Cơ hội hợp tác giao thương Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực nông sản

Ngọc Quỳnh 16:53 | 17/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chiều 17/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Hiệp hội xúc tiến xuất khẩu nông sản Ấn Độ (APEDA) phối hợp tổ chức hội thảo “Giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ trong lĩnh vực nông sản và chế biến thực phẩm”.

Khai mạc sự kiện, bà Trương Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng Ban Quan hệ Quốc tế (VCCI) đánh giá cao sáng kiến của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và APEDA trong việc tổ chức hội thảo này, giúp mở ra cơ hội giao thương tốt dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản.

Qua đó, tăng cường hiểu biết, mở ra tiềm năng kinh doanh với một thị trường lớn và có nhiều cơ hội phát triển như Ấn Độ. Với quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, quan hệ hợp tác đầu tư thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng ngày càng được củng cố trên tất cả các lĩnh vực. 

Ấn Độ là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 10 tỷ USD trong năm 2020 và phấn đấu nâng kim ngạch lên 15 tỷ USD trong thời gian sớm nhất. Nông sản là mặt hàng quan trọng nhất trong quan hệ thương mại song phương của hai nước.

Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng, đều là nước nông nghiệp với 70% dân số sống ở nông thôn, sống dựa vào nông nghiệp. Chính phủ Ấn Độ đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp để có được sự phát triển đáng tự hào như ngày nay.

Theo bà Ngọc, Việt Nam có nhiều nông sản tươi sống như: thanh long, chôm chôm và các sản phẩm chế biến như cà phê hòa tan hay các sản phẩm thủy sản như cá tra, cá basa rất được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu nông sản, thủy sản và thịt gia súc chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam.

Hai nước tuy có điều kiện tự nhiên tương đồng nhưng là hai thị trường có thể bổ sung cho nhau, đặc biệt với gần 1,4 tỷ dân, Ấn Độ là một thị trường tiêu thụ rất lớn.

Việt Nam có thể xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng nông sản, hoa quả tươi, thực phẩm chế biến; các sản phẩm hạt điều, chè, cà phê, hạt tiêu, gia vị còn nhiều dư địa để phát triển thị trường. Trong khi các doanh nghiệp Ấn Độ cần tận dụng tiềm năng của thị trường Việt Nam trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, trái cây như nho, lựu, dược phẩm, thực phẩm chức năng, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc.

Ấn Độ cũng là quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến, thế mạnh về công nghệ chế biến và nông nghiệp công nghệ cao, cũng như nguồn vốn dồi dào. Việt Nam cần sự hỗ trợ của Ấn Độ để tăng đầu tư, chuyển giao công nghệ xử lý môi trường, nhất là môi trường nuôi trồng thủy sản, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, chế biến nông - thủy sản, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Trong khi đó, Việt Nam có vị trí chiến lược ở trung tâm Đông Nam Á với đường bờ biển dài và gần với nhiều tuyến vận tải biển quốc tế; lực lượng lao động trẻ với chi phí lao động cạnh tranh. Việt Nam đã có 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, có các hiệp định FTA thế hệ mới.

Với nhiều lợi thế là thành viên của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ. Đồng thời,  trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực thì quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ có cơ hội vượt qua khó khăn do hậu quả của dịch COVID-19 và sẽ được củng cố hơn nữa trên nhiều lĩnh vực nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.  

"Với tư cách là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gồm hơn 10.000 doanh nghiệp thành viên trực tiếp và gần 1 triệu thành viên gián tiếp thông qua các hiệp hội doanh nghiệp ngành và địa phương tại Việt Nam, VCCI sẽ nỗ lực phối hợp với các tổ chức Ấn Độ, đặc biệt là APEDA để mang đến nhiều thông tin thị trường hữu ích cũng như các cơ hội kinh doanh mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản", bà Ngọc cam kết. 

Đánh giá về tiềm năng thương mại trong mối quan hệ giao thương giữa hai nước, ông Tạ Quang Kiên, Trưởng Phòng Chính sách thương mại nông sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, những năm gần đây, kim ngạch thương mại nông sản giữa hai nước luôn ở mức ổn định.

Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, thương mại hàng nông lâm thủy hai chiều giảm so với các năm 2019, đạt hơn 900 triệu USD; trong đó, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ đạt hơn 600 triệu USD và xuất sang Ấn Độ hơn 300 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng chính như: cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản và nhập khẩu từ Ấn Độ các mặt hàng như: giống rau và hoa quả các loại, cây giống, bông, ngô hạt thương phẩm, dược liệu và sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Sang năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng với sự điều chỉnh phù hợp, thích ứng với tình hình  mới, 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam và Ấn Độ đạt gần 1,7 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Ấn Độ đạt 424 triệu USD và nhập khẩu nông sản của Việt Nam từ Ấn Độ đạt gần 1,3 tỷ USD.

Tuy có nhiều tiềm năng, nhưng xuất khẩu nông sản Việt sang Ấn Độ còn gặp nhiều khó khăn khi Ấn Độ thường xuyên sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại và thường xuyên thay đổi về chính sách. Nhiều lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu nhưng chưa được các doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm đầu tư do khoảng cách địa lý, thiếu thông tin về môi trường, chính sách khuyến khích đầu tư cũng như chưa thể hiện được tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay, bên cạnh vai trò kiến tạo của Chính phủ thì cần có sự đồng hành của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị, có tiềm lực ứng dụng khoa học công nghệ.

Đặc biệt là đưa công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nông sản trong bối cảnh thực hiện cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư để xây dựng một ngành kinh doanh nông nghiệp hiện đại, có năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về xã hội và môi trường trong toàn chuỗi giá trị nông nghiệp.