CEO SVB nhanh tay bán 3,6 triệu USD cổ phiếu trước khi doanh nghiệp đóng cửa

Đông Bắc 07:46 | 14/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Greg Becker, CEO của Silicon Valley Bank (SVB), đã bán 3,6 triệu USD cổ phiếu trước khi doanh nghiệp phá sản.

 

Theo Bloomberg, ông Greg Becker, CEO của Ngân hàng SVB, đã bán 3,6 triệu USD cổ phiếu trước khi doanh nghiệp tiết lộ những khoản lỗ lớn dẫn đến phá sản.

Cụ thể, ông Becker đã bán 12.451 cổ phiếu vào ngày 27/2. Đây là lần đầu tiên sau hơn một năm, ông bán cổ phần của Công ty mẹ SVB Financial Group. Thực tế, ông đã đệ trình kế hoạch này từ ngày 26/1.

Vào ngày 10/3, Ngân hàng SVB đã chính thức dừng hoạt động sau một tuần đầy khó khăn. Trước đó, đơn vị này đã gửi thông báo tới các cổ đông rằng họ sẽ cố gắng huy động hơn 2 tỷ USD từ cổ phiếu sau khi thua lỗ. Tin tức này đã khiến cổ phiếu của công ty lao dốc, ngay cả khi ông Becker kêu gọi khách hàng giữ bình tĩnh.

Các hoạt động giao dịch của SVB cũng như những lần bán cổ phiếu của ông Greg Becker đều là hợp pháp. Đây là kế hoạch được Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) thiết lập vào năm 2000 để ngăn chặn hành vi giao dịch nội gián.

Tuy nhiên, một số người cho rằng kế hoạch bán cổ phần đã được sắp đặt trước với tên gọi là 10b5-1. Không chỉ vậy, một số sơ hở đã được ghi nhận trong kế hoạch này.

  Ông Greg Becker, CEO của Ngân hàng SVB, đã bán 3,6 triệu USD cổ phiếu trước khi doanh nghiệp phá sản. Ảnh Bizjournals.

Bloomberg dẫn lời ông Dan Taylor, giáo sư tại ĐH Pennsylvania: “Mặc dù vào ngày 26/1, Becker có thể không lường trước được việc ngân hàng sẽ sụp đổ vào 2 tuần sau đó. Tuy nhiên, việc huy động thêm vốn là kế hoạch quan trọng. Nếu họ thảo luận về việc đó vào đúng thời điểm kế hoạch bán cổ phiếu được thông qua, đó sẽ là vấn đề đáng được lưu tâm”.

Tháng 12 năm ngoái, SEC đã hoàn thiện các quy định mới. Trong đó, cơ quan này yêu cầu thời gian chờ xét duyệt tối thiểu là 90 ngày đối với các kế hoạch giao dịch cấp điều hành. Điều này đồng nghĩa với việc các lãnh đạo doanh nghiệp không được thực hiện giao dịch mới trong vòng 3 tháng sau lần giao dịch gần nhất.

SVB không có giám đốc rủi ro từ năm ngoái

Sau khi SVB sụp đổ mới hé lộ sự thật về giám đốc quản lý rủi ro (CRO) của ngân hàng này đã thôi việc từ năm ngoái. Cụ thể, bà Laura Izurieta đã thôi giữ vai trò CRO của SVB Financial (công ty mẹ của SVB) vào tháng 4/2022 và chính thức rời công ty vào tháng 10/2022. Tới tận tháng 1/2023, SVB mới chỉ định CRO mới là bà Kim Olson. Điều đó đồng nghĩa với việc một ngân hàng lớn như SVB không hề có giám đốc quản lý rủi ro tận 8 tháng.

Sau khi thông tin được tiết lộ, nhiều người đặt câu hỏi rằng ngân hàng này đã hoạt động như thế nào trong gần một năm không có CRO. Tuy nhiên, SVB không trả lời những bình luận này.

Trong đại dịch, nhiều startup và công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon đã hoạt động tương đối tốt dẫn đến lượng tiền gửi tăng đột biến tại SVB. Hết quý I/2020, ngân hàng này có tổng số tiền gửi hơn 60 tỷ USD và con số đó đã tăng lên tới gần 200 tỷ USD vào đầu năm 2022.

Tuy nhiên, các vị khách của SVB sau đó đã rơi vào cảnh cạn kiệt tiền mặt vì tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn cũng như khó huy động vốn mới. Ngoài ra, lãi suất tăng mạnh theo các đợt tăng của Fed đã khiến chi phí huy động tiền gửi cao hơn nhiều. Do đó, lượng tiền gửi tại SVB đã giảm xuống còn 173 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Chính phủ Mỹ quyết định không giải cứu SVB sau khi ngân hàng này sụp đổ. Tài sản của ngân hàng này nhiều khả năng sẽ được phân bổ cho các chủ nợ.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý tài chính của Mỹ ngày 12/3 đã tuyên bố sẽ bảo vệ cho khoản tiền gửi của khách hàng tại SVB cũng như ngân hàng Signature, một công ty tài chính khác bị phá sản vào cuối tuần trước. Khách hàng của 2 ngân hàng này sẽ được tiếp cận khoản tiền gửi của mình kể từ ngày 13/3.

Các cổ đông của SVB và một số chủ nợ thuộc diện không an toàn sẽ không nằm trong diện được chính phủ bảo vệ.