Chuyển giao thế hệ - giai đoạn mong manh của doanh nghiệp gia đình
(DNVN) - Kế nghiệp, duy trì và phát triển doanh nghiệp qua nhiều thế hệ là mong muốn của các doanh nghiệp gia đình. Tuy nhiên, giai đoạn mong manh nhất đối với một doanh nghiệp gia đình là giai đoạn doanh nghiệp được truyền từ thế hệ sáng lập sang thế hệ tiếp theo.
Theo các chuyên gia, chuyển dịch lãnh đạo là một trong các vấn đề áp lực nhất đối với doanh nghiệp gia đình. Theo nghiên cứu mới đây của Deloitte toàn cầu, chỉ có 30% doanh nghiệp gia đình thực hiện chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 2 và 12% chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 3, chỉ 3% chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 4 và các thế hệ tiếp theo.
Ngoài ra, theo khảo sát thế hệ kế nhiệm của PwC có đến 61% cho rằng thế hệ trước sẽ khó từ bỏ hoàn toàn kiểm soát khi họ tiếp quản doanh nghiệp. Thế hệ sau thường cảm thấy nản chí khi phải cố gắng thuyết phục thế hệ đương nhiệm chấp nhận ý tưởng mới của mình.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, muốn chuyển giao thế hệ kế nghiệp phải căn cứ vào tình hình cạnh tranh tương lai. Doanh nghiệp gia đình có ba hướng: Thứ nhất tiếp tục duy trì, thứ hai là đại chúng hoá nâng cao tính quản trị và hội nhập, thứ ba có cả những doanh nghiệp gia đình “bán đứt”.
Ông Đoàn cho rằng, với các thế hệ thứ 2 (F2), cải thiện mối quan hệ với thế hệ đi trước là cực kỳ khó khăn, thậm chí là phải rất kỳ công. Do đó, có nhiều kỹ năng cần được triển khai như nêu cao tính trách nhiệm của thế hệ F2 để thế hệ F2 hiểu hơn và có ý thức trách nhiệm hơn trong công việc. Cũng có nhiều trường hợp, thế hệ F2 chưa đủ năng lực để đảm đương thì chỉ nên cho nắm giữ một trong những vấn đề của công ty như nhân lực và tài chính, việc quản trị điều hành trực tiếp có thể là người ngoài. Đây sẽ là cố vấn quan trọng, gần như người "cơ trưởng" hậu thuẫn cho thế hệ F2 chèo lái trong vài năm. Nói như vậy cũng có nghĩa là có nhiều khi, doanh nghiệp gia đình cần huy động các nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ cũng như thúc đẩy tinh thần cho thế hệ đi sau.
Chia sẻ thêm về câu chuyện chuyển giao thế hệ, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNG Holdings nêu ra những khó khăn trong quá trình chuyển giao. Tại các doanh nghiệp gia đình Việt Nam, việc chuyển giao doanh nghiệp cho F2 nhưng thế hệ thứ hai lại không yêu thích công việc kinh doanh là điều vô cùng khó.
Theo bà Hường, thế hệ kế nhiệm trong gia đình mình nếu đam mê thì mới chuyển giao. Đồng thời, hãy để những người thực sự năng lực đứng vị trí điều hành. Trong trường hợp này, thế hệ F2 có thể trở thành cổ đông của công ty. Đây cũng là phương án tốt cho doanh nghiệp.
Đồng thời, trong trường hợp thế hệ kế nghiệp vẫn muốn chuyển giao doanh nghiệp cho các thành viên trong gia đình, ở trường hợp này, bà Hường cho rằng, có 2 cách thức chuyển giao doanh nghiệp thế hệ thành công. Thứ nhất: Sử dụng các tư vấn chuyên nghiệp để hỗ trợ cho thế hệ kế nghiệm. Thứ hai: Sử dụng cấu trúc doanh nghiệp chuyên nghiệp để lãnh đạo công ty
Thảo luận xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Duy Ninh, Chủ tịch lâm thời CLB Kế nghiệp Việt Nam, Giám đốc điều hành Cty CP Tập đoàn Hồ Gươm cho biết, doanh nghiệp gia đình tư nhân của Việt Nam đa số là doanh nghiệp nhỏ. Sự chuyển giao kế nghiệp bản chất là tiếp quản trọng trách lớn, nhiều thành viên thế hệ F2 có khả năng nhưng không có mong muốn. Trong khi đó, việc chuyển giao thế hệ bản chất là bàn về đào tạo nhân sự lãnh đạo.
Do đó, ông Ninh cho rằng, Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam nên có cấu trúc gắn kết hơn nữa hỗ trợ các thành viên, nhất là các thế hệ trong tương lai. Hội đồng có thể hỗ trợ thành viên đào tạo riêng theo từng nhóm ở nước ngoài. Cho các thành viên cơ hội trải nghiệm. Các thành viên hỗ trợ lẫn nhau, kết hợp với thế hệ F1 mang lại lợi ích cho các thành viên cụ thể. Đồng thời, nghiên cứu ra chương trình đào tạo cho các thế hệ đi sau. Mời các doanh nhân đi trước chia sẻ bài học thành công, sau đó có thể kết nối với thế giới.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ: Chúng tôi mong muốn rằng, quá trình chuyển gia kế nghiệp trong các công ty gia đình làm thế nào được càng lâu càng tốt, làm thế nào các doanh nghiệp Việt Nam có thể tồn tại được cả trăm năm.
Theo đó, nhìn lại thời điểm khởi nghiệp của các doanh nhân gia đình Việt Nam từ những năm 1990, thời điểm đó, các doanh nhân khởi nghiệp thường ở tuổi 30-35, đến nay những doanh nhân đó cũng đã ở tuổi 70. Ở thời điểm này, vấn đề chuyển giao kế nghiệp là rất quan trọng và là vấn đề lớn trong mỗi doanh nghiệp gia đình.
Tuy nhiên, vấn đề khiến ông Phan Đức Hiếu quan ngại là làm thế nào để doanh nghiệp chuyển giao với tầm nhìn rộng hợn, chiến lược tốt, hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời phải tách biệt giữa hoạt động sở hữu và điều hành công ty, phải chọn được người có năng lực, nếu trong thế hệ tiếp theo chưa có năng lực quản trị hãy chờ đến thế hệ tiếp theo nữa.
Với những doanh nghiệp đang trên đà phát triển tốt, nếu không kế nghiệp thành công sẽ rất lãng phí. Bởi không đơn thuần là phát triển sự nghiệp của mỗi gia đình, đất nước còn cần nhiều doanh nghiệp lớn mạnh. Đã đến lúc doanh nghiệp nghĩ tới ngoài trách nhiệm gia đình sẽ là trách nhiệm xã hội.