(DNVN) - Nhiều chuyên gia cho rằng hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có xu hướng giảm xuống.
Năm 2016, theo kế hoạch phải cổ phần hóa 66 DN (trong đó có 15 DN cổ phần hóa cùng công ty mẹ, 35 DN độc lập) với tổng giá trị DN là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng. Tuy nhiên, 18/35 DN không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra, trong đó có những DN bán được rất ít như: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Công ty TNHH MTV Bột mỳ Vinafood; Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên; Công ty TNHH MTV Cấp nước Gia Lai…
Đến năm 2017, 69 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị DN của 69 DN là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng. Trong số 69 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, có 48 DN báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu và 7/48 DN không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra, trong đó có những DN bán được rất ít so với số cổ phần bán đấu giá công khai như: Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3); Tổng công ty Công ty Sông Đà; Tập đoàn Cao su Việt Nam; Công ty TNHH MTV Lệ Ninh Quảng Bình.
Còn tính đến tháng 10/2018, mới có 10% DN có kế hoạch cổ phần hóa. Như vậy là rất chậm. Kết quả gần đây cho thấy, DN bán vốn đều được giá trị cao hơn, tức là đã có sự thay đổi về chất. Tuy vậy, các DN chưa mời được cổ đông lớn, có tiềm lực tham gia.
Đánh giá về thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, tại Diễn đàn“Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN”, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) Hoàng Trường Giang nhận định, vẫn còn khó khăn, giai đoạn 2016-2018 mới CPH được 74 DN/137 DN đạt 54%. Quốc hội giao chỉ tiêu phải thu về 250 nghìn tỷ đồng bán vốn DNNN, hiện mới thu được trên 190 nghìn tỷ đồng. Việc xử lý tồn tại của 12 DN yếu kém mới đạt được kết quả bước đầu.
Trong khi đó, cổ phần hóa chậm, hiệu quả hoạt động của khối DN nhà nước cũng được đánh giá là chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), hiệu quả hoạt động của DN nhà nước còn rất thấp, mức độ sẵn sàng với cách mạng 4.0 của DN nhà nước còn hạn chế.
Trước đó, tại Báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN trong phạm vi toàn quốc năm 2017và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN, Bộ Tài chính cho biết, 521 DN 100% vốn nhà nước đang có tổng tài sản 3 triệu tỷ đồng nhưng nợ tới 1,5 triệu tỷ đồng.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia khẳng định, nguyên nhân chủ yếu do tâm lý của một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp chậm chuyển biến, nặng e ngại, né tránh trách nhiệm hoặc lo mất quyền lợi nếu chuyển đổi mô hình doanh nghiệp; các vướng mắc liên quan đến đất đai, định giá tài sản, sự thiếu đồng bộ về thể chế, quy định pháp luật, vướng mắc trong xử lý sắp xếp lao động, việc tuyên truyền chưa đạt hiệu quả.
Thêm vào đó, năng lực quản trị doanh nghiệp của một số lãnh đạo còn yếu kém, chậm cập nhật, nhất là trong đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, thiếu tinh thần cầu thị và chưa đáp ứng được sự thay đổi cũng như thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trước tình trạng đó, các chuyên gia cho rằng, cần tập trung xử lý các dự án yếu kém, cần có khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, các giải pháp mang tính đột phá. Tập trung vào cạnh tranh trong ngành, phát huy giá trị cốt lõi của DNNN. Kinh nghiệm nếu thành công nội ngành cao, khả năng cạnh tranh cao sẽ vượt lên được như trường hợp: Viettel, Vinamilk, EVN…
Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Trung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý; trong đó áp dụng thông lệ quản trị doanh nghiệp quốc tế với doanh nghiệp nhà nước; đồng thời, cần gia tăng hiệu quả quản lý tài sản nhà nước đầu tư trong kinh doanh với cơ quan đại diện chủ sở hữu và DN. Ngoài ra, phải minh bạch, công khai và bình đẳng, hoàn thiện thể chế, rà soát thực trạng, nâng cao hiệu quả DNNN, xử lý các dự án thua lỗ, thúc đẩy tái cơ cấu và CPH, nâng cao năng lực thực chất của đội ngũ quản lý DNNN.