Cảng Thượng Hải tiếp tục ùn ứ trầm trọng, chuỗi cung ứng toàn cầu thêm áp lực
Trung Quốc: Cảng Thượng Hải ùn ứ, sức ép chuyển sang các cảng lân cận
Theo công ty hậu cần Orient Star Group, các biện pháp kiểm dịch hàng loạt được áp dụng mới đây ở Thượng Hải (Trung Quốc), trong đó có động thái đóng cửa đường cao tốc, đã khiến hoạt động của các xe tải chở hàng xuất khẩu đến cảng Thượng Hải - cảng biển đông nhất thế giới - đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Công ty này cho biết, các xe tải hàng hóa và container không thể vào cảng. “Nhiều khách hàng không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang cảng Ninh Ba hoặc các cảng nhỏ khác dọc theo sông Dương Tử”, Orient Star thông tin.
Cảng Ninh Ba, một cảng lân cận có thể được xem là sự lựa chọn thay thế cho cảng Thượng Hải, đã chứng kiến cảnh ùn ứ ngày một trầm trọng khi số lượng ca nhiễm COVID-19 gia tăng trở lại ở một số quận của Thượng Hải.
“Việc sản xuất về cơ bản đã được nối lại ở Thượng Hải, nhưng một khi tái thiết lập các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, hoạt động vận chuyển hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng ở một mức độ nhất định,” công ty Orient Star cho biết.
Một hãng vận tải khác là DHL Global Forwarding nói với CNBC rằng việc tìm kiếm các xe tải trong và ngoài khu vực Thượng Hải vẫn là một thách thức.
Trong thời gian đóng cửa, vận tải đường bộ trì trệ đã dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất xe như Volkswagen và Tesla. Trước khi Thượng Hải ban hành những hạn chế mới nhất, các tài xế xe tải vẫn phải cung cấp kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong 48 giờ và giấy phép lưu thông. Trên thực tế, nhiều khu vực cũng đã yêu cầu các xét nghiệm phải được thực hiện lại tại địa phương và ngay trên đường cao tốc. Điều này khiến một số tài xế khá cẩn trọng khi giao hàng vào Thượng Hải, vì thế, công suất vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn như trước.
Các hạn chế kiểm dịch mới nhất được Thượng Hải đưa ra khi khả năng vận tải đường bộ phục hồi khoảng 80%. Người dân ở 15 trong số 16 quận của Thượng Hải vào cuối tuần này đã được yêu cầu xét nghiệm khi biến thể Omicron đang có xu hướng lây lan nhanh trở lại. 5 quận cấm người dân rời khỏi nhà, trong đó có quận Phố Đông, nơi đặt nhà máy của Tesla, Merck, Covestro, L’Oreal, Thermo Fisher, SC Johnson, Siemens, Bosch, SAIC-GM, Advanced Micro và khu sản xuất hóa chất đặc biệt Xuhui.
Các "ông lớn" như Apple, Sony và Volkswagen đều cho biết chính sách “zero Covid” của Thượng Hải đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc cung cấp nguyên liệu cần thiết trong quy trình sản xuất các sản phẩm của họ.
Trong khi đó, một quận phong tỏa khác, Tĩnh An, là nơi có nhiều nhà sản xuất chip bán dẫn và linh kiện điện tử. Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cho rất nhiều sản phẩm quan trọng.
Áp lực gia tăng với các cảng biển lớn trên toàn cầu
Ở bên kia bán cầu, tại các cảng bờ Tây của Mỹ, việc Trung Quốc rục rịch mở cửa trở lại từ vài tuần trước đã làm gia tăng đột biến lượng hàng hóa dẫn đến tình trạng thiếu hụt xe tải và phương tiện để vận chuyển.
Sự tắc nghẽn tại các cảng Los Angeles và Long Beach (California) cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các cảng Oakland (California). Container xuất khẩu rời cảng bị ùn ứ. Các nhà quản lý hậu cần cũng đang cố gắng xử lý tình trạng này bằng cách chuyển nhiều container hơn đến bờ Đông và bờ Vịnh đang quá tải.
Mirko Woitzik, chuyên gia tại Everstream Analytics, cho biết: “Tình trạng tắc nghẽn đo lường bằng số lượng tàu chở hàng chờ đợi bên ngoài các cảng chính, hiện đang diễn biến tồi tệ hơn ở bờ Đông và vùng Vịnh so với bờ biển phía Tây, đây là một sự thay đổi lớn so với đầu năm 2022".
Để kịp thông quan khối lượng container ngày càng tăng, cảng Houston gần đây đã mở cửa vào các ngày thứ 7 cho đến cuối năm. Trong khi đó, 99% các nhà kho tại Cảng Savannah, Georgia, đã đầy.
Ở châu Âu, các cảng biển cũng đang trong tình trạng áp lực không kém. Tuần trước, một cuộc đình công của các nhà khai thác cảng ở Đức đã làm gián đoạn hoạt động cả buổi chiều tại cảng Emden, Bremen, Bremerhaven và Wilhelmshaven.
Ông Andreas Braun, giám đốc sản phẩm viễn dương EMEA tại Crane Worldwide Logistics, cho biết hệ thống cảng đang chịu sức ép căng thẳng và bất kỳ sự hao hụt về nhân lực nào cũng sẽ làm gia tăng thêm tắc nghẽn.
Cảng Hamburg ở Đức, cảng container lớn thứ ba của Châu Âu và là cảng đường sắt lớn nhất, đóng vai trò rất quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô, cũng đang trong tình trạng căng thẳng. Đây là nơi trung chuyển của các sản phẩm của BMW, Rolls Royce, Volkswagen, Michelin và Ford, từ ô tô lắp ráp hoàn chỉnh đến các bộ phận và pin lithium. Các nhà xuất khẩu lớn khác cũng lưu thông hàng hóa qua cảng Hamburg bao gồm Ikea, BASF, Siemens và Bayer.