Cơ hội hiếm để Việt Nam thu hút chuyển dịch
Theo một bài báo trên Sputnik News, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên bước ra khỏi vòng phong toả do đại dịch COVID-19 gây ra, đang mau chóng trở lại nếp sống bình thường. Do vậy, việc tái khởi động nền kinh tế càng nhanh càng tốt là để bù đắp cho những suy giảm thời gian vừa qua.
Dẫn thông tin từ tờ South China Morning Post, Sputnik News cho rằng Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ từ thực tế nhiều quốc gia muốn chuyển các doanh nghiệp của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong bối cảnh tăng giá sản xuất và cuộc chiến thuế quan với Hoa Kỳ. Cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều đang khuyến khích các công ty của nước họ dời chuyển các cơ sở sản xuất mà cụ thể là sang Việt Nam.
Còn Bloomberg xác nhận tuyên bố này và cho biết rằng Nhật Bản, nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam, từ tháng trước đã tuyên bố sẽ phân bổ 2,2 tỷ USD từ gói kích thích kinh tế của mình để cấp xung lực giúp các nhà sản xuất Nhật Bản rút dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Theo Reuters, để gia tăng hiệu quả sản xuất, vào mùa thu này hãng Panasonic sẽ đóng cửa một nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng lớn ở ngoại vi Bangkok và chuyển sang Việt Nam.
Việt Nam có nhiều lợi thế để được lựa chọn làm nơi chuyển dịch sản xuất, chẳng hạn như sát Trung Quốc, có đội ngũ lao động lành nghề và kỷ luật, công lao động không đắt. Lớp cư dân trẻ của Việt Nam rất tài năng, và các nhà đầu tư có mọi cơ hội để bồi dưỡng khai thác chuyên gia lành nghề theo nhu cầu ngay tại địa bàn.
Phương pháp không quá tốn kém nhưng rất hiệu quả của Việt Nam trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19 cũng là điểm cộng nổi bật.
Trong tương quan chuyển giao chuỗi sản xuất, thị trường bất động sản tại Việt Nam cũng sẽ nhận được động lực tăng trưởng, bởi người lao động trong các ngành công nghiệp mới tất nhiên cần đến nhà ở.
Theo thông tin trên tờ South China Morning Post, chỉ số chỗ làm việc tại khu vực công nghiệp ở phía bắc Việt Nam, bao gồm Hà Nội và Hải Phòng, đã tăng trung bình 200 điểm cơ bản trong quý I năm 2020 so với cuối năm 2019.
Chỉ số này tuy đã giảm xuống do đại dịch COVID-19, nhưng các nhà quan sát cho rằng sự chờ đợi xuất hiện các chuyên gia nước ngoài và công nhân địa phương tại những cơ sở mới có thể cấp cho thị trường nhà ở địa phương sự hỗ trợ rất cần thiết để hồi phục và tăng trưởng.
Các nhà xây dựng, quỹ đầu tư trực tiếp và chuyên gia phân tích tiếp tục đặt cược vào triển vọng đi lên của thị trường bất động sản tại Việt Nam, đặc biệt khi người nước ngoài được phép sở hữu các căn hộ ở Việt Nam. Họ sẽ quan tâm đến những khu chung cư ở gần ga tàu điện ngầm, bởi chẳng bao lâu nữa, tàu điện ngầm sẽ được khánh thành tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Mới đây, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố nền kinh tế của đất nước có thể duy trì mức tăng trưởng 4-5% trong năm nay, bởi Chính phủ dự kiến tích cực thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp đang tìm cách điều chỉnh chuỗi cung ứng của họ.
Dẫn lời GS-TSKH Vladimir Mazyrin, chuyên gia hàng đầu của Nga về kinh tế Việt Nam, nhà lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga), Sputnik cho biết: Nền kinh tế Việt Nam đã tích lũy được động lực lớn, cho phép tiến mạnh lên phía trước. Có sự hỗ trợ thuận lợi rất lớn ở chỗ Việt Nam đã ký được hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và khối khác nhau, tức là ngoại thương trở nên đa phương.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có báo cáo ước tính rằng chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có thể giúp GDP Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030, tương đương tăng thêm khoảng 31 tỷ USD.
EVFTA cũng đồng thời giúp 100.000-800.000 người Việt thoát nghèo vào năm 2030. Những lợi ích này là cần thiết để duy trì thành quả kinh tế tích cực trong lúc quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19.
Quan trọng là biết cách khai thác
Nói về việc thời gian gần đây nhiều tập đoàn Mỹ dịch chuyển đầu tư sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI nhận định: Thu hút được công ty Mỹ dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam sẽ mang lại lợi ích kép, kinh tế và an ninh quốc phòng, một cơ hội hiếm.
Khẳng định rằng, cơ hội đón sóng đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc là có thật, song GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, đón được hay không là phụ thuộc vào chính Việt Nam.
GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, cần hành động nhanh chóng hơn nữa. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, VAFIE cũng đã gửi một bản đề xuất gồm 4 điểm quan trọng để Việt Nam có thể đón đầu sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Theo đó, điều quan trọng nhất, là các khu kinh tế, khu công nghiệp phải chuẩn bị sẵn đất đai, hạ tầng, thông tin về giá thuê đất, cung ứng điện nước, nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam.
“Đã gọi là dịch chuyển, thì không nên coi là “nhập khẩu trang thiết bị cũ”, do đó không cần thẩm định. Song khi bắt đầu vận hành, cần kiểm tra để đảm bảo các yêu cầu về công nghệ, môi trường, an toàn lao động”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói với phóng viên Báo Đầu tư và cho biết, đây là đề xuất thứ hai, rất quan trọng.
Thứ ba, công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục cấp phép để đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư; và thứ tư, phải hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh dự án bằng cơ chế một cửa.