Chuyên gia nhận định sự kiện SVB ít tác động tới chứng khoán Việt Nam

Văn Giáp/ TTXVN 16:20 | 14/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giới chuyên gia vừa đưa ra những nhận định về tác động của sự kiện SVB - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ tuyên bố phá sản đến thị trường tài chính thế giới. Theo đó, giới chuyên gia cho rằng, sự kiện SVB lên tài chính khu vực châu Á; trong đó có Việt Nam là không lớn.

 

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), sự kiện SVB dấy lên những lo ngại như Lehman Brothers năm 2008. SVB có tổng tài sản trị giá 209 tỷ USD tại thời điểm cuối năm 2022, chiếm khoảng 0,9% tổng tài sản hệ thống ngân hàng Mỹ.

Danh mục đầu tư 50% là trái phiếu Chính phủ Mỹ và các giấy tờ đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) với mức lợi suất thấp. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, SVB phải đối diện với khoản lỗ vượt qua cả vốn chủ sở hữu.

Mặt khác, phần lớn tiền gửi huy động của SVB lại tập trung vào các startup và quỹ đầu cơ. Vì vậy, SVB rơi vào khủng hoảng khi hàng loạt các khách hàng thực hiện rút tiền. Sự sụp đổ của SVB được xem là hệ quả nảy sinh từ quá trình thắt chặt lãi suất mạnh tay trong thời gian vừa qua nhằm kiềm chế lạm phát. Sau SVB, Signature Bank - ngân hàng tiền số lớn nhất nước Mỹ cũng phải đóng cửa và chịu sự tiếp quản của của cơ quan quản lý.

Đánh giá về mức độ ảnh hưởng từ sự kiện SVB, VNDIRECT cho rằng, rủi ro vẫn tập trung ở một số ngân hàng nhỏ của Mỹ. Ngày 12/3, chương trình tài trợ có kỳ hạn (Bank term funding) với quy mô 25 tỷ USD đã được Fed tung ra cung cấp các khoản vay lên đến một năm với tài sản đảm bảo là trái phiếu Chính phủ Mỹ và được cho vay bằng mệnh giá.

Đồng thời Fed, Bộ Tài chính Mỹ và cả Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cùng kích hoạt điều khoản ngoại lệ đặc biệt, cho phép bảo vệ cả những khoản tiền gửi lớn hơn 250.000 USD. Đây là một trong những biện pháp để trấn an người gửi tiền và giảm thiểu rủi ro hệ thống. Tuy nhiên theo như quan sát của VNDIRECT, rủi ro vẫn đang hiện hữu và tập trung ở một số các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ của Mỹ khi khả năng thanh khoản và tỷ lệ dự trữ ngày càng suy giảm.

VNDRECT cho rằng, sự sụp đổ của SVB đang đặt Fed vào tình thế khó. Theo đó, Fed vẫn chịu áp lực phải tăng lãi suất điều hành để kiềm chế tình hình lạm phát, nhưng tiếp tục tăng lãi suất có thể đẩy các tổ chức tài chính vào tình thế nguy hiểm. Do đó, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ bớt “diều hâu” hơn so với trước đây.

Theo đó, thị trường hiện dự báo mức đỉnh lãi suất điều hành của Fed ở mức 5-5,25%, thấp hơn so với trước sự kiện SVB là 5,5-5,75% và kỳ vọng Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất điều hành kể từ quý IV/2023, sớm hơn so với dự báo trước đó là vào quý I/2024.

Dù vậy, VNDIRECT cho rằng, tác động của sự kiện SVB lên tài chính khu vực châu Á là không lớn.

Theo các nhận định của chuyên gia khu vực, khủng hoảng SVB hiện nay ít có tác động đến rủi ro hệ thống của các thị trường châu Á; trong đó có Việt Nam. Phần lớn nhờ sự phục hồi ổn định của nền kinh tế Trung Quốc.

Thị trường bất động sản – tín dụng Trung Quốc đã qua giai đoạn khó khăn nhất khi doanh số bán nhà bắt đầu tăng trưởng dương từ tháng 2/2023. Nhìn chung thị trường chứng khoán châu Á phản ứng tương đối “bình tĩnh” trước sự kiện trên. Mặt khác, đồng USD dự kiến sẽ yếu hơn sau sự kiện SVB cũng là yếu tố tích cực đối các nước mới nổi.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, VNDIRECT duy trì quan điểm thận trọng trong nửa đầu 2023. Ở Việt Nam, Ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó, lưu ý về vấn đề tái cấu trúc các khoản nợ của các doanh nghiệp bất động sản. Đây là một trong những thông tin thị trường khá mong chờ trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, dòng vốn nước ngoài từ các quỹ đầu tư thụ động (ETFs) ước khoảng 4 nghìn tỷ đồng dự kiến vào Việt Nam cũng sẽ là yếu tố tích cực cho thị trường trong nước. VNDIRECT vẫn cho rằng, trong nửa đầu năm 2023, đà tăng của VN-Index sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn đó.

“Vì vậy nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong việc sử dụng đòn bẩy, quan sát các diễn biến tiếp theo của thị trường thế giới; cũng như nên ưu tiên mục tiêu phòng thủ trong ngắn hạn với các nhóm cổ phiếu giá trị, hoặc cổ tức hấp dẫn”, VNDIRECT khuyến nghị.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, sau thông tin SVB phá sản, nhà đầu tư trên các sàn chứng khoán thế giới có thể bi quan, lo ngại. Tâm lý này dẫn đến hành động bán bớt tài sản khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm. Thực tế, những phiên gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc. Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng, các tác động về mặt tâm lý thường sẽ trong ngắn hạn.

Ông Ngọc nhận định, cần thời gian để kiểm chứng xem những tác động từ vụ phá sản SVB có lan tỏa tâm lý tiêu cực đến các thị trường khác trong dài hạn hay không. Hiện tại, Việt Nam không có ngân hàng cũng như doanh nghiệp niêm yết có mối quan hệ hợp tác kinh doanh với SVB, nên nếu có tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam thì cũng chỉ là những ảnh hưởng về mặt tâm lý với nhà đầu tư.

Trước đó, ngày 10/3 vừa qua, SVB - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ - đã tuyên bố phá sản. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính. Vụ SVB phá sản đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch ngày 10/3 và thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển khi hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư "mắc kẹt".

SVB chủ yếu phục vụ giới nhân viên công nghệ và công ty khởi nghiệp. Nhiều công ty, trong đó có Roblox Corp chuyên sản xuất trò chơi điện tử và Roku Inc chuyên sản xuất thiết bị xem video trực tuyến, cho biết đã gửi hàng trăm triệu USD ở SVB. Phần lớn tiền gửi của Roku Inc không có bảo hiểm, khiến giá cổ phiếu của công ty này sụt giảm tới 10%.

Sự sụp đổ nhanh chóng của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã khiến ngành ngân hàng Mỹ “choáng váng” sau nhiều năm nỗ lực duy trì sự ổn định.

Mặc dù nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của SVB có phần cá biệt, nhưng đây vẫn là hồi chuông cảnh báo về những điểm yếu tiềm ẩn có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cả khách hàng và nhân viên ở những ngân hàng khác.

Kết phiên giao dịch ngày 14/3, VN-Index giảm 12,67 điểm, đóng cửa tại 1.040,13 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trong phiên hôm nay nhưng thị trường lại chỉnh đỏ ở nhiều mã cổ phiếu.