Cổ phần hóa, thoái vốn 9 tháng năm 2022 vẫn lình xình: Bộ Tài chính bàn cơ chế gỡ vướng
"Bắt bệnh" việc thoái vốn, cổ phần hóa chậm
Báo cáo về tình hình cổ phần hóa trong 9 tháng năm 2022, Bộ Tài chính cho biết các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt, cùng đó ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang (đã chính thức chuyển thành CTCP năm 2021) với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.
Về tình hình thoái vốn, lũy kế 9 tháng ghi nhận các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 466 tỷ đồng, thu về 2.289,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng SCIC đã thực hiện bán vốn tại 19 doanh nghiệp với giá trị là 211,6 tỷ đồng, thu về 796,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần Bưu điện với giá trị 182 tỷ đồng, thu về 1.409 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thoái vốn tại CTCP Tập đoàn Tân Mai với giá trị là 72 tỷ đồng, thu về 83 tỷ đồng, Tổng công ty Viễn thông Mobifone thoái vốn tại NHTM cổ phần Đông Nam Á với giá trị là 0,06 tỷ đồng, thu về 0,35 tỷ đồng.
Riêng tháng 9/2022, ghi nhận thương vụ SCIC thoái vốn tại CTCP Địa ốc Vĩnh Long và CTCP Thuốc Ung Thư Benovas với giá trị 48,3 tỷ đồng, thu về 109,1 tỷ đồng và có 1 đơn vị thoái vốn không thành công trong tháng là Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam thoái vốn không thành công tại CTCP Sách & TBTH Ninh Thuận và CTCP Sách – TBTH Điện Biên.
Bộ Tài chính nhận định tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn DNNN trong 9 tháng năm 2022 vẫn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Trong đó, một trong những nguyên nhân lớn nhất là doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị nên việc xử lý tài chính tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn tồn tại nhiều vấn đề phải xử lý về tài chính; một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích… thì doanh thu và lợi nhuận thấp, không thu hút nhà đầu tư.
Cùng đó, một số yếu tố như diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong 2 năm qua, xung đột chính trị - quân sự trên thế giới tác động đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán cũng như ảnh hưởng đến việc xác định giá trị doanh nghiệp, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.
Ngoài ra, vẫn có hiện tượng chưa quyết liệt trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt, doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm.
Tại một số địa phương, việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ, ngành liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất; xử lý tồn tại tài chính còn chưa tốt, kéo dài.
Đang nghiên cứu, sửa đổi bổ sung nhiều cơ chế gỡ vướng
Trong bối cảnh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kỳ vọng, Bộ Tài chính cho biết đang rà soát, xây dựng báo cáo để trình cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi một số Nghị định liên quan để kịp thời khắc phục vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong đó tập trung vào việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình cổ phần hóa; việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp; quy định phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; hoàn thiện quy định về phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp gắn với việc bổ sung vốn điều lệ từ nguồn cổ tức, lợi nhuận sau thuế; hoàn thiện các quy định về điều chỉnh vốn điều lệ tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ…
Về nội dung tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình cổ phần hóa; Bộ Tài chính cho biết trong theo quy định hiện nay, các DNNN phải lập phương án sử dụng đất để báo cáo Cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, việc phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thời gian qua rất chậm, một phần do nguồn gốc hình thành và việc sử dụng nhà, đất của các DNNN phức tạp; công tác quản lý nhà, đất chưa chặt chẽ…
Do đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình cổ phần hóa, bỏ quy định về điều kiện cổ phần hóa là doanh nghiệp cổ phần hóa phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Về việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng chỉ xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa đối với diện tích đất được giao hoặc đất đã trúng đấu giá để thực hiện kinh doanh bất động sản của các DNNN có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản và một số trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là giá đất cụ thể tại vị trí doanh nghiệp có diện tích đất được giao do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao) quyết định theo quy định tại khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 114 của Luật Đất đai.
Đối với DNNN còn lại, khi cổ phần hóa thực hiện chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm và không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp.
Về phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; theo quy định hiện nay, Tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp lựa chọn phương pháp tài sản và tối thiểu một phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật giá; và tiến hành thẩm định giá và giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xác định; và công bố không được thấp hơn giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo phương pháp tài sản quy định theo pháp luật về cổ phần hóa.
Đối với nội dung này, Bộ Tài chính đang rà soát, hiệu chỉnh lại theo hướng tổ chức tư vấn được lựa chọn các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó có phương pháp tài sản và tối thiểu một phương pháp khác theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá để trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định. Giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xác định và công bố không được thấp hơn giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xác định theo phương pháp tài sản theo quy định của pháp luật thẩm định giá và Nghị định này. Tổ chức tư vấn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về thẩm định giá.