Cổ phần hóa doanh nghiệp còn có hạn chế

08:23 | 21/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là kết luận mà Bộ Tài chính vừa đưa ra trong buổi họp báo chuyên đề về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Cổ phần hóa doanh nghiệp còn có hạn chế - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Thiếu tính dự báo trong xây dựng chiến lược

Bộ Tài chính cho rằng, xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa còn thiếu tính dự báo, thiếu sự liên kết để đáp ứng yêu cầu phát triển chung.

Cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế.

Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của DNNN còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động.

Cùng với đó, việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc.

Tiến độ triển khai cổ phần hóa còn chậm

Đáng chú ý,  theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017). Tuy nhiên, đến ngày 10/9/2018 mới cổ phần hóa được 11 doanh nghiệp (trong đó chỉ có 02 doanh nghiệp thuộc danh sách theo công văn số 991/TTg-ĐMDN). Tiến độ triển khai cổ phần hóa trong 09 tháng đầu năm 2018 còn chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh theo kế hoạch phải thực hiện cổ phần hóa 39 doanh nghiệp, chiếm 44% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018 nhưng đến nay chưa triển khai được đơn vị nào.

Thành phố Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa 14 doanh nghiệp (kế hoạch năm 2018 là 11 doanh nghiệp và 03 doanh nghiệp thuộc kế hoạch năm 2017 chuyển sang), chiếm 16% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018 nhưng đến nay cũng chưa triển khai được đơn vị nào.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017 có 13 đơn vị; 09 tháng đầu năm 2018 có 18 đơn vị).

Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra.

Các đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn năm 2017 với số lượng doanh nghiệp và giá trị lớn như: Bộ Công Thương phải thoái vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam với tổng giá trị thoái khoảng 7.000 tỷ đồng.

Bộ Y tế phải thoái vốn tại Tổng công ty Dược Việt Nam với giá trị phải thoái trong năm 2017 là khoảng 829 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng phải thoái vốn tại 08 doanh nghiệp với tổng giá trị phải thoái trong năm 2017 là khoảng 2.400 tỷ đồng.

Thành phố Hà Nội phải thoái vốn tại 17 doanh nghiệp với tổng giá trị phải thoái trong năm 2017 là 682 tỷ đồng, đã thoái 156 tỷ đồng, còn 526 tỷ đồng theo kế hoạch năm 2017.

Cổ phần hóa doanh nghiệp còn có hạn chế - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Đó là chưa kể tới tình trạng chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (còn 35 doanh nghiệp chưa bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC).

Chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp như: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng; đặc biệt là Tổng công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim) được cổ phần hóa từ năm 2007 đến nay vẫn chưa thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa.

Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.