Bài học từ những 'rồng con' ASEAN: 'Thể chế và chất lượng điều hành là yếu tố quyết định thành bại'

Hạ An 17:25 | 13/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, những "rồng con" từng được kỳ vọng ở Đông Nam Á cuối cùng cũng dần thất bại do cấu trúc tài chính sai lầm. Điều này cho thấy thể chế và chất lượng điều hành là yếu tố quyết định thành bại của nền kinh tế.

Phát biểu tại Tọa đàm 'Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68' diễn ra sáng 13/5, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhấn mạnh rằng, Nghị quyết 68 là một văn kiện quan trọng, thể hiện chủ trương thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, không thể kỳ vọng chỉ nhờ một nghị quyết mà kinh tế Việt Nam sẽ đột phá. Nếu thể chế và bộ máy chính phủ không thực sự chuyển biến về chất lượng, Việt Nam có thể đi vào vết xe đổ của các nước Đông Nam Á – nơi từng kỳ vọng lớn vào khu vực tư nhân nhưng lại không đạt được thành công.

Hạn chế rất lớn của tư nhân trong khu vực công nghiệp

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. (Ảnh: VIR).

Lý giải điều này, ông Nghĩa cho biết, kinh tế tư nhân của Việt Nam còn rất nhiều hạn chế khi khu vực FDI chiếm tới 300 tỷ USD trên tổng số 400 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số 100 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước, 50% đến từ lĩnh vực nông nghiệp.

Điều này cho thấy, đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghiệp còn rất ít ỏi, trong khi đó các nền kinh tế vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành các con rồng châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc đều có một nền công nghiệp rất phát triển, với các doanh nghiệp tư nhân vươn tâm thế giới.

Điều này đặt ra câu hỏi: Phải chăng nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa thực sự coi trọng khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian qua?

Theo ông Nghĩa, câu trả lời không hẳn đơn giản như vậy. Bởi thực tế, nhiều nền kinh tế Đông Nam Á – nơi mà gần như 100% dựa vào khu vực tư nhân – cũng rơi vào tình trạng yếu kém tương tự. Họ cũng coi trọng kinh tế tư nhân nhưng hiệu quả phát triển vẫn không cao. Những "rồng con" từng được kỳ vọng ở Đông Nam Á cuối cùng cũng dần thất bại, cho thấy rõ ràng rằng thể chế và chất lượng điều hành nền kinh tế mới là yếu tố quyết định thành – bại.

Chỉ ra một trong những thất bại lớn của các "rồng con" Đông Nam Á như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia là về cấu trúc tài chính, chuyên gia cho biết, các nước này đã tư nhân hóa toàn bộ hệ thống ngân hàng và gắn liền với bất động sản.

Hệ quả là rất nhiều ngân hàng nhỏ ra đời, cạnh tranh khốc liệt để huy động vốn, chủ yếu đổ dồn vào lĩnh vực bất động sản. Sự cạnh tranh gay gắt này khiến mặt bằng lãi suất bị đẩy lên rất cao, lên tới 12% - 15%. Với mức lãi suất như vậy, không một nền công nghiệp non trẻ nào có thể trụ vững. Lãi suất cao đã bóp nghẹt các doanh nghiệp sản xuất và làm lệch lạc ưu tiên phát triển của nền kinh tế.

“Cấu trúc tài chính của Việt Nam hiện nay cũng mang ‘dáng dấp’ tương tự các nước Đông Nam Á – quá tập trung vào bất động sản. Nếu muốn xây dựng một nền kinh tế dựa trên công nghiệp hiện đại và bền vững, chúng ta cũng phải chuyển hướng, ưu tiên rõ ràng cho sản xuất – công nghiệp”, ông Nghĩa nói.

Vấn đề thứ hai nằm ở chỗ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không có nguồn lực tài chính để đầu tư cho khoa học – công nghệ. Trong khi đó, tại các nền kinh tế như Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản… nguồn lực công đóng vai trò chủ lực trong việc tài trợ kinh phí nghiên cứu và phát triển cho khu vực tư nhân.

Chính vì vậy, nhà điều hành cần chủ động đóng vai trò “người dẫn đường”, đầu tư mạnh mẽ vào tương lai chứ không chỉ hỗ trợ về mặt chính sách.

“Muốn theo kịp các nền kinh tế phát triển, Việt Nam cũng phải hành động quyết liệt, có tầm nhìn chiến lược, không thể làm một cách hời hợt. Nghị quyết 68 là một dấu mốc quan trọng, song chỉ ra một nghị quyết là chưa đủ. Điều cần thiết là tất cả phải làm một cách thật quyết liệt, không hời hợt, chỉ như thế Nghị quyết mới có thể thực sự thành công”, ông Nghĩa cho hay.

Còn nhiều rào cản trong tiếp cận vốn, tín dụng

TS Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. (Ảnh: VCCI).

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cũng nêu mối băn khoăn: Làm sao để sau Nghị quyết 68, kinh tế tư nhân có thể thực sự cất cánh và trở thành động lực phát triển của đất nước?

Ông Việt cho hay khu vực kinh tế tư nhân từ các doanh nghiệp lớn cho đến hộ kinh doanh cá thể muốn vươn lên cần có những động lực thực chất. Đó không chỉ là khẩu hiệu hay tinh thần khuyến khích, mà là những chính sách cụ thể, chạm đến tận gốc các rào cản đang tồn tại.

Chẳng hạn, chính sách đất đai, chính sách nông nghiệp, hay quyền tham gia của hộ kinh doanh cá thể vào các cụm công nghiệp nếu vẫn duy trì mô hình cụm công nghiệp kiểu cũ, sẽ rất khó tạo ra đột phá. Bởi lẽ, khoảng cách giữa các doanh nghiệp nhỏ và các "ông lớn" đã chiếm lĩnh những vị trí thuận lợi là quá lớn.

Báo cáo Kinh tế thường niên năm nay cũng cho thấy rõ điều đó: cần nhìn nhận lại vai trò của đất đai - một trong những yếu tố sống còn, dưới góc nhìn của khu vực tư nhân. Theo ông Việt, cần xem xét lại sự ưu tiên về thủ tục hành chính, kỹ thuật và nhất là những rào cản vô hình trong tiếp cận nguồn lực này.

Nguồn vốn cũng là một điểm nghẽn đáng lưu ý. Ông Việt chỉ ra rằng, hiện có đến 20% tín dụng đổ vào bất động sản, một tỷ lệ tương đương cho tiêu dùng, trong khi gần như toàn bộ tín dụng phục vụ sản xuất lại thuộc về khu vực tư nhân.

"Nếu tín dụng được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng, thì dòng chảy hiện tại liệu có thực sự hợp lý? Dòng tín dụng hiện có tạo ra sản xuất thực, tiêu dùng thực hay không hay đang bị nghẽn ở cả đầu cung và đầu cầu?", TS. Việt nêu vẫn đề.

Theo ông, kết nối giữa tín dụng và nhu cầu thực tế của thị trường là điều còn thiếu và cần được tháo gỡ.

Nhìn ra khu vực, ông Việt nhận định, tăng trưởng của ASEAN hai năm gần đây chủ yếu nhờ vào đầu tư tư nhân và tiêu dùng tư nhân, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, ở Việt Nam, mối liên kết giữa sản xuất, đầu tư và tiêu dùng vẫn còn lỏng lẻo, thiếu những cơ chế kết nối hiệu quả.

Thực tế cho thấy, việc doanh nghiệp tiếp cận vốn để đổi mới sản xuất vẫn rất khó khăn. Do đó, ông cho rằng cần sớm thiết lập các chuẩn mực và thể chế vững chắc, tạo điều kiện để sản phẩm của doanh nghiệp có thể “lên được kệ”, từ đó nối liền chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.

Từ góc độ đơn vị chuyên môn, ông Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết sắp tới sẽ có các nghị quyết quan trọng khác liên quan đến nhân lực và chính sách công nghiệp.

Theo ông, dù hạ tầng, thể chế và nhân lực đều là điểm nghẽn, nhưng chính sách công nghiệp mới là mấu chốt. Nếu không đặt Nghị quyết trong tổng thể chiến lược này thì khó có thể tối ưu hoá nguồn lực. Khi sáp nhập các cơ quan, ông Minh cho rằng cần tạo không gian để từng địa phương xác định ngành mũi nhọn, cũng như phát huy năng lực cạnh tranh theo từng vùng.

Bên cạnh đó, ông chỉ ra thực trạng đáng lưu tâm khi doanh nghiệp Việt Nam phải chịu lãi suất cao hơn nhiều các doanh nghiệp nước ngoài.

"Trong khi Nhật Bản vay vốn với lãi suất 1% – 2%, thì Việt Nam phải trả 6% – 7%, rất khó cạnh tranh. Tuy nhiên, tình hình quá bi quan. Đây là giai đoạn “không chậm nhưng cũng không nhanh” – và Việt Nam cần có thời gian để thích ứng", ông Minh nhìn nhận và cho biết, quan trọng là Việt Nam cần giữ thái độ phù hợp: "Không bi quan cho rằng ta đang bị tụt lại, nhưng cũng không lạc quan đến mức chủ quan rằng ta sẽ bứt phá dễ dàng".