Chuyên gia Vũ Đình Ánh: Giảm thuế GTGT 2% là lựa chọn chưa từng có trong việc hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

15:04 | 20/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đánh giá về gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng, trong đó, có gói tài khóa lên tới 291 nghìn tỷ đồng với nhiều hạng mục triển khai rất cụ thể, chuyên gia Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: “Chúng ta đã thấy chính sách tài khóa được xây dựng như trụ cột”.

Chiều 19/1, tại Diễn đàn kinh tế - tài chính trực tuyến với chủ đề "Phát triển bền vững, thích ứng tương lai" - Diễn đàn đầu tiên, mở đầu cho chuỗi diễn đàn về kinh tế - tài chính sẽ được Thời báo Tài chính Việt Nam thực hiện trong năm 2022, chuyên gia Vũ Đình Ánh đã chia sẻ về những tác động lớn đối với việc phục hồi, phát triển nền kinh tế từ gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội vừa thông qua.

Một lựa chọn chưa từng có trong việc hỗ trợ thông qua giảm sắc thuế

Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, gói hỗ trợ lần này với quy mô tổng thể là 350 nghìn tỷ đồng, trong đó chỉ đích danh 2 chính sách chủ đạo, quyết định sẽ có tác động lớn đối với việc phục hồi, phát triển nền kinh tế. Gói này không gọi là gói kích cầu hay gói kích thích kinh tế mà gọi là gói hỗ trợ phục hồi – phát triển kinh tế và cả xã hội. Đó là ấn tượng đầu tiên.
Cùng với đó, xét về 2 công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng hàng đầu là tài khóa và tiền tệ thì lần này, chúng ta đã thấy chính sách tài khóa được xây dựng như trụ cột.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh. Nguồn: nguoiduatin.vn

“Nội dung của 2 mảng chính sách đã được thiết kế có sự phối hợp đồng bộ, đây là điều không dễ được nhìn thấy trong những lần thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô nói chung cũng như khi thực hiện các gói hỗ trợ nói riêng. Một điểm nổi bật nữa là, gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng đã nhấn mạnh vai trò của chính sách tài khóa, khác hẳn so với tất cả những hỗ trợ về mặt thuế, thu ngân sách chúng ta đã triển khai”, chuyên gia Vũ Đình Ánh nói.

Ông Ánh phân tích, nếu trước đây, chúng ta lấy trụ cột, chủ chốt là giãn, hoãn – tạm thời chưa thu vào ngân sách nhà nước – thì lần này, chúng ta trực diện đặt vấn đề và quyết tâm giảm các khoản thu vào ngân sách nhà nước.

Yếu tố quan trọng hơn cả là trước đây, chúng ta cũng có các chính sách miễn, giảm thuế, phí, các nguồn động viên nhưng chỉ tập trung vào thuế trực thu như thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp khó khăn, khủng hoảng. Còn lần này, gói hỗ trợ giảm thẳng vào thuế gián thu - thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Theo đó, thuế suất GTGT phổ thông hiện nay là 10%, khi ta giảm chỉ 2% thôi nhưng cũng có tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường. Như vậy, người bán có điều kiện không phải tăng giá khi mà sức ép về chi phí tăng cao, thách thức còn nhiều.

Khả năng tiêu thụ sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới 24,7 triệu dân, việc giảm thuế GTGT sẽ giúp họ trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu, từ đó có niềm tin, có điều kiện tốt hơn để tiếp tục tiêu dùng, phục vụ đời sống.

Thêm nữa, việc giảm thuế GTGT sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng khi tiêu dùng trong nước có triển vọng tốt hơn và phục hồi. Giảm thuế GTGT 2% sẽ giúp đạt 2 mục tiêu: hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, đồng thời, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Có thể nói, đây là một lựa chọn chưa từng có trong việc hỗ trợ thông qua việc giảm sắc thuế phổ biến nhất, tác động rộng rãi nhất, rõ ràng nhất đến thị trường.

Theo ông Ánh, trong các quy định chính sách hỗ trợ từ gói 350 nghìn tỷ đồng, có một điểm đặc biệt nữa là gói hỗ trợ lãi suất 2%. Đây là một cách tiếp cận mới mẻ. Trước đó, các gói hỗ trợ xác định đối tượng hỗ trợ là ai, nếu không thuộc đối tượng thì không được hưởng nhưng lần này, tư duy hoàn toàn ngược lại - chỉ quy định ai không được hưởng, còn lại thì đều nghiễm nhiên được hưởng.

Đây là một cách làm hay, không chỉ giúp chính sách rõ ràng, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn mà còn giúp việc triển khai các gói hỗ trợ thuận lợi hơn, giảm bớt những sai phạm trong thực hiện.
Gói chính sách lần này không chỉ mang tính kế thừa những gì đã thực hiện để cải thiện nâng cao hơn mà mang dấu ấn của hội nhập, của sự bắt nhịp chung của kinh tế Việt Nam đồng hành với thế giới, với xu thế hiện đại nhất, đảm bảo tăng trưởng vừa cao, vừa ổn định, đồng thời bảo vệ môi trường và bền vững.

“Tôi xin khẳng định, gói hỗ trợ lần này bên cạnh quy mô lớn còn có cả sự thay đổi về chất. Chất ở đây là tư duy thiết kế chính sách, tư duy định hướng dòng tiền và những tiến độ trong tạo điều kiện thực thi chính sách thuận lợi, hiệu quả, phù hợp nhất với xu thế chung của thời đại cũng như sự vận động của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam”, ông Ánh nhấn mạnh.

Cần xử lý các vấn đề về tiến độ triển khai các dự án và giải ngân

Tuy nhiên, chuyên gia Vũ Đình Ánh vẫn bày tỏ sự lo ngại về gói đầu tư công. Cho dù đầu tư công cùng với xuất khẩu và tiêu dùng trong nước thường xuyên là trụ cột của nền kinh tế, của tăng trưởng nhưng, thời gian qua, việc giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công khá chậm.

Thời gian qua, việc giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công khá chậm. Nguồn: nhandan.vn.

Nếu muốn chính sách hỗ trợ phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất thì chắc chắn ta phải xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ triển khai các dự án cũng như tiến độ giải ngân. Có như vậy, con số 167 nghìn tỷ đồng dành cho đầu tư công trong gói hỗ trợ lần này mới phát huy tác dụng trong thực tế, qua đó tạo ra cơ sở hạ tầng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

“Nhiều dự án đầu tư công không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa tăng trưởng, phục vụ cho sự hiện đại hóa của đất nước, hay tạo nền tảng của sự phát triển kinh tế xã hội cho địa phương, cho vùng mà còn trực tiếp phục vụ sự phát triển bền vững, hướng đến tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường. Đầu tư công nếu sử dụng tốt sẽ góp phần tốt trong đảm bảo những mục tiêu xa hơn”, ông Ánh khuyến nghị.