hiệu, chỉ ra các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, Tạp chí Nhà đầu tư đã phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Làm gì để củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành dầu khí?”

Chuyên gia hiến kế nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp ngành dầu khí - ảnh 1
 Toàn cảnh Tọa đàm với chủ đề “Làm gì để củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành Dầu khí?"
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư nhấn mạnh, ngành dầu khí với tiềm năng to lớn, cơ sở vật chất kỹ thuật khá hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao hoàn toàn có khả năng để tiếp tục đóng vai trò là ngành công nghiệp đầu tàu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta trong thập kỷ tới. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp ngành dầu khí phải tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, hiệu quả và tạo dựng được thương hiệu mạnh của PVN cũng như của các doanh nghiệp thành viên.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chia sẻ: 60 năm qua, ngành dầu khí Việt Nam đã nỗ lực vươn lên, lớn mạnh cùng đất nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, bên cạnh nhiều thuận lợi, tập đoàn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt “khoảng lặng” giai đoạn 2015 - 2017 đã ảnh hưởng không ít tới hình ảnh, uy tín và thương hiệu của tập đoàn và một số đơn vị thành viên, đồng thời gây thiệt hại vật chất bằng tiền không nhỏ thông qua giá trị cổ phần, cổ phiếu, tài sản của doanh nghiệp, việc kêu gọi đầu tư với các đối tác cả trong và ngoài nước.
Chính vì lẽ đó, việc củng cố và phát triển thương hiệu (gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh trên nền tảng quản trị doanh nghiệp tiên tiến và văn hóa doanh nghiệp) của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng và cần thiết, ông Nguyễn Hùng Dũng cho hay.
Nhìn nhận về câu chuyện thương hiệu, theo ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban kinh tế Trung ương: Mỗi doanh nghiệp đều phải có môt chiến lược, có sản phẩm, cách quản trị riêng để có những định vị riêng cho thương hiệu. Tuy nhiên, nếu nói về thương hiệu của ngành thì cần xem xét rõ, ngành đó gồm những doanh nghiệp nào, từ đó có đánh gái vai trò của cả ngành với nền kinh tế chứ không phải chỉ mỗi một doanh nghiệp.
Chuyên gia hiến kế nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp ngành dầu khí - ảnh 2
 Ngành dầu khí đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Ảnh PVN.
Trong khi đó, PVN là một đơn vị rất đặc thù, ngoài nhiệm vụ kinh doanh còn là ổn định kinh tế vĩ mô cho đất nước vì có nguồn lực, gắn với đó là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, biển đảo. Vì thế, theo ông Trung, thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí không thể đơn giản như các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây ngành dầu khí phải đối mặt với nhiều khó khăn. Khó khăn khách quan lớn đầu tiên là giá dầu, từ 2014 đến nay giá dầu thế giới giảm sâu. Ngoài ra cũng có sự quản trị chưa tốt nhưng vấn đề này có thể khắc phục bằng những định hướng trong thời gian tới để xây dựng lại thương hiệu và thương hiệu ngành sẽ đi lên.
Mặt khác, ông Trung cũng cho rằng: "Việc xây dựng thương hiệu nên gắn liền với truyền thông, để mọi người dân nhận thức được rõ vai trò của tập đoàn, cùng chia sẻ với tập đoàn thì thương hiệu, uy tín của Tập đoàn dầu khí sẽ gia tăng".
Ở một góc độ khác, ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ khuyến nghị PVN và các đơn vị thành viên chú trọng tới mối quan hệ giữa quản trị doanh nghiệp và thương hiệu.
“Quản trị tốt sẽ nâng cao tính cạnh tranh của công ty, thương hiệu cũng tăng theo. Thêm nữa, quản trị công ty cũng quyết định chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, giúp huy động nguồn vốn với chi phí thấp hơn và thêm nữa là thu hút nhân tài”, ông Bằng cho hay.
Ông Vũ Bằng cho rằng các lãnh đạo đơn vụ thuộc PVN cần có nhận thức và hiểu biết về quản trị công ty, trong đó có quản trị thương hiệu và quan trọng nhất là sự quan tâm và quyết định của ban lãnh đạo.
Ngoài ra, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng khuyến nghị PVN tăng cường sự minh bạch. Theo ông Bằng, khi tạo được sự minh bạch, thị trường sẽ hiểu doanh nghiệp hơn và khi có sự cố thì doanh nghiệp có thể vượt qua.