Bắt đầu từ quý IV, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp BĐS sẽ đảo ngược mức nền thấp?

Diên Vỹ 16:28 | 18/09/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chứng khoán DSC kỳ vọng tình hình KQKD của các doanh nghiệp BĐS có thể đảo ngược từ quý IV/2024, nhưng sẽ có sự phân hóa.

 

Nguồn cung phục hồi chậm, khó ngăn giá nhà tăng

Sau 6 tháng đầu năm, tình hình pháp lý toàn thị trường đã ổn hơn nhưng chưa có nhiều khởi sắc khi số lượng dự án được cấp phép vẫn khá thấp (38 dự án, tăng 19% so với cùng kỳ), mặc dù số lượng sản phẩm lớn (20.004 căn, tăng 92%) do quy mô trung bình các dự án lớn hơn.

 Ảnh: DSC

  Ảnh: DSC 

Trong báo cáo vĩ mô tháng 9 mới đây, Chứng khoán DSC nhận định nguồn cung đang chậm rãi trở lại với nền tảng pháp lý dần ổn định. Nhóm phân tích kỳ vọng tiến độ phê duyệt pháp lý có thể được đẩy mạnh hơn trong giai đoạn nửa cuối năm 2024, trùng với thời điểm các bộ luật chính yếu (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở) có hiệu lực.

Trong khi nguồn cung phục hồi chậm, chưa đủ mạnh, giá chung cư tại Hà Nội tiếp tục nóng lên. DSC cho rằng nhu cầu lớn và vẫn đang gia tăng khiến các chủ đầu tư có lý do để nâng và duy trì mức giá cao cho các sản phẩm chung cư tại Hà Nội, với mức giá trung bình khoảng 58 triệu/m2 (tương đương một căn hộ 70m2 có giá khoảng 4 tỷ VND). Mức giá cao khi mua căn hộ mới khiến một lượng nhu cầu lớn tìm tới chung cư cũ, khiến giá trên thị trường thứ cấp cũng tăng phi mã.

Doanh nghiệp BĐS có thể chứng kiến KQKD khởi sắc từ quý IV

Về phía doanh nghiệp BĐS, Chứng khoán DSC chỉ ra rằng nguồn vốn từ huy động trái phiếu vẫn còn nhiều khó khăn, giá trị phát hành mới chủ yếu là Vingroup, Vinhomes và các doanh nghiệp liên quan. “Giá trị đáo hạn trái phiếu trong năm 2024 ước tính đạt khoảng 122.477 tỷ chính là rào cản cho các doanh nghiệp phát hành mới dù đã có hỗ trợ từ Thông tư 02”, nhóm phân tích nhận định.

Trong bối cảnh đó, quá trình tái cơ cấu vẫn tiếp tục diễn ra tại tất cả doanh nghiệp với nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, việc bán cổ phần dự án cho chủ đầu tư quốc tế là xu hướng khả dĩ nhất. Dòng vốn FDI đăng kí vào lĩnh vực kinh doanh BĐS cũng cho thấy xu hướng này đang được duy trì, lũy kế 6 tháng đạt 1,89 tỷ USD (+26% so với cùng kỳ).

Về hoạt động kinh doanh, do không có hoạt động mở bán đáng chú ý trong 1 năm trở lại đây khi tình hình thị trường ảm đạm, doanh thu các doanh nghiệp BĐS những quý vừa qua tiếp tục duy trì nền thấp, kéo dài từ đầu năm 2023.

 Ảnh: DSC

DSC kỳ vọng tình hình KQKD có thể đảo ngược từ quý IV năm nay khi do cuối năm là thời điểm thường được lựa chọn cho việc bàn giao nhà đón năm mới; cùng đó các hoạt động mở bán trở lại diễn ra sôi động hơn trong nửa cuối năm khi niềm tin dần trở lại. Ngoài ra, xu hướng lãi suất vay giảm cũng sẽ hỗ trợ kích cầu cho nền kinh tế. 

Mặc dù vậy, thời gian để hồi phục kết quả kinh doanh của mỗi doanh nghiệp sẽ có sự phân hóa. Trong đó, doanh nghiệp có khả năng tiêu thụ các dự án trong thời kì khó khăn tốt hơn, sẽ tích lũy được khoản tiền lớn từ khách hàng, từ đó có điểm tựa cho doanh thu trong trung hạn.