Cơ hội cho doanh nghiệp Việt đầu tư vào Nhật Bản đang rất lớn

19:34 | 14/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Với những chính sách hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cùng những thành quả đầu tư đã đạt được trong nhiều năm qua, doanh nghiệp Việt đang có nhiều cơ hội để đầu tư và mở rộng đầu tư sang Nhật Bản, trên nhiều lĩnh vực.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt đầu tư vào Nhật Bản đang rất lớn - ảnh 1

Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Việt - Nhật. Nguồn: Internet.
Thúc đẩy chính sách hỗ trợ từ hai Chính phủ

Hơn một năm qua, sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt đầu tư sang Nhật Bản được thúc đẩy thông qua vai trò của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO).

FIA khẳng định Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. FIA cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm thiểu thủ tục hành chính, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài, nếu gặp vấn đề cần hỗ trợ về pháp lý, bảo vệ quyền lợi, doanh nghiệp có thể đến đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại để được hỗ trợ.

Về phía JETRO, doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư sang Nhật Bản sẽ nhận được nhiều chính sách hỗ trợ tích cực từ JETRO. Tại Việt Nam, JETRO có 2 văn phòng đặt tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. JETRO Hà Nội đã lập nhóm chuyên trách Việt Nam nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư Việt Nam khi họ muốn đầu tư sang Nhật Bản.

Các hoạt động thu hút, kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nhật Bản của JETRO bao gồm: Cung cấp thông tin qua hội thảo, ấn bản “Talk to JETRO First” bằng tiếng Việt; cung cấp thông tin và tư vấn riêng cho doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư sang Nhật Bản; cung cấp văn phòng tạm thời, tư vấn bởi chuyên gia; cung cấp cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào Nhật Bản. Các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm có thể liên hệ trực tiếp với JETRO để nhận được nhiều thông tin và sự trợ giúp hơn.

Hiệu quả đầu tư cao và dư địa rộng

Theo nguồn tin từ nhipcaudautu.vn, hiện tại, Nhật Bản đã thu hút được 49 dự án đầu tư từ các doanh nghiệp Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 75 triệu USD.

Cục trưởng FIA, ông Đỗ Nhất Hoàng đánh giá tuy số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Nhật Bản còn “khiêm tốn”, song các dự án hoạt động đem lại hiệu quả khá tốt, nhất là ở lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), sản xuất phần mềm. Đặc biệt, cơ hội cho doanh nghiệp Việt đầu tư vào thị trường Nhật Bản đang rất lớn.

Theo đó, Công ty Metran, chuyên sản xuất và cung cấp thiết bị y tế qua hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển đã hoạt động rất nổi danh tại Nhật Bản. Sản phẩm của Công ty Metran không chỉ có tiếng tại Nhật Bản mà còn được biết đến tại nhiều quốc gia phát triển. Công ty đã từng vinh dự được Nhật hoàng Akihito đến thăm vào năm 2012.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt đầu tư vào Nhật Bản đang rất lớn - ảnh 2
Nhật hoàng đến thăm Công ty Metran. Nguồn: Internet.
Tập đoàn công nghệ thông tin FPT, sau 13 năm đầu tư tại Nhật Bản đang được các đối tác Nhật Bản đánh giá cao, mở đường cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ.

FPT tại Nhật hiện đã thu hút hàng ngàn kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin làm việc và đã mở được 06 văn phòng tại 06 tỉnh, thành phố lớn của Nhật Bản gồm: Tokyo, Osaka, Nagoya, Fukuoka, Okinawa, Shizuoka. Tổng số nhân lực làm việc cho thị trường Nhật Bản chiếm trên 50% nhân lực trong lĩnh vực phần mềm của FPT, tương đương trên 5.000 người. Trong đó, có khoảng 1.000 người đang làm việc trực tiếp tại 06 văn phòng của FPT ở Nhật Bản.  

Nguồn tin từ fpt.com cho biết: Năm 2017, doanh thu từ thị trường Nhật Bản của FPT đạt 3.599 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và chiếm 58% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT. FPT đã và đang được các khách hàng Nhật Bản đánh giá cao về năng lực (được Hitachi trao giải “Best Development Project Award” - Dự án phát triển tốt nhất và  giải “Platine partner” trong lĩnh vực tài chính; được Fujitsu Software công nhận là “Good Design Award”).

FPT Nhật Bản đang hướng tới thay đổi hình ảnh từ mô hình công ty Việt Nam tại Nhật thành một công ty Nhật Bản thực sự với 200 triệu USD doanh thu, trên 1.000 nhân sự làm việc trực tiếp tại 10 văn phòng ở Nhật Bản.

Công ty An Phước cũng là một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu đã đầu tư thành công tại Nhật Bản. Sau 4 năm hoạt động, công ty đã thành lập nhà máy sản xuất tại tỉnh Aomori, hướng đến cung cấp sản phẩm Made in Japan.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa đầu tư và mở rộng đầu tư tại Nhật Bản, không chỉ trên lĩnh vực may mặc, y tế, công nghệ thông tin mà còn trên các lĩnh vực như hàng không, logistic, bất động sản nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu lao động thương mại điện tử, thanh toán điện tử, bán lẻ, đại lý du lịch.

Báo Công Thương dẫn lời ông Maeda Shigeki, Phó Chủ tịch JETRO cho biết: Có nhiều lĩnh vực tiềm năng doanh nghiệp Việt Nam có thể quan tâm đầu tư, trong đó có 2 lĩnh vực là IT và du lịch. Về du lịch hiện Nhật Bản đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu của Nhật Bản đến năm 2020 sẽ đón 40 triệu lượt khách du lịch, do đó nhiều cơ hội mở ra cho các ngành kinh doanh liên quan đến du lịch.

Nguồn tin từ VTV cũng cho biết, du lịch và vận tải đang là những lĩnh vực hợp tác được doanh nghiệp hai nước đánh giá là tiềm năng trong thời gian tới, với lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản và ngược lại luôn tăng trưởng dương trong những năm gần đây. Đặc biệt, năm 2017 du khách Việt Nam đến Nhật Bản đạt hơn 300 nghìn lượt, là thị trường khách tăng trưởng lớn thứ 3 của Nhật Bản.

Sự phát triển của du lịch mang tới cơ hội cho nhiều ngành phụ trợ liên quan như hàng không, bất động sản nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu lao động, logistic, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, bán lẻ, đại lý du lịch… và các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực này.

Theo VOV, cuối năm 2017, Văn phòng đầu tiên của Tập đoàn FLC tại Nhật đã được thành lập. Văn phòng sẽ là đầu mối kết nối thông tin, khai thác cơ hội đầu tư, xúc tiến giao dịch kinh doanh giữa Tập đoàn FLC và đối tác Nhật Bản trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và mở rộng như: Bất động sản nghỉ dưỡng với các dự án 5 sao quy mô lớn trên 10 tỉnh thành; nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu lao động... Thời gian tới, Vietjet là sẽ là doanh nghiệp hàng không mở đường mới Việt Nam-Nhật Bản, đánh dấu một bước phát triển mới của doanh nghiệp Việt tại xứ sở hoa anh đào.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt đầu tư vào Nhật Bản đang rất lớn - ảnh 3
Vietjet là sẽ là doanh nghiệp hàng không mở đường mới Việt Nam – Nhật Bản. Nguồn: Internet. 
Liên kết sức mạnh doanh nghiệp Việt

Tại Đại hội nhiệm kỳ II (2018-2020) với khẩu hiệu "Liên kết sức mạnh doanh nghiệp" của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản đầu tháng 5 vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh: Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, điều này tạo ra rất nhiều không gian cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào thị trường Nhật Bản.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt đầu tư vào Nhật Bản đang rất lớn - ảnh 4
Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ II (2018-2020). Nguồn: TTXVN.
Ông Cường bày tỏ mong muốn muốn từng doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản tiếp tục phát triển, khẳng định được vị thế trong xã hội Nhật Bản, đồng thời phải tăng cường kết nối với các doanh nghiệp khác để tạo ra sức mạnh của cả cộng đồng.

Mục tiêu chính Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới là: đoàn kết, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ các hoạt động kinh tế góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia; tiếp tục là đầu mối thúc đẩy phát triển quan hệ của các doanh nhân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và với các quốc gia khác (đặc biệt là Việt Nam) trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi; và tuyên truyền đến các hội viên về thông tin, dịch vụ, xúc tiến thương mại..., tập trung giải quyết những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Tư vấn, phản biện về lĩnh vực kinh tế, luật pháp.

Có thể khẳng định, với các điều kiện thuận lợi trên, cơ hội cho doanh nghiệp Việt đầu tư vào Nhật Bản đang rất lớn.