Chuyên gia: Số doanh nghiệp quay lại thị trường tăng mạnh trong tháng 6 đã đi đúng dự báo

Thùy Dương 10:22 | 29/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6/2023 tăng mạnh 215% so với cùng kỳ năm ngoái. Trả lời phỏng vấn trên Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam ngày 28/6, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá điểm sáng này không nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia.

Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký doanh nghiệp, trong tháng 6, có 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 138.746 tỷ đồng, tăng 4,8% về số doanh nghiệp và tăng 14,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6/2023 là 103.887 người, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 6/2023 cũng ghi nhận 7.098 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, tăng 215% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 6 tháng, có hơn 113.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường. Bình quân mỗi tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. 

Đánh giá về hoạt động doanh nghiệp trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm nay, phía Cục Đăng ký kinh doanh cho biết, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 6 ghi nhận tín hiệu tích cực, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tháng 6/2023 đạt mức cao nhất trong tháng 6 từ trước đến nay. 

Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong, những con số trên cho thấy thị trường đã nhận được nhiều điểm sáng hơn so với quý I. "Điều này không bất ngờ, nó nằm trong dự báo bởi giai đoạn khó khăn nhất của 2023 là nửa đầu năm, đặc biệt là trong quý I. Từ tháng 5 trở đi, nền kinh tế đã phát triển tích cực nhờ có sự thay đổi của thế giới theo hướng tốt hơn, cộng với sự nỗ lực của phía doanh nghiệp. Cho nên, việc các doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng mạnh đã chứng tỏ điều đấy" - vị Chuyên gia khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Phong cũng dự báo khả năng thị trường sẽ tiếp tục sáng lên hiện rõ  trong giai đoạn nửa cuối năm, cùng với nhiều yếu tố tin cậy hỗ trợ giúp cho Việt Nam duy trì ổn định kinh tế, đồng thời cho thấy sức sống của cộng đồng doanh nghiệp Việt.

 TS. Nguyễn Minh Phong. Ảnh: Báo Công Thương

 

Về lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, 6 tháng đầu năm 2023 cũng ghi nhận khoảng 100.000 doanh nghiệp rút lui, trung bình mỗi tháng có 16.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

"Con số này đã giảm so với mức bình quân doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng của giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023 (17.600 doanh nghiệp) và giai đoạn 4 tháng đầu năm 2023 (hơn 19.000 doanh nghiệp). Đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn", Cục Đăng ký kinh doanh cho biết.

Đáng chú ý, số liệu tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 cũng cho thấy kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất khi số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này đều có mức sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (giảm lần lượt 58,9% và 54,1%), trong khi số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường lại có xu hướng tăng cao (tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng cao nhất trong 17 lĩnh vực).

"Điều này đối lập với mức tăng trưởng ấn tượng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường của lĩnh vực này trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021 so với năm 2020 (44,8%)", Cục Đăng ký kinh doanh đánh giá.

Phía chuyên gia, ông Phong nhận định, lĩnh vực bất động sản sẽ còn kém từ nay đến hết năm do các vấn đề về dòng tiền doanh nghiệp, lãi suất ngân hàng và bản thân doanh nghiệp không huy động được vốn.

Giải thích về cơ chế hoạt động, Chuyên gia cho biết, nhóm doanh nghiệp liên quan đến phân phối như bất động sản gặp khó trong thời điểm này là lẽ đương nhiên. "Bởi khi không có hàng bán thì buộc các công ty phải sa thải nhân viên hoặc ngừng hoạt động. Như các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng vẫn duy trì số lượng, ngừng không rõ rệt." 

Cùng với kỳ vọng khởi sắc cho toàn ngành bất động sản trong 2024, ông Nguyễn Minh Phong cũng dự báo nhóm ngành sản xuất có khả năng tăng cao về số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập trong ngắn hạn thuộc ngành nông nghiệp với các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo và doanh nghiệp thủy sản. Đứng thứ 3 là nhóm các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ. Mặt khác, các doanh nghiệp gỗ, dệt may, da giày vẫn đang gặp khó khăn về tồn đọng đơn hàng xuất khẩu, khó thấy dấu hiệu tích cực giai đoạn nửa cuối năm. 

Dự báo đơn hàng cho các doanh nghiệp sẽ tăng trong quý III

Một yếu tố sáng khác là theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2023 của Tổng cục Thống kê, có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2023; 36,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 35,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Dự kiến quý III/2023, có 34,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2023; 38,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 27,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước lạc quan nhất với 74,5% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2023 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2023; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 73% và 71,1%.

Về đơn đặt hàng, có 24,9% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý II/2023 cao hơn quý I/2023; 38,9% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 36,2% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm. Xu hướng quý III/2023 so với quý II/2023, có 32,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 41,5% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 26,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm. Còn về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý II/2023 so với quý I/2023, có 18,5% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 43,2% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 38,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quý III/2023 so với quý II/2023, có 26,7% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 46,2% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 27,1% số doanh nghiệp dự kiến giảm.