Chuyên gia và doanh nghiệp 'hiến kế' phát triển thị trường nông sản
Thành tựu đáng tự hào trong phát triển thị trường nông sản
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Trần Công Thắng, Viện trưởng IPSARD nhận định, những năm vừa qua nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong giai đoạn 2011 - 2021, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,9%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 4,73%/năm, tăng trưởng xuất khẩu 7,3%/năm, giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới, đưa nông sản tới hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tiến sĩ Trần Công Thắng cũng cho biết, trong những năm qua, cơ chế chính sách phát triển thị trường nông sản tại Việt Nam ngày càng được Đảng, Chính Phủ quan tâm và hoàn thiện từ các chính sách chung về Quy hoạch, Chiến lược, đề án phát triển đến các chính sách cụ thể như thuế, phí, ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển khối cùng (hộ, trang trại, doanh nghiệp), phát triển hệ thống phân phối đến chính sách thúc đẩy tiêu dùng, xúc tiến thương mại. Các chính sách này đã góp phần đảm bảo sự vận hành hiệu quả của thị trường nông sản: nâng cao khả năng cạnh tranh; giảm chi phí giao dịch; giảm thiểu rủi ro; thúc đẩy nâng cấp, đổi mới, nâng cao giá trị gia tăng.
Tuy vậy, các chính sách nhìn chung vẫn còn một số bất cập, hạn chế về nguồn lực, cách thức tổ chức thực hiện dẫn đến kết quả đạt được chưa cao.
Nông sản Việt Nam trước nhiều cơ hội và thách thức
Ông Tạ Văn Tưởng, chuyên gia từ IPSARD, tại thị trường nội địa, chúng ta có rất nhiều cơ hội như: Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và xu hướng tăng trưởng kinh tế, thu nhập, mức sống dẫn tới tăng trưởng tiêu dùng, thay đổi về thị hiếu và quy mô, cơ cấu tiêu dùng.
Hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử,...) ngày càng chi phối chuỗi cung ứng nông sản. Đi kèm với đó là những thách thức như hội nhập sâu rộng đồng nghĩa với cạnh tranh trên chính “sân nhà với nông sản các nước khác, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi các sản phẩm có chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cao.
Tại thị trường xuất khẩu, nhu cầu về nông sản trên thế giới sẽ tiếp tục tăng, dự báo khoảng 1,1%/năm trong 10 năm tới, nhất là khi chúng ta tham gia ký kết nhiều FTA giúp nông sản Việt có cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng sản phẩm được phép xuất khẩu và nhận các ưu đãi về thuế, hạn ngạch.
Tuy nhiên, những thách thức cũng không hề nhỏ khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước khi tham gia thị trường toàn cầu, yêu cầu kỹ thuật cao (chất lượng, nhãn mác, truy xuất,...), tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ SPS khắt khe, bên cạnh đó là những tình hình bất ổn của chính trị trên thế giới.
Do đó, việc hoàn thiện các chính sách không những giúp doanh nghiệp gỡ bỏ các rào cản, mà còn là phương hướng để các đơn vị “đi đúng đường”.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất nhập khẩu với các thị trường lớn tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nhị - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và PT Công nghệ An Đình cho biết: “Khó khăn trong chế biến và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam là sự manh mún, quy mô nhỏ lẻ dẫn tới giá thành sản xuất lúa nguyên liệu cao; Khó kiểm soát việc nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên khó đảm bảo chất lượng đầu ra theo cam kết; Doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo phải đảm bảo yêu cầu về cơ sở sản xuất quy mô lớn để có Giấy phép xuất khẩu gạo nên thiếu vốn đầu tư cho kho chứa, dây chuyền sản xuất, chi phí vốn cao; Chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động sau thu hoạch, chế biến, phân phối,... Ngoài ra, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chi phí logistic lớn cũng là rào cản rất lớn.
Trải qua nhiều năm trên thương trường, đã có lúc doanh nghiệp phải đối diện với việc hàng bị trả lại do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không đáp ứng tiêu chuẩn. “Tôi bị 2 container xuất sang Mỹ (Hawaii, Oulu) bị trả về. 1 container xuất sang Mỹ mất 20.000 USD cả chiều đi và về, 2 container là 40.000, tương đương gần 1 tỷ VND. Lý do bởi xuất hiện 0,001% dư lượng thuốc không được Mỹ cho phép”. Rút kinh nghiệm từ việc sử dụng thuốc bảo vệ không đúng cách, doanh nghiệp đã cấp phát thuốc, hướng dẫn người dân cách sử dụng đúng thời điểm, liều lượng theo quy chuẩn các thị trường. Nhờ đó, An Đình là doanh nghiệp duy nhất xuất khẩu được gạo sang Nhật Bản, nằm trong top doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, EU.
'Hiến kế' cho thị trường nông sản
Chuyên gia Tạ Văn Tưởng phân tích thêm, trong cách thể chế, chính sách phát triển thị trường nông sản vẫn còn nhiều rào cản cần gỡ bỏ. Điển hình như trong chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mức đầu tư cho các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) còn thấp, kinh phí huy động từ các nguồn xã hội hóa còn hạn chế. Các chương trình XTTM tập trung chủ yếu vào việc tổ chức/ tham dự các hội chợ, triển lãm tuỳ theo ngân sách được cấp hàng năm mà chưa có chiến lược dài hạn; Chính sách khuyến khích, kết nối cung cầu trong sản xuất, kinh doanh còn chưa mạnh; Thiếu hướng dẫn cụ thể thực hiện dẫn đến lúng túng trong quá trình triển khai.
Từ đó, chuyên gia đề xuất: Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) theo khu vực thành thị, nông thôn; Nâng cấp, cải tạo hệ thống chợ hiện nay, đặc biệt chợ đầu mối theo hướng hiện đại, cung cấp dịch vụ tổng hợp, hình thành các sàn giao dịch nông sản; Bổ sung các quy định về hạ tầng thương mại; Cơ chế tài chính, tín dụng hỗ trợ đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư; Hoàn thiện cơ chế phát triển thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.
Trong đề xuất điều chỉnh chính sách thuế, phí, chuyên gia từ IPSARD cho biết: Cần có thêm ưu đãi về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp/ thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu) cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xanh sạch, chế biến sâu, sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ cao; Áp dụng mức thuế GTGT bằng 0% đối với doanh nghiệp chế biến, đóng gói, tiêu thụ nông sản trên thị trường nội địa nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản.
Một trong những điều không thể thiếu trong việc hoàn thiện chính sách là quản lý chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm (ATTP) và truy xuất nguồn gốc. ông Tưởng cho biết, ngoài kiểm soát chặt chẽ việc công bố, đánh giá chất lượng nông sản, ATTP, cần xây dựng hệ thống quy chuẩn thống nhất về sử dụng tem để truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, áp dụng tiến bộ công nghệ vào TXNG để việc thực hiện dễ dàng, thuận tiện.