Cơ cấu DN trong Dự án Luật DN: 'Nghịch lý' hay ‘không thể ngồi cùng mâm’?
Phát biểu thảo luận về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại buổi họp Quốc hội ngày 21/5, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, nghịch lý về cơ cấu doanh nghiệp đang diễn ra tại Việt Nam là do thiếu hụt một lượng lớn hộ kinh doanh chưa có địa vị pháp lý.
Bày tỏ tán thành với phương án của Chính phủ về việc đưa quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo của Luật Doanh nghiệp lần này, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, tại các nước trên thế giới, khi các cá nhân tiến hành kinh doanh, như mở một cửa hàng tạp hóa, một cửa hàng ăn nhỏ… thì hầu hết người ta đều chọn hình thức doanh nghiệp một chủ.
Doanh nghiệp một chủ hiện nay đang chiếm tới 60% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế toàn cầu, ngay cả Mỹ thì doanh nghiệp một chủ cũng chiếm tới 73% tổng số doanh nghiệp có đăng ký.
“Nếu chúng ta cộng cả 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký vào đây thì tổng số doanh nghiệp một chủ trong nền kinh tế Việt Nam do các cá nhân đăng ký đã chiếm 77-78%. Tỉ lệ này hoàn toàn tương đồng với tỉ lệ doanh nghiệp một chủ của các nền kinh tế trên thế giới và đây chính là thực tế”, ông Lộc nói
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, thông lệ pháp luật của tất cả các nước trên thế giới đều quy định rằng kinh doanh là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi. Chủ thể hoạt động kinh doanh được coi là doanh nghiệp. Doanh nghiệp có 2 loại, một là cá nhân, hai là pháp nhân. Pháp nhân là công ty và cá nhân là công ty một chủ.
Luật Doanh nghiệp hiện hành cũng quy định như vậy.
Luật Doanh nghiệp không phải là Luật Công ty, có quy định về công ty nhưng có quy định về cá nhân kinh doanh, đó là doanh nghiệp một chủ. Doanh nghiệp một chủ, doanh nghiệp tư nhân của chúng ta không có tư cách pháp nhân và các cá nhân kinh doanh đăng ký với tư cách cá nhân của mình, chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản của mình, với hoạt động của doanh nghiệp.
“Bản chất pháp lý của hộ kinh doanh là doanh nghiệp, cho nên tôi đề nghị phương án đột phá là Luật Doanh nghiệp quy định luôn hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp một chủ trong nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc đề xuất.
Chủ tịch VCCI cũng đưa thêm phương án, đó là nếu thận trọng hơn thì quy định hộ kinh doanh như một chương của Luật Doanh nghiệp và để có một bước đệm tiến tới một bộ luật doanh nghiệp, hướng tới chuẩn mực chung của thế giới.
Cửa hàng tạp hóa cùng khung pháp lý với tập đoàn lớn là không phù hợp
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) đưa ra con số: Hiện cả nước có trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, trong đó khoảng 3,5 triệu hộ có mã số thuế, còn lại trên 2 triệu hộ là kinh doanh nhỏ lẻ. Tổng tài sản các hộ kinh doanh lên tới 655.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 12.362 tỷ đồng, giải quyết gần 8 triệu việc làm với doanh thu đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 30% GDP.
Từ đó, ông Tuấn cho rằng đây là loại hình rất cần được nâng cấp quản lý từ nghị định lên thành luật riêng để có địa vị pháp lý cao hơn.
"Hộ kinh doanh có nhiều khác biệt với doanh nghiệp khi chủ yếu hoạt động theo truyền thống gia đình, quy mô nhỏ lẻ nên khi tách các quy định với hộ kinh doanh ra thành luật riêng để quản lý thì sẽ chặt chẽ, hiệu quả hơn".
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết việc luật hóa hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp nhưng chưa rõ quản lý theo phương thức nào sẽ gây khó khăn cho hoạt động của hàng triệu hộ kinh doanh. Theo ông, cần xem xét đưa vào luật riêng.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nhận xét đây là Luật Doanh nghiệp nên quy định đưa hộ kinh doanh vào luật là chưa phù hợp. Nếu đưa hộ kinh doanh vào luật có thể gây hiểu lầm, khiến cách áp dụng giữa các nơi rất khác nhau hoặc trong một bộ phận cán bộ quản lý sẽ coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp và khiến các hộ bị phát sinh chi phí, thêm thủ tục và khó khăn hơn trong hoạt động.
Theo Bộ trưởng, mọi ý kiến đều khẳng định sự cần thiết là phải luật hóa tất cả các quy định về hộ kinh doanh.
Chỉ có một vấn đề khác nhau là có đưa ngay vào Luật Doanh nghiệp này hay là chờ làm một luật cho hộ kinh doanh riêng.
“Sau này chúng ta hoàn toàn thống nhất với các đại biểu nêu là phải có một luật riêng là đúng rồi. Nhưng khi nào chúng ta làm được luật riêng thì chúng ta chuyển toàn bộ phần quy định của hộ kinh doanh sang luật mới là xong, nó vẫn nối tiếp, kế thừa, nhưng trước mắt chúng ta sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ hoạt động một cách tốt nhất cho nền kinh tế, đóng góp được nhiều nhất, hỗ trợ cho người ta được nhiều nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.