Chuyện khởi nghiệp gian truân của "ông bầu" CLB bóng đá Hà Nội FC
Những người hâm mộ cuồng nhiệt của Hà Nội FC chắc chắn không ai là không biết đến chủ sở hữu đằng sau hậu trường chính là ông bầu Đỗ Quang Hiển và gia đình. Ngài CLB Hà Nội, vị doanh nhân này còn liên quan đến nhiều đội bóng khác dưới danh nghĩa sở hữu hoặc tài trợ trên khắp cả nước.
Tất nhiên để có tiềm lực vững mạnh để theo đuổi niềm đam mê vốn nổi tiếng "đốt tiền" này chắc chắn sự nghiệp của ông Đỗ Quang Hiển không phải tầm thường.
Đỗ Quang Hiển sinh ngày 29/10/1962, ông tốt nghiệp khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông từng chia sẻ với báo giới về đam mê đọc sách, đặc biệt học rất giỏi các môn khoa học tự nhiên, những định luật, nguyên lý… Đó là những lý do thôi thúc người đàn ông này rời Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình – nơi ông gắn bó khoảng 3 năm sau khi tốt nghiệp ra trường – để gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia để thỏa mơ ước nghiên cứu, cho ra những công trình mang tầm quốc gia.
Tuy nhiên, một lần nữa bởi không hợp với môi trường nhà nước nên ông đã quyết định khởi nghiệp bằng việc kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông… thông qua việc thành lập Công ty Công ty TNHH Công nghệ và thương mại T&T vào năm 1993.
Thời gian đầu, việc kinh doanh của T&T phát triển mạnh, sản phẩm của doanh nghiệp được xếp vào diện bán chạy trên thị trường với doanh thu rất cao, thị phần tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Ông Đỗ Quang Hiển dường như sắp đạt được đỉnh cao danh vọng với kết quả đạt được khá ấn tượng này.
Sóng gió
Nhưng, trong kinh doanh không có con đường nào bằng phẳng và trải màu hồng. Cũng như nhiều người khác, ông Đỗ Quang Hiển cũng đối mặt với một giai đoạn khó khăn, tưởng chừng sẽ khiến T&T sụp đổ.
Năm 1998, Công ty Tân Trường Sanh có hành động gian dối với một số cán bộ hải quan đã tuồn vào thị trường Việt Nam khối lượng rất lớn hàng điện tử, điện lạnh… khiến nhà nước thất thu gần một nghìn tỷ đồng.
Sản phẩm của T&T do nhập chính ngạch và nộp thuế đầy đủ lên tới 60% nên giá thành không thể cạnh tranh với các đơn vị buôn hàng lậu, thị trường điện tử điện lạnh trong nước thời đó bị khuynh đảo. T&T và rất nhiều đơn vị kinh doanh hàng điện tử tại Việt Nam đều rơi vào hoàn cảnh không bán được hàng và rơi vào làm ăn sa sút.
Kết quả, ông Hiển và doanh nghiệp gánh số nợ lên tới gần 40 tỷ đồng, gồm 7 tỷ đồng tiền nợ thuế nhập khẩu và trên 30 tỷ đồng nằm trong kho. Ngân hàng thúc nợ, cơ quan thuế phát lệnh truy thu, bầu Hiển rơi vào tình cảnh khó khăn chưa từng có. Lúc bấy giờ, ông mới giật mình nhìn lại xung quanh chẳng có ai gánh hộ món nợ và có thể chung tay cùng ông vượt qua giai đoạn khó khăn. Thậm chí, lúc đó có một tờ báo đã đưa ông Hiển lên trang nhất cùng biệt danh “chúa chổm”. Gần như rơi vào đường cùng, ông Hiển thậm chí phải cho nhân viên giỏi tìm việc mới đồng thời phải chạy vạy khắp nơi để giải quyết khủng hoảng nợ trong suốt 3 năm.
Nhớ về thời gian khổ ngày trước, Chủ tịch Tập đoàn T&T thẳng thắn chia sẻ: “Người ta nhìn vào thành quả của T&T giờ đây có thể nghĩ rằng tôi thành công lắm rồi. Nhưng, ai đó quan tâm tới lĩnh vực kinh doanh hàng điện tử mới thấy rằng có rất nhiều rủi ro. Quả thực, tôi đã từng trải qua cảm giác chán nản, mệt mỏi vô cùng. Hàng hoá lúc đó chất đống trong kho, làm sao mà cạnh tranh được với hàng lậu, nợ ngân hàng thì ngày càng nhiều lên. Nếu nói T&T phá sản thì hơi ngoa, nhưng tình thế lúc ấy cũng gần như vậy, may là sau đó cơ quan pháp luật đã vào cuộc và phá được đường dây này”.
Cũng chính thời khắc khó khăn này, ông Hiển mới nhận thấy nếu chỉ kinh doanh thương mại thuần túy, làm đại lý cho nước ngoài, rủi ro cao và ông sẽ mãi chỉ là người phân phối sản phẩm, gia công và mượn thương hiệu của người khác. Chẳng có cái gì là của riêng ông và làm lên giá trị của chính mình.
Thời bấy giờ, kinh doanh hàng điện tử – điện lạnh đang “hot” và có không ít doanh nghiệp cũng kinh doanh các mặt hàng điện tử – điện lạnh, ấy là còn chưa kể có vô số cửa hàng cỡ lớn đang chiếm lĩnh thị trường theo từng khu vực nhất định. Bài toán đặt ra với ông chủ của T&T là muốn phát triển phải tìm thị trường mới chưa ai đặt chân, do đó ông Đỗ Quang Hiển quyết định tìm hướng kinh doanh mới.
Không bỏ cuộc khi kinh doanh xe gắn máy
Năm 1998, bầu Hiển quyết định hướng T&T sang lĩnh vực lắp ráp xe máy. Khi quyết định chuyển hướng kinh doanh, ông nhận thấy xe máy là thị trường tiềm năng mà chưa có doanh nghiệp nào tham gia. Xe máy lúc bấy giờ cũng là phương tiện mà nhiều gia đình ở Việt Nam ao ước sở hữu.
Nước đi này vô cùng bất ngờ ở thời điểm đó và nó cũng cho thấy tầm nhìn xa, khả năng dự liệu của doanh nhân khi dự đoán chính xác về thị trường tiềm năng sắp bùng nổ. Thật vậy, đầu tư vào mảng lắp ráp xe máy nhanh trở thành “cơn sốt” của gần 60 doanh nghiệp.
Tất nhiên, nhiều đơn vị nhảy vào chắc chắn T&T sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh thị phần, đã có lúc hàng sản xuất ra bị tồn đọng, trong khi những khoản chi cho lương nhân công, nguyên vật liệu, khấu hao máy móc vẫn tiếp tục phải duy trì.
Nhưng, thay vì bỏ cuộc ngừng sản xuất thì ông Đỗ Quang Hiển đã vạch ra một kế hoạch để lật ngược tình thế. Rà soát lại quy trình đầu tư, vị doanh nhận thấy có quá nhiều điều bất ổn. Kết hợp với những thương vụ không thành trong quá khứ, ông nghĩ, nếu chỉ làm thương mại – tức bán hàng mà không sản xuất – thì chẳng những phải chấp nhận đầu vào với giá cao mà còn luôn bị động. Do đó, T&T đã cho ra đời của nhà máy sản xuất linh kiện, động cơ và phụ tùng xe máy đạt tỷ lệ nội địa hóa với quy mô lớn trên 90% của riêng T&T tại Hưng Yên.
Nghĩ là làm, năm 2000, nhà máy sản xuất động cơ xe máy T&T Hưng Yên ra đời với số vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD (300 tỷ đồng). Đến năm 2003 chiếc xe máy đầu tiên mang thương hiệu Việt ra mắt thị trường, với tỷ lệ nội địa hóa đến 90% và giá rẻ bằng 1/3 sản phẩm ngoại. Sản phẩm ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới bình dân, tại các vùng quê, xe máy T&T làm đến đâu bán hết đến đó với doanh thu xuất khẩu khoảng 5 triệu USD/năm trong giai đoạn đó.
Giai đoạn đó, trung bình một năm, T&T Group tung ra thị trường khoảng 700.000 xe gắn máy, trong đó 80% tiêu thụ trong nước và 20% xuất khẩu sang thị trường châu Phi và Nam Mỹ.
Đánh trúng vào phân khúc xe máy bình dân tại các vùng quê, xe máy T&T làm đến đâu bán hết đến đó với doanh thu xuất khẩu khoảng 5 triệu USD/năm trong giai đoạn đó.
Có giai đoạn việc kinh doanh chứng kiến sự khởi sắc, T&T Group tung ra thị trường khoảng 700.000 xe gắn máy, trong đó 80% tiêu thụ trong nước, thậm chí còn dành 20% xuất khẩu, lấn sân sang thị trường châu Phi và Nam Mỹ.
"Nên duyên" với SHB
Sau giai đoạn vực dậy từ những khó khăn,T&T dần tham gia vào các lĩnh vực mang tính trụ cột của nền kinh tế là bất động sản và đặc biệt là ngân hàng.
Năm 2006, doanh nhân Đỗ Quang Hiển bước chân vào lĩnh vực ngân hàng với khoản đầu tư vào Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, tiền thân của ngân hàng SHB sau một cuộc đàm phán nhanh gọn.
Từ mức vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, đến nay, vốn điều lệ của SHB đã tăng lên mức 19.260 tỷ đồng, tương đương mức tăng lên tới… gần 40 lần sau khoảng 15 năm và đang dự định sẽ tăng tiếp lên 26.674 tỷ đồng trong năm 2021.
“Tôi thích làm những gì mà người khác cho là không thể” là lời mà ông Hiển nói với truyền thông trước đó cả một thập kỷ. Năm 2012, ông đã một lần nữa minh chứng phương châm sống bằng quyết định táo bạo sáp nhập ngân hàng yếu kém Habubank vào SHB.
Thời kỳ đầu được ghi nhận là khó khăn, sau thương vụ đình đám vào tháng 8/2012, ngay lập tức SHB của ông Đỗ Quang Hiển đã ghi nhận mức lỗ lên tới 1.700 tỷ đồng ngay trong quý 3 cùng năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ 2,2% lên 13,2%. Đó là chưa kể đến các khoản nợ xấu tiềm ẩn và áp lực thoái lãi dự thu.
Chỉ một vài năm gần đây, lợi nhuận của SHB mới trên đà hồi phục trở lại được mức tương xứng với quy mô ngân hàng. Thương vụ M&A khiến SHB phải mất cả thập kỷ từ khi sáp nhập để giải quyết triệt để các vấn đề liên quan.
Tất nhiên, trong nguy có cơ, khi Chủ tịch SHB đứng ra nhận sáp nhập ngân hàng yếu kém nhưng đổi lại ông Hiển cũng xứng đáng nhận được sự tôn vinh từ xã hội, bởi những đóng góp trong việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động và lợi ích của cổ đông.
Sau nhiều năm đồng hành cùng SHB, thành quả mà ngân hàng thương mại này cũng khá ấn tượng: tổ chức tín dụng được từng được xếp vào Top 10 Ngân hàng Thương mại cổ phần uy tín nhất Việt Nam, Top 100 ngân hàng khu vực ASEAN, Top 500 ngân hàng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Top 1.000 ngân hàng toàn cầu và là 1 trong 10 tổ chức tín dụng có tầm ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, cơ ngơi đồ sộ của “bầu” Hiển trải dài trên rất nhiều lĩnh vực kinh doanh bao gồm: Tài chính & Đầu tư; Bất động sản; Công thương; Nông nghiệp, Lâm nghiệp & Thủy sản; Hạ tầng giao thông, cảng biển & logistic; Năng lượng và Môi trường; Y tế, Giáo dục và Thể thao.
Chuẩn bị vững chắc cho các con trai kế nghiệp
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển có hai người con trai nổi tiếng là Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989 và Đỗ Vinh Quang sinh năm 1995. Những động thái nhiều năm qua cho thấy vị doanh nhân này định hướng sẵn đường đi “kế vị” cho 2 người con trai và hình thành gia tộc kinh doanh trong tương lai gần.
Đỗ Quang Vinh nhận nhiệm vụ đầu tiên với chức danh Phó giám đốc khối ngân hàng bán lẻ SHB. Anh cũng đảm nhiệm cương vị Giám đốc chuyển đổi số, Giám đốc Dự án triển khai giải pháp Quản lý quan hệ khách hàng (CRM), đồng thời là Chủ tịch HĐTV SHB Finance.
Vị doanh nhân trẻ luôn muốn chứng tỏ bản thân, sẵn sàng vượt qua cái bóng “con trai bầu Hiển”. Anh từng trả lời trước báo chí rằng mình là hướng nội và “luôn đặt mình đứng xa những thứ xa xỉ”, có lẽ một phần do là con trai cả nên anh cũng có thời gian dài trải nghiệm cuộc sống vất vả, thăng trầm từ lúc bố anh – ông Đỗ Quang Hiển bắt đầu sự nghiệp.
Trong khi đó, con trai thứ hai của “bầu” Hiển, Đỗ Vinh Quang, lại nổi bật hữu khối tài sản cực “khủng”. Vị thiếu gia này đang nắm trong tay tới gần 52 triệu cổ phiếu SHB, tương đương giá trị trên 1.400 tỷ đồng.
Đỗ Vinh Quang hiện được người cha giao trọng trách Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội (tiền thân là Hà Nội T&T). Năm 2015, anh được đánh giá là có công lớn trong việc xúc tiến mời đội bóng nổi danh Manchester City sang Việt Nam thi đấu giao hữu.