Chuyên gia: Tỷ giá tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều các nước trong khu vực, chưa có dấu hiệu dòng vốn bị rút ra bên ngoài

Hạ An 07:37 | 20/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, khi đồng USD tăng mạnh, tỷ giá ở các quốc gia nới lỏng chính sách tiền tệ trong đó có Việt Nam đã tăng khá đột ngột. Tính từ đầu năm đến nay, mức tăng của đồng USD so với VND là gần 1,4%, thấp hơn khá nhiều mức tăng của đồng USD so với các đồng tiền của nhiều nước khác như: Nhật Bản hay Trung Quốc.

Chỉ số USD index đo sức mạnh của đồng USD cách đây vài tháng đã về dưới mốc 100, loanh quanh ở mốc 98-99 điểm nhưng từ đầu tháng 8 đến nay US Dollar Index đã vọt lên trên 103 điểm. Đà tăng của USD cùng với những diễn biến tỷ giá trong nước đã đẩy tỷ giá tăng cao.

Tỷ giá trung tâm đã giảm ngày 18/8 đạt mức 23.946 đồng, giảm nhẹ sau 4 ngày tăng liên tiếp. Với biên độ 5%, giá USD được phép giao dịch tại các ngân hàng thương mại hiện dao động 22.748 - 25.143 đồng.

VND mất giá khá thấp so với nhiều đồng tiền

Các đồng tiền khác trong khu vực cũng có xu hướng mất giá khá mạnh so với USD trong hai tuần gần đây. So với đầu năm, đa phần các đồng tiền trong khu vực cũng mất giá so với USD với mức dao động từ 3 - 5%.

Đặc biệt, so với thời điểm Fed bắt đầu tăng lãi suất, đồng Yên đã giảm giá khoảng 20%. Nguyên nhân là trong khi BOJ kiên trì với chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo để kích thích lạm phát và tăng trưởng trong nền kinh tế Nhật.

Đối với Trung Quốc, do việc giảm lãi suất rất mạnh và đến giờ này thì đồng nhân dân tệ đã bị mất giá đến hơn 7% so với USD.

Fed liên tục tăng lãi suất trong khi Việt Nam lại giảm lãi suất trong đầu năm 2023.

 

Bình luận về yếu tố tỷ giá tại Toạ đàm: "Sóng chứng khoán 2023 - V hay W?" diễn ra sáng 19,8 ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, tính từ đầu năm đến nay, mức tăng của đồng USD vẫn thấp hơn khá nhiều mức tăng của đồng USD so với các đồng tiền của nhiều nước trong khu vực.

Ông Minh phân tích, nguyên nhân dẫn đến nhiều đồng tiền mất giá là do USD Index tăng lên. Khi đồng USD tăng mạnh, tỷ giá ở các quốc gia nới lỏng chính sách tiền tệ trong đó có Việt Nam đã tăng khá đột ngột. Tính từ đầu năm đến nay, mức tăng của đồng USD so với VND là gần 1,4%, thấp hơn khá nhiều mức tăng của đồng USD so với các đồng tiền của nhiều nước khác như: Nhật Bản hay Malaysia.

Với Trung Quốc, ngay sau khi chính thức mở cửa sau dịch COVID-19, ngân hàng trung ương của họ đã bắt đầu chính sách nới lỏng tiền tệ và kích thích kinh tế.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm CTCK Yuanta Việt Nam. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Với yếu tố tỷ giá, chỉ số US Dollar Index (DXY), hiện chỉ số này đã tăng lên mức 103 điểm. Đà tăng của đồng USD được dự báo vẫn sẽ duy trì khi lạm phát Mỹ có thể tăng trở lại trong tháng 8.

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng phát đi thông điệp rằng cần tiếp tục kiềm chế lạm phát chứ không tập trung vào câu chuyện tăng trưởng. Điều này khiến cho mức lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng rất nóng trong thời gian qua.

Hiện nay, trên thế giới có hai xu hướng điều hành lãi suất, trong khi Mỹ và châu Âu thì tiếp tục tăng lãi suất do lo ngại lạm phát thì các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc hay Việt Nam lại hạ lãi suất. Vì vậy, khi USD tăng thì đồng tiền của các quốc gia đang có xu hướng nới lỏng tiền tệ bằng việc giảm lãi suất sẽ nhanh chóng bị mất giá.

Tỷ giá sẽ sớm ổn định

Tỷ giá trong nước cũng diễn biến tăng tuy nhiên ông Minh cho rằng, không có yếu tố dòng vốn bị rút ra bên ngoài. Dẫn chứng về nhận định này, ông Minh nêu ra hai chỉ số CDS (hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng) và lạm phát thế giới.

Khi chỉ số CDS tăng cao sẽ phản ánh rủi ro của nền kinh tế, có thể là rủi ro về chính trị, kinh tế hay việc dòng vốn rút khỏi thị trường. Trong giai đoạn vừa rồi, CDS tăng chủ yếu là do đồng USD tăng nhưng không quay lại mức nóng như cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Với yếu tố lạm phát, đại diện Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra góc nhìn lạc quan về việc lạm phát thế giới sẽ không tăng cao như giai đoạn năm 2022 khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy trên toàn cầu.

Trong giai đoạn ngắn hạn, tình trạng tích cung một số mặt hàng như gạo hay dầu thô sẽ gây áp lực lên lạm phát, tuy nhiên áp lực này không cao như thời điểm năm 2022 và chỉ diễn ra trong ngắn hạn. 

USD Index tăng nhưng chưa cao như mức tháng 10 năm ngoái. (Nguồn: Investing).

Chuyên gia tài chính Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, dù USD Index có tăng trong vài tuần trở lại đây nhưng so với đỉnh điểm cuối năm ngoái thì nó vẫn còn thấp. Năm ngoái, có lúc USD Index đã lên vượt mốc 106.

Việc tăng lãi suất của FED thì cũng đã được báo trước và đã có sự lan tỏa vào cung cầu thị trường ngoại hối quốc tế rồi. Nhiều ý kiến cho rằng khả năng cao FED đã đi đến chặng cuối của chu kỳ tăng lãi suất.

Nếu FED tăng lãi suất một lần cuối vào tháng 9 năm nay và sau đó giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì USD sẽ mất giá sau khi đã đạt đến đỉnh điểm.

Ông cũng nhận định, cán cân thương mại của Việt Nam cũng được cải thiện nhiều; thị trường chứng khoán vẫn đang phục hồi so với năm ngoái. Năm nay tăng trưởng kinh tế có thể thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Theo dự báo của WB, IMF thì chúng ta sẽ tăng trưởng gần 5% thì vẫn là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Lượng vốn vào Việt Nam vẫn có triển vọng ổn định. Cán cân thương mại, cán cân vốn tốt…

Từ các yếu tố trên, chuyên gia đánh giá, tỷ giá VND/USD sẽ không có biến động mạnh trong quý 4 của năm 2023.