Cổ phần hóa - lãnh đạo DN vẫn tiếc, cơ quan quản lý chưa nghiêm
Đây là sự kiện trước thềm “Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DNNN” diễn ra vào 28/9 tới, với sự tham dự của các khách mời: Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, các DN nhà nước đã tồn tại quá lâu trong thể chế được ưu tiên, ưu đãi, bao cấp nên tư duy và thói quen vẫn chưa thay đổi được triệt để. Trong đó, môi trường đầu tư kinh doanh có phần chưa thật sự bình đẳng, DNNN vẫn được ưu tiên, ưu đãi về số mặt như đất đai, vốn… Thậm chí có ý kiến nhận định DN nhà nước là “sân sau” của các bộ chủ chủ quản hay các ngành chủ quản. Các bộ ngành đó dựa vào DN nhà nước để được lợi ích nhóm, do đó cải cách DN nhà nước còn nhiều lực cản.
Đồng quan điểm, ông Phùng Văn Hùng chia sẻ những năm qua DNNN dựa quá nhiều vào các ưu đãi như nguồn vốn, đất đai. Nhiều khi không được quan tâm nhiều tới đầu tư sản xuất, quản lý hiệu quả để đẩy sản xuất phát triển.
“Chủ trương cổ phần hoá, thoái vốn DNNN là chủ trương lớn Đảng, Nhà nước, được chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm. Những năm qua, chất lượng cổ phần hoá đã nâng lên rất nhiều với các thương vụ lớn, minh bạch, gia tăng lợi ích của nhà nước nhưng tiến độ vẫn chậm so với kế hoạch của Chính phủ. Ngược lại cũng tâm lý các lãnh đạo DN khi cổ phần hoá là từ bỏ quyền hạn của mình với các DN vẫn sự “luyến tiếc” còn cơ quan quản lý chưa nghiêm khắc”, ông Hùng nhấn mạnh.
Không e ngại khi cổ phần hóa, chỉ sợ DN không có sức hấp dẫn
Các khách mời đều cho rằng Chính phủ đã đi trước một bước, thể hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo bằng việc quy định các DNNN trước khi cổ phần hoá phải sắp xếp lại tài sản đất đai. Nếu DN không dùng hết đất thì chuyển giao lại đất cho địa phương sử dụng. Đây là giải pháp đổi mới sát với thực tiễn, quy định ở Nghị định số 126 về sắp xếp cổ phần hóa đất đai và Nghị định số 32 của Chính phủ về thoái vốn.
Ông Lưu Bích Hồ nhận định trong khối DNNN, các DN có quy mô lớn như một số DN ngành dầu khí, điện, Sabeco, Vinamilk không phải quá nhiều.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, hiện nay ở giai đoạn khó khăn trong nước và đầu tư nước ngoài, nên ta phải cố gắng, phải hạn chế khó khăn về môi trường kinh doanh để đem lại khả năng cho các DN. Cổ phần hóa hay nhất, đúng đắn nhất là có nhiều sở hữu khác để hiệu quả quản trị tăng lên.
“Giờ ta không chần trừ được đâu. Có thể khi bán cổ phần bây giờ thì giá thế này thế kia, hay ta nuối tiếc chờ giá cao hơn, nhưng thời hạn quy định tới năm 2020 thì phải thực hiện đi. Càng kéo dài thì giá cổ phần giảm đi. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi nhanh như hiện nay thì tác động rất lớn tới thương hiệu, hiệu quả sản xuất. Hiện nay ta đang chậm. Nếu ta không làm tốt thì rất khó thoát ra để tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn”, ông Lưu Bích Hồ khuyến nghị.
Quan trọng là phải minh bạch được đường hướng của DN
Nhận định về vấn đề cổ phần hóa, ông Đặng Quyết Tiến thẳng thắn chia sẻ trước đây có DN làm ào ào, có bao nhiêu tài sản thì đưa luôn vào báo cáo để bán, tạo ra lợi thế giả tạo. DN cơ khí mà lấy đất đai của mình tạo ra giá trị gia tăng là không đúng. Tuy vậy, khi Chính phủ đưa ra thông điệp tăng cường đấu giá công khai minh bạch thì chính các DN lại “ngần ngừ” vì khi làm thế mà bỏ đất ra thì có khi hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ.
Nếu quyết liệt thì DN vẫn có thể đấu giá công khai. TP. Hà Nội làm được vì quyết tâm sắp xếp hàng nghìn mảnh đất lớn nhỏ trước khi cổ phần hoá Hapro và thu hồi được nhiều diện tích đất không sử dụng sau khi cổ phần hoá để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế khác vào đây.
Ông Tiến cũng cho rằng, cần xử lý quyết liệt, không còn chỗ cho DN “mù mờ” thông tin. Việc tuân thủ các báo cáo thông tin của các DNNN và chủ sở hữu DNNN (theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP), đáp ứng các yêu cầu minh bạch hoạt động của DNNN đã cổ phần hoá thông qua niêm yết trên thị trường chứng khoán là giải pháp quan trọng của Chính phủ để bắt buộc các DN phải hoạt động thực chất, nhưng nhiều DN cổ phần hoá xong lại không niêm yết.
Theo ông Tiến, vừa qua Bộ Tài chính cũng rà soát lại, tính tới thời điểm ban hành Nghị định số 126, có hơn 700 DNNN sau cổ phần hoá chưa niêm yết. Phân loại ra thì có gần 300 DN đã đăng ký công ty đại chúng, trong đó có gần 200 DN đăng ký giao dịch và niêm yết. Qua rà soát Chính phủ đã đưa thành quy định tối đa một năm rưỡi sau phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) thì DNNN phải đăng ký giao dịch. Do đó, nhiều DN làm hồ sơ IPO xong cũng có thể đăng ký giao dịch trên sàn Upcom ngay…
“Những DN nào đủ điều kiện mà trốn tránh thì sẽ xử phạt hành chính. Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chủ sở hữu phải có những hình thức xử lý hành chính nếu cố tình không lên sàn khi đã đủ điều kiện”, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm sẽ tiếp tục công bố công khai để công luận giám sát, đây là giải pháp công khai minh bạch cần kiên trì thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Nhận định về vấn đề này, ông Phùng Văn Hùng cho rằng, khi đã niêm yết thì tính công khai minh bạch được nhấn mạnh, “sức khoẻ” của DN sẽ bộc lộ trên thị trường chứng khoán, được đo đếm công khai giám sát bởi các cơ quan nhà nước, bởi các tổ chức kinh tế, người dân theo dõi trên thị trường chứng khoán để có thể đầu tư hoặc không đầu tư vào DN đó.
Cùng quan điểm, chuyên gia Lưu Bích Hồ cho rằng phải kiên quyết khắc phục tình trạng không làm theo luật: “Không chỉ về phía DN, mà các cơ quan quản lý cần phải nghiêm khắc, nghiêm túc trong vấn đề này, dứt khoát chấm dứt xin-cho. Xin-cho thể hiện không bình đẳng, không minh bạch, sinh ra tiêu cực và tham nhũng”.