Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Kinh tế Việt Nam 2022 sẽ không có chuyện tăng trưởng bình bình, hoặc rất xấu hoặc rất thuận lợi

Trịnh Huyền Trang 13:00 | 21/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyên gia đánh giá những dự báo hiện nay là quá thấp và quá thận trọng. Ông dự báo sẽ không có kịch bản tăng trưởng 6,5%, sẽ là rất xấu hoặc thuận lợi, đạt mức tăng 7%, thậm chí 7,5%.

Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2022 – Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng COVID-19" do Đại học Ngân hàng TP HCM tổ chức ngày 19/1, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Fulbright Việt Nam đưa ra hai dự báo về tăng trưởng kinh tế năm nay.

Ông đánh giá những dự báo hiện nay là quá thấp và quá thận trọng. Chuyên gia dự báo sẽ không có kịch bản tăng trưởng 6,5%, sẽ là rất xấu hoặc thuận lợi. 

"Nếu như trong kịch bản xấu, lạm phát cao, Fed buộc phải thắt chặt, sẽ dẫn tới sự lệch pha khi Việt Nam định nới lỏng nhưng rồi phải đổi chiều. Theo kịch bản chống lạm phát, buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất, thì tôi dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay đạt mức 5% hoặc thấp hơn", ông nói.

Trường hợp rủi ro lạm phát không quá cao, vẫn giữ được định hướng chính sách, thúc đẩy tiêu dùng trong nước tăng 7%, xuất khẩu tăng dc 15%, đầu tư công giải ngân tốt bù đắp giúp tổng đầu tư tăng được 10%, đồng thời giữ được mức lãi suất điều hành như hiện nay, đảm bảo thanh khoản dồi dào, thì tăng trưởng 7%, thậm chí 7,5% là điều hoàn toàn thực hiện được.

Nói về các giải pháp phục hồi kinh tế vĩ mô, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng quy mô gói kích thích kinh tế khoảng 337.000 tỷ đồng là khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 4% GDP, nhưng đó là tiền thật.

Ông đánh giá cao gói 46.000 tỷ đồng từ nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch. "Gói này tạo thuận lợi để thích ứng an toàn. Khi cần mua thuốc, mua vắc xin thì sẵn có tiền, kể cả dịch có diễn biến như nào", chuyên gia nêu quan điểm.

Đề cập đến gói hỗ trợ giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8%, ông cho hay chính sách có hiệu lực ngay và chỉ áp dụng trong 2022. Khác quý IV/2021 chỉ áp dụng cho 5 lĩnh vực dịch vụ bị tác động mạnh bởi COVID-19, thì gói này hiện giảm cho hầu hết các dịch vụ và hàng hóa ngoại trừ một số dịch vụ đã được hưởng lợi từ COVID-19 như tài chính, ngân hàng, chứng khoán,...

Giảng viên Fulbright Việt Nam nhìn nhận tác động của gói hỗ trợ này là rất đáng kể, tự động đi vào cuộc sống, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều được hưởng lợi. Tác dụng lớn hơn của gói này là kích cầu, tiêu dùng trong nước nhờ đó có cơ hội phục hồi trở lại và kỳ vọng tăng được 7% trong năm 2022. Cùng với xuất khẩu, tiêu dùng trong nước sẽ là động lực tăng trưởng rất tốt trong năm nay.

Về gói hỗ trợ lớn nhất là đầu tư công 176.000 tỷ đồng, trong đó riêng hơn 113.000 tỷ cho đầu tư hạ tầng giao thông, theo ông Nguyễn Xuân Thành, gói này hầu như không có tác động trong năm 2022. 

"Chúng ta nên kỳ vọng vào nỗ lực giải ngân, nếu giải ngân được trên 95% thì khi đó đầu tư công mới là động lực. Hiện tại tôi cho rằng gói này sẽ có tác động không đáng kể trong năm nay", ông nói.

Nói tiếp về gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, ông đánh giá chương trình này được thiết kế tốt hơn, không dùng dự trữ ngoại hối để chuyển ra tiền cung ứng mà dùng tiền ngân sách.

Theo ông, kinh nghiệm từ gói tương tự cách đây 12 năm cho thấy hiệu quả không cao. Ngoài ra còn đặt thách thức rất lớn cho ngành ngân hàng. Sau khi cho vay, ngành ngân hàng phải thanh tra kiểm tra xem cho vay có đúng mục đích hay không, hay là vay được theo chính sách hỗ trợ lãi suất 2% rồi sau đó đem đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, thậm chí vay ngân hàng này gửi ngân hàng khác.