Có nên "tiêm trộn" vắc xin Moderna với Pfizer không?

09:54 | 08/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện đã hết vắc xin Moderna để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc xin này. Bởi vậy, TP dùng vắc xin Pfizer để thay thế.

TP.HCM sẽ kết hợp “tiêm trộn” vắc xin

Thông tin tại buổi họp báo chiều 7/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện tại trên thế giới có 4 công nghệ sản xuất vắc xin khác nhau.

Thứ nhất, công nghệ sử dụng vắc xin vector virus, tức sử dụng virus an toàn khác với virus được tiêm, tức là sử dụng 1 loại virus khác với virus SARS-CoV-2, nhưng trên đó có 1 đoạn gene của virus SARS-CoV-2. Những loại vắc xin này gồm AstraZeneca, Johnson & Johnson (Mỹ), Sputnik V (Nga).

Thứ hai là công nghệ vắc xin mã di truyền, tức sử dụng mRNA và DNA, sử dụng 1 loại mã di truyền của virus. Vắc xin này bao gồm Pfizer (Mỹ), Moderna (Mỹ).

Thứ ba là công nghệ vắc xin sử dụng 1 phần virus, tức sử dụng 1 đoạn protein, gồm Novavax (Mỹ), và hiện nay vắc xin Nano Covax của Việt Nam do Nanogen sản xuất cũng đang sản xuất theo công nghệ này.

Thứ tư là vắc xin sử dụng virus gây bệnh nhưng giảm độc lực gồm của Sinopharm, Sinovac (Trung Quốc).

TP.HCM sẽ kết hợp “tiêm trộn” vắc xin Pfizer và Moderna cho người dân.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, theo phân loại, vắc xin Covid-19 Pfizer và Moderna sử dụng cùng một công nghệ sản xuất. Hiện nay, theo các hướng dẫn của ngành y, thành phố có thể tiêm các loại vắc xin Covid-19 có công nghệ tương đồng với nhau.

"Canada và Mỹ đã áp dụng phương án tiêm trộn vắc xin. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiêm trộn đạt hiệu quả tốt và chưa ghi nhận tình huống nguy hiểm nào", ông Nguyễn Hoài Nam thông tin.

Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, hiện tại, việc khan hiếm vắc xin Covid-19 là vấn đề của toàn cầu, TP.HCM cũng không ngoại lệ. Do đó, các đội tiêm trên toàn địa bàn đang sử dụng các loại vắc xin phù hợp nhất để tiêm mũi 2 cho trường hợp đã tiêm mũi một.

"Quan điểm của ngành y thành phố là nếu thiếu một loại vắc xin nào đó để tiêm mũi 2 cho người dân, các đơn vị cần cân đối, lựa chọn loại vắc xin khác. Loại vắc xin đó cần đảm bảo an toàn nhất và phù hợp nhất", lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định.

Có nên hay không?

Việc tiêm kết hợp hai loại vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA là Pfizer và Moderna không phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định đây là giải pháp an toàn.

Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho phép trộn các mũi tiêm Pfizer và Moderna trong các tình huống ngoại lệ, chẳng hạn như nguồn cung cấp vắc xin hạn chế hoặc nếu người được tiêm không biết mũi 1 là vắc xin loại nào.

Cơ quan y tế công cộng của Canada cũng phê duyệt việc pha trộn các loại vắc xin Covid-19 khác nhau nếu nguồn cung hạn chế hoặc người được tiêm lo ngại về tác dụng phụ của vắc xin.

Hiệu quả của Pfizer và Moderna trong việc bảo vệ chống lại Covid-19 đã được khẳng định, khoảng 95% sau khi tiêm đủ 2 liều.

Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng của Canada thông báo khi không có sẵn một loại vắc xin mRNA hoặc không rõ nguồn gốc của mũi 1, có thể tiêm một loại vắc xin mRNA khác. Bởi vậy, hãy dùng bất kỳ loại nào được cung cấp để bảo vệ bản thân và người xung quanh.

Vắc xin Pfizer và Moderna có nhiều điểm tương tự - đều được chứng minh có hiệu quả, an toàn trong thử nghiệm và thực tế.

Cả hai đều là vắc xin mRNA, do đó có cách thức hoạt động giống nhau. Loại vắc xin này cung cấp hướng dẫn thông qua RNA thông tin để dạy hệ miễn dịch của cơ thể nhận ra sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2. Do đó, bạn có thể chống lại sự lây nhiễm nếu virus tấn công trong tương lai.

Hai loại vắc xin cùng tạo ra kháng thể chống lại protein gai của virus SARS-CoV-2. Trong thành phần của vắc xin không chứa virus.

Hiệu quả của Pfizer và Moderna trong việc bảo vệ chống lại Covid-19 đã được khẳng định, khoảng 95% sau khi tiêm đủ 2 liều.

Tác dụng phụ của chúng cũng giống nhau, khá nhẹ và tồn tại tạm thời trong thời gian ngắn.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất có thể xảy ra bao gồm đau vai/cánh tay tại vị trí tiêm, đau cơ, ớn lạnh, mệt mỏi và sốt nhẹ. Phản ứng phụ thường giảm dần trong khoảng một đến ba ngày.

Trong y học, có nhiều ví dụ về việc sử dụng thay thế các loại thuốc có cách hoạt động giống nhau. Các loại vắc xin cùng mục đích từ các nhà sản xuất khác nhau thường được sử dụng thay thế, bao gồm vắc xin viêm gan A, viêm gan B và sởi, quai bị, rubella.

Nguyên tắc chung để vắc xin có thể thay thế cho nhau là phải cùng chỉ định và thời gian sử dụng, cho cùng một nhóm đối tượng, chứa kháng nguyên tương đương, giống nhau về độ an toàn, tác dụng phụ, tính sinh miễn dịch và hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Doanh nghiệp và Tiếp thị, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP.HCM - cho rằng trong bối cảnh khan hiếm vắc xin như hiện nay, có thể nghĩ đến việc sử dụng vắc xin khác để tiêm mũi 2 mà không nhất thiết phải tiêm vắc xin cùng loại.

Bác sĩ Khanh kiến nghị nên dùng vắc xin Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 là Moderna hoặc mũi 1 tiêm AstraZeneca, mũi 2 tiêm trộn Pfizer hoặc Moderna.

Nhiều nước trên thế giới đã tiêm phối trộn vắc xin như vậy, không có vấn đề gì xảy ra, hiệu quả bảo vệ vẫn tốt. Chúng ta phải tạo điều kiện để người dân được tiêm vắc xin nhanh nhất, tạo hiệu quả bảo vệ tối ưu.

Trong khi đó, trao đổi với Travelmag.vn, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lại cho rằng, việc tiêm trộn vắc xin Moderna với Pfizer là không nên, vì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã có cảnh báo về vấn đề này, mặc dù trên thế giới vẫn có nước tiêm trộn.

Theo ông Nga, hai loại vắc xin không thể giống nhau được vì các chất phụ gia, chất bảo quản bên trong khác nhau, ví dụ Pfizer giữ nhiệt 20 độ C trong khi Moderna giữ nhiệt 80 độ C, đây là sự khác nhau của từng loại vắc xin, người ta thường tiêm trộn giữa AstraZeneca và Pfizer, tuy nhiên WHO cũng khuyến cáo không nên tiêm cùng.

“Trong trường hợp hết vắc xin thì Bộ Y tế cũng đã có thông báo chỉ tiêm trộn AstraZeneca và Pfize, hiện Bộ Y tế cũng chưa có ý kiến Moderna tiêm trộn được Pfizer”, ông Nga nói.

Ông Nga cho hay, có thông tin ở TP.HCM hết Moderna có một số ý kiến nói là người dân được khuyến cáo là tiêm Pfize. Thế nhưng, WHO đã có khuyến cáo không nên tiêm trộn vì không lường trước được hậu quả như thế nào, hay có hiệu quả hay không thì chưa biết.

“Quan điểm của tôi là không nên tiêm trộn giữa hai loại vắc xin nói trên với nhau” ông Nga nói thêm.

Hà Lan (T/h)