Chuyên gia Phạm Chi Lan nói về khó khăn của hàng Việt khi tham gia EVFTA

06:01 | 25/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) trong 2 tháng qua cho thấy các cơ hội đã bắt đầu được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích đầu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, chỉ trong tháng đầu thực hiện EVFTA, đã có trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu sang EU. Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam bắt đầu khởi sắc nhờ EVFTA. Các đơn hàng thủy sản sang EU trong tháng 8/2020 tăng 10% về kim ngạch so với tháng 7/2020. Giá các sản phẩm gao của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi EVFTA có hiệu lực, với mức tăng từ 80-200USD/tấn so với cuối tháng 7/2020 và 126 tấn gạo thơm đầu tiên đã xuất khẩu qua EU với thuế suất 0% vào ngày 22/9 vừa qua.
 
Chuyên gia Phạm Chi Lan nói về khó khăn của hàng Việt khi tham gia EVFTA - ảnh 1
126 tấn gạo thơm đầu tiên đã xuất khẩu qua EU với thuế suất 0% vào ngày 22/9/2020.
 
Nhìn nhận về kết quả này, tại hội thảo Hiệp định EVFTA – Những điều cần biết, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức sáng 24/9, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, EVFTA thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp Việt thời gian qua. EU là đối tác nhập khẩu lớn với sức mua đứng thứ hai thế giới và là thị trường trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm qua.
 
Bên cạnh đó, trong khu vực châu Á, Việt Nam là một trong số ít các nước có FTA với EU (sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore), vì thế, EVFTA mở ra cơ hội và lợi thế xuất nhập khẩu đặc biệt cho hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, EVFTA cũng tạo ra sức hấp dẫn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư từ một đối các đầu tư FDI hàng đầu thế giới, với nguồn vốn công nghệ và quản lý tiên tiến bậc nhất hiện nay. Do đó, EVFTA tạo nhiều kỳ vọng cho Việt Nam, làm đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, chủ tịch VCCi nhấn mạnh, để tận dụng tốt cơ hội mà EVFTA hứa hẹn mang lại, các doanh nghiệp cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết EVFTA cụ thể liên quan đến hoạt động kinh doanh, từ đó mới có thể hành động chuẩn bị, tận dụng cam kết một cách phù hợp. tận dụng được cơ hội này không?
 
Nói về cách thức tận dụng và hiện thực hóa cơ hội từ EVFTA, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khi tham gia EVFTA, chúng ta mải miết chạy theo những chỉ tiêu mong đợi mà quên mất những thế mạnh của mình. Đồng thời, khi tham gia EVFTA, người nông dân trong nước chịu nhiều sức ép từ hàng hóa bên ngoài. Sức ép này lại trở thành lợi thế của các quốc gia khác chứ không phải cho Việt Nam, đặc biệt là lợi thế của Trung Quốc. Ngoài ra, chúng ta tiếp nhận hàng hóa của các nước nhưng lại không nâng được hàng hóa của mình lên. Việc doanh nghiệp Việt không chuẩn bị đủ lực sẽ dẫn đến hụt hơi, đuối sức khi tham gia EVFTA.
 
Chuyên gia Phạm Chi Lan nói về khó khăn của hàng Việt khi tham gia EVFTA - ảnh 2
Tham gia EVFTA doanh nghiệp phải chấp nhận đương đầu thách thức.
 
Tuy nhiên, bà Chi Lan cho rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng thời điểm này EVFTA lần này sẽ khác. Bởi hiện nay dịch COVID-19 đang hoành hành làm tất cả các nước ngổn ngang, điều đó đặt chúng ta ở thế phải vươn lên, không thể không thay đổi. Thứ nữa, lần này sẽ tốt hơn khi EVFTA đến vào lúc chúng ta có khát vọng lớn để vượt lên. Ta đang tự hoạch định cho mình chiến lược tham vọng để phát triển. Và EVFTA sẽ giúp chúng ta thực hiện được khát vọng của mình.
 
Đồng thời vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp muốn sống sót phải thay đổi, phải chấp nhận đương đầu thách thức để phát triển. Sân chơi EVFTA chính là cơ hội, là động lực mới và quý để doanh nghiệp Việt vươn lên.
 
Đưa ra lời khuyên giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tham gia EVFTA, ông Lưu Hoàng Thái- nhà đàm phán Hiệp định EVFTA của Bộ Công thương, cho biết, câu chuyện không phải là ta sẽ xuất khẩu được bao nhiêu, mà quan trọng là việc kết nối và học hỏi từ thị trường thế giới.
 
Ngay khi EVFTA vừa kết thúc đàm phán, một doanh nghiệp bất động sản đến chỗ ông Thái hỏi cần làm gì để doanh nghiệp của ông mở rộng thị trường sang EU, nhưng ông Thái không đủ thông tin để trả lời. Ngoài ra, có rất nhiều doanh nghiệp hỏi về những rào cản, bất cập khi tham gia thị trường EU. Theo đó, ông Thái cho biết hiện Bộ Công thương đang trình Chính phủ xây dựng đầu mối duy nhất để doanh nghiệp hỏi thông tin mình vướng ở đâu để tìm hướng giải quyết.
 
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tương- Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, vấn đề doanh nghiệp Việt hiện nay quan tâm chủ yếu đến việc thực thị hiệp định. Do đó, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp ông Tương kiến nghị, Bộ Công Thương và VCCI nên cải tiến trong việc cấp Giấy chứng nhận C/O và giảm bớt thủ tục kiểm tra chuyên ngành như hiện nay. Đồng thời, VCCI nên trở thành trung tâm tư vấn pháp lý về thực hiện hiệp định EVFTA cho doanh nghiệp.
Đông Nghi