Cô gái xương thủy tinh gây dựng doanh nghiệp thành mái ấm cho người khuyết tật

12:15 | 17/07/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó chính là Nguyễn Thị Thu Thương, Giám đốc Công ty Cổ phần thương Mại và sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade  - cô gái xương thủy tinh đã gây dựng doanh nghiệp của mình thành mái ấm cho người khuyết tật.

Sự xuất hiện trên hàng ghế đầu của cô gái chỉ cao 80 cm, nặng 20 kg, đôi chân bị teo nằm trên chiếc xe lăn đã cũ sờn tại Hội thảo "Kinh tế chia sẻ: Các xu hướng lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam" vừa diễn ra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã mang lại nhiều ngạc nhiên và xúc cảm cho đông đảo khách mời tham dự.

Cô gái xương thủy tinh gây dựng doanh nghiệp thành mái ấm cho người khuyết tật - ảnh 1
Nguyễn Thị Thu Thương (người trên xe lăn), Giám đốc Công ty Cổ phần thương Mại và sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade tham dự Hội thảo. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa) 
Không muốn là gánh nặng
 Thu Thương sinh năm 1983 tại xã Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Nội. Bố Thương là công nhân một công ty xây dựng tại Hà Nội, mẹ Thương làm nông nghiệp thuần túy kiêm thợ may.
Không được may mắn như ba chị em còn lại trong gia đình, ngay từ khi sinh ra, Thương đã bị mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Cô không thể ngồi hay đứng mà chỉ nằm và lăn tròn như đứa trẻ. Chỉ cần va đập mạnh, xương của cô có thể bị gãy và đã biết bao lần, sự đau đớn từ va đập đó hành hạ cô, thậm chí, khiến cô phải nằm bất động nhiều tháng.
Không thể theo chúng bạn cắp sách tới trường nhưng Thương không đầu hàng số phận. Cô muốn mẹ dạy chữ để biết đọc, biết viết, rồi được các anh chị tình nguyện viên đến dạy cho học thêm văn hóa.
Sự thức tỉnh cần phải làm điều gì đó để không trở thành gánh nặng cho gia đình bắt đầu năm Thương 18 tuổi. Trong một lần muốn chơi trò trốn tìm cùng cô giáo dạy tình nguyện, Thương nhờ mẹ bế xuống phòng làm việc của mẹ để trốn. Cô vô tình nghe thấy người hàng xóm đến lấy hàng may gia công của mẹ buột miệng hỏi: “Xuống đây làm gì, có giúp được gì mẹ đâu mà xuống? ”. Cô suy nghĩ và thực sự muốn làm một điều gì đó để ít nhất là tự lo được cho chính mình và để mẹ cha đỡ vất vả.

Cô nhớ lại mình đã từng được xem một chương trình trên tivi nói về những người khuyết tật không từ bỏ hy vọng và họ đã tham gia lớp học nghề. Thương thuyết phục mẹ đưa ra Hà Nội học nghề thủ công lưu niệm làm bằng tay (handmade), nghề đan cườm, đan len, một tuần 3 buổi tại Trung tâm Khuyết tật vì ngày mai, Hà Nội.

Đôi tay của Thương quá yếu, nhưng với quyết tâm, chỉ sau 3 tháng, cô đã tự tay làm được những sản phẩm đầu tiên. Giọt nước mắt hạnh phúc đã lăn trên má hai mẹ con, khi sản phẩm đầu tay của cô bán được 27.000 đồng.

Thương bắt đầu tập trung vào làm nhiều sản phẩm hơn như khăn len, đèn, túi đan bằng hạt cườm... Lúc đầu sản phẩm bán không chạy, cô đã nghĩ đến việc đưa các sản phẩm lên mạng bằng vốn kiến thức máy tính "học lỏm" được từ các em mình.

Rồi sự chia sẻ, giúp đỡ của những người bạn cùng cảnh ngộ ở nhiều nơi, những người yêu mến sản phẩm của cô ngày càng nhiều, công việc cô làm không hết. Thương bắt đầu dùng mạng xã hội, mở website bán hàng chuyên nghiệp, nhận các bạn khuyết tật cùng cảnh ngộ về dạy nghề tại nhà rồi đặt hàng cho các bạn làm.

Được đồng nào Thương đưa hết cho mẹ gửi tiết kiệm, không dám ăn tiêu, mua sắm bất cứ thứ gì. Ước mơ cháy bỏng trong Thương hình thành ngay lúc đó - mở trung tâm đào tạo việc làm cho các bạn cùng cảnh ngộ như mình.

Câu chuyện cảm hứng từ Nick Vujicic

Năm 2013, chàng trai không tay, không chân của Úc - Nick Vujicic - đến Việt Nam. Thương được mời vào TPHCM dự buổi diễn thuyết. Mẹ và em gái đã đưa cô đi, cùng cô chứng kiến điều thần kỳ từ nghị lực phi thường của Nick Vujicic.

Và mẹ đã đồng ý cho Thương mở trung tâm đào tạo việc làm cho các bạn cùng cảnh ngộ, điều mà trong 10 năm qua, gia đình bà không đồng ý. Viên gạch đầu tiên được đặt móng cho trung tâm đào tạo tại quê nhà của Thương, với diện tích 200 m2, bằng số tiền 800 triệu từ Thương tích cóp và từ mẹ Thương vay mượn thêm.

Năm 2014, Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương khánh thành. Cô muốn Trung tâm mang tên Thương Thương vì cô đã luôn được sống trong tình yêu thương của mọi người.

Hình ảnh Thương lăn tròn trên sàn của Trung tâm để giới thiệu từng phòng một trong ngày khai trương Trung Tâm được lưu lại trên Facebook của cô khiến ai theo dõi đều xúc động.

Cô gái xương thủy tinh gây dựng doanh nghiệp thành mái ấm cho người khuyết tật - ảnh 2
Các em khuyết tật làm việc tại  Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Thương làm việc như một nhà quản lý thực thụ: Check mail, nhận đơn hàng, tìm mẫu, rao bán sản phẩm trên mạng, giám sát việc làm của 14 em bị khiếm khuyết hình thể hoặc tâm lý. Và hơn thế, Thương đã trở thành người chị cả truyền thêm nghị lực sống và vươn lên cho các em, để các em sẵn sàng hòa nhập vào cộng đồng lớn cuộc đời.

Mới đầu, thu nhập của các em chỉ từ 1,4-2 triệu đồng. Đến nay, các em khuyết tật tìm đến với Thương đã trên 20 em, với thu nhập trung bình là 3 triệu đồng, có em đã được trên 5 triệu đồng một tháng. Hằng tháng, các em chỉ phải nộp 300.000 tiền ăn, còn lại nơi ăn chốn ở được Trung tâm miễn phí.

Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương đã trở thành mái nhà thứ hai để những hoàn cảnh đặc biệt từ nhiều miền quê khác nhau tới làm việc và sinh sống.

Sản phẩm giàu sáng tạo, giàu ý nghĩa

Rất nhiều sản phẩm sáng tạo và đậm triết lý sống được làm ra từ đôi bàn tay của những người khuyết tật tại Trung tâm - những đôi bàn tay ngày càng tự tin hơn vì không những kiếm được tiền nuôi sống bản thân mà còn thường xuyên gửi tiền về phụ giúp gia đình.

Nhìn vào sản phẩm hộp card, hộp cắm bút, hộp trang sức 5 mặt, hộp bàn cờ, các loại tranh phong cảnh trang trí bằng giấy cuốn, tranh chân dung, tranh logo thương hiệu của các công ty được làm theo nghệ thuật cuốn giấy với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú, không ai có thể ngờ là sản phẩm của “bà chủ” Thu Thương cùng các em khuyết tật.

Để bán sản phẩm, Thương đã mở thêm Công ty Cổ phần Thương mại và sản xuất Thương Thương Handmade ở quận Đống Đa, Hà Nội và website www.thuongthuong.net để tiện bán hàng.

Thương bộc bạch: “Do các bạn là người khuyết tật nên sức lao động không thể bằng người khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, sản phẩm của chúng em luôn được đảm bảo chất lượng tốt nhất có thể. Thậm chí, khi hàng bán chạy, Thương Thương Handmade không dám thuê làm ở ngoài vì sợ chất lượng không đảm bảo.

Sản phẩm của chúng em không chỉ có khách hàng trong nước yêu thích mà còn rất ấn tượng với khách nước ngoài. Công ty bước đầu đã nhận được một số đơn hàng từ Czech, New Zealand, Ấn Độ, tuy số lượng chưa thật nhiều”.

Các sản phẩm của Thương Thương Handmade đều mang đậm nét văn hóa Á Đông, trong trẻo và lạc quan:

Cô gái xương thủy tinh gây dựng doanh nghiệp thành mái ấm cho người khuyết tật - ảnh 3
Đó là đám cưới chuột tưng bừng rộn rã
Cô gái xương thủy tinh gây dựng doanh nghiệp thành mái ấm cho người khuyết tật - ảnh 4
Là thiếu nữ thênh thang trên con đường hoa hướng dương ngập nắng hay thướt tha bên Chùa Một Cột
Cô gái xương thủy tinh gây dựng doanh nghiệp thành mái ấm cho người khuyết tật - ảnh 5
Là hạnh phúc lứa đôi
Cô gái xương thủy tinh gây dựng doanh nghiệp thành mái ấm cho người khuyết tật - ảnh 6

Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương cũng đã trở thành địa chỉ về thăm và trải nghiệm của rất nhiều đoàn học sinh, tình nguyện viên nước ngoài. Nhiều giám đốc tập đoàn lớn và đại biểu Quốc hội cũng đã tới thăm, chia sẻ và động viên Thương tiếp tục thực hiện mơ ước.

Rất vinh dự là 2 sản phẩm của Thương Thương Handmade đã được Văn phòng Chính phủ lựa chọn để cung cấp làm tặng phẩm đối nội và đối ngoại.

Điều ước nhiệm màu không cho riêng mình

Hãy đọc những dòng bông đùa nhưng cũng cháy đầy khát vọng của Thương trên Facebook “Ai mua bức tranh Thích Ca Mầu Ni Phật với giá 2 tỷ không ạ, để Thương thực hiện ước mơ thêm một căn nhà Hà Nội, mở thêm một cơ sở để sinh sống và làm việc. Chỉ mong sản phẩm thủ công sẽ được bán tốt hơn để cho các em được có thu nhập cao”.

Uớc mơ mở thêm một cơ sở sản xuất, đồng thời là cửa hàng tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội của Thương đang cháy bỏng và cô đang nỗ lực từng ngày, từng ngày để hướng tới.

Điều rất thú vị là bên cạnh “cô chủ” Thương bé xíu luôn có điện thoại thông minh, máy tính xách tay cùng một số vật dụng công nghệ. Với tư duy nhanh nhạy, sử dụng khá thành thạo tiếng Anh, cô đã vững tin tiếp cận với thị trường kinh doanh trong thời đại 4.0.

Cô gái xương thủy tinh gây dựng doanh nghiệp thành mái ấm cho người khuyết tật - ảnh 7
Thu Thương quay video giới thiệu sản phẩm. Ảnh do nhân vật cung cấp. 
Đấy cũng chính là lý do cô vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn cùng với một số công ty công nghệ tham dự Hội thảo "Kinh tế chia sẻ: Các xu hướng lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam".

Nói chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam bên lề Hội thảo, Thu Thương tự hào: “Em cảm thấy rất may mắn được tham dự Hội thảo hôm nay. Em đã nghe về hình thức kinh doanh trong một nền kinh tế chia sẻ và em mong là sẽ áp dụng tốt hơn hình thức này, trên tiền đề công nghệ mà em đã học hỏi để áp dụng những năm vừa qua”.

Cô gái xương thủy tinh gây dựng doanh nghiệp thành mái ấm cho người khuyết tật - ảnh 8
Sản phẩm của Thương Thương Handmade đã được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng chọn làm món quà lưu niệm tặng đại diện Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia.
Thương chia sẻ, niềm hạnh phúc lớn lao mà cô đang có chính là đã tạo niềm tin yêu cuộc sống cho các em có mảnh đời không may mắn, để họ không trở thành vô dụng. Đến với Thương Thương Handmade không chỉ là có việc làm, mà là trổ tài để làm ra các sản phẩm có giá trị.

Điều nhiệm màu mà Thương mong ước không phải cho mình, mà cho tất cả những người khiếm khuyết dưới mái nhà chung Thương Thương Handmade.

“Em sẽ cố gắng làm chỗ dựa vững chắc để các em luôn tin ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay. Phấn đấu tăng thêm thu nhập cho các em và xa hơn là xây thêm một số phòng tại Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương để nếu các em lập gia đình, tạo lập hạnh phúc. Chỉ cần trên bàn làm việc của các bác, cô, chú, anh, chị có một sản phẩm nho nhỏ của chúng em thôi cũng là điều rất tuyệt vời rồi”, Thương tâm sự.

Chia tay Thương, tôi cứ nghĩ mãi về “cô chủ nhỏ” có nghị lực phi thường ấy và cảm phục vô cùng.

Đó là hình ảnh một người khuyết tật từng đấu giá sản phẩm để gây quỹ tặng người khuyết tật trong Câu lạc bộ Đồng Cảm; từng trích 5% từ doanh thu bán hàng để đi làm từ thiện, tặng quà cho người nghèo và cho các cơ sở nuôi người khuyết tật khác. Một người khuyết tật về thân thể nhưng năng động và thông minh vượt trội.

Tôi nhớ về phần thưởng là rất nhiều giấy khen, bằng khen của các tổ chức, ban, ngành mà Thương đã đạt được, trong đó có giải thưởng “Tầm nhìn Phụ nữ” (Women Vision Award) 2015 do Hội chợ từ thiện thường niên (HIWC) trao tặng, danh  hiệu “Anh hùng thầm lặng” của Tập đoàn Microsoft, bằng khen của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Thương đang nằm trong top 24 gương mặt hạt giống tâm hồn Việt Nam.

Nhưng hình ảnh đẹp nhất tôi nghĩ về Thương chính là bức tranh cô gái trên cánh đồng hoa hướng dương nở rộ của Thương Thương Handmade. Bức tranh tựa như tâm hồn của Thương vậy - tràn đầy hy vọng và sự mạnh mẽ vươn lên đón nắng mặt trời.

Cô gái xương thủy tinh gây dựng doanh nghiệp thành mái ấm cho người khuyết tật - ảnh 9