Cổ phiếu gạo 'nổi sóng', nhiều mã tím trần hàng chục phiên: Nhìn lại KQKD nửa đầu năm phân hóa
Giá gạo tăng vọt, cổ phiếu loạt doanh nghiệp gạo tím trần
Hôm 20/7, Tổng cục Ngoại thương (thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ) thông báo dừng xuất khẩu các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) để bình ổn giá trong nước. Thông báo này có hiệu lực ngay lập tức.
Lệnh cấm có thể hạ nhiệt giá gạo tại Ấn Độ, nhưng sẽ gây sức ép lên giá gạo toàn cầu trong bối cảnh các nước lo ngại El Nino phá hủy mùa màng. Giá nhiều loại ngũ cốc lớn khác cũng đang tăng vọt do căng thẳng Nga – Ukraine. Ấn Độ hiện còn hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường.
Ngay lập tức, lệnh cấm của Ấn Độ đã tác động khiến giá gạo toàn cầu tăng từng ngày. So với thời điểm Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo, chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.
Tính đến hết tháng 7, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày. Trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7.
Với quốc gia luôn nằm trong top xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới như Việt Nam, thông tin này đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh doanh và cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành.
Kết phiên 8/8, thị trường ghi nhận phiên tăng giá trần thứ 11 của VSF, cổ phiếu của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, kể từ ngày 24/7 đến nay. Thị giá VSF từ chỗ chỉ có 7.900 đồng/cp kết phiên 21/7 thì nay đã đạt mức 37.400 đồng/cp dù cho đang trong diện bị cảnh cáo, tương đương mức tăng hơn 308%. Đây cũng là mức giá cao nhất của VSF kể từ khi doanh nghiệp này đăng ký giao dịch UPCOM vào tháng 4/2018 đến nay. Thanh khoản cũng cải thiện đáng kể từ vài nghìn lên đến trăm nghìn cổ phiếu khớp lệnh, thậm chí phiên 1/8 khối lượng khớp lệnh đạt kỷ lục ở mức hơn 500.000 đơn vị.
Tương tự, mã AGM của CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang cũng kết phiên tím trong ngày 8/8 với tình trạng hoàn toàn trắng bên bán. Đây cũng là phiên thứ 12 liên tiếp AGM tăng kịch trần. Thị giá cổ phiếu tăng từ mức 5.970 đồng/cp phiên 20/7 lên mức 13.500 đồng/cp, tức tăng 126%.
Nhìn lại nửa đầu năm kinh doanh phân hóa của các doanh nghiệp ngành gạo
Tại báo cáo tài chính quý II/2023 và 6 tháng đầu năm 2023, Vinafood 2 ghi nhận kết quả tăng đột biến so với cùng kỳ. Cụ thể, đơn vị ghi nhận doanh thu 6.867 tỷ đồng trong quý, tăng 57% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 9,4 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái (4,4 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu Vinafood 2 đạt 11.337 tỷ đồng, tăng gần 58% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 9,95 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái (4,9 tỷ đồng).
Như vậy, phần lớn lợi nhuận của Vinafood 2 tập trung trong quý II vừa qua. Báo cáo giải trình về kết quả kinh doanh, đại diện Vinafood 2 cho biết nguyên nhân tổng công ty đã tiếp tục quản lý tốt và kiên quyết tiết giảm các khoản chi phí; theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường và kịp thời nắm bắt cơ hội là yếu tố then chốt giúp công ty ghi nhận các chỉ tiêu kinh doanh tốt.
Dù vậy, việc tăng lợi nhuận của doanh nghiệp là so với chính kết quả kinh doanh trước đó của doanh nghiệp còn so về doanh thu thì lợi nhuận mang về vẫn còn khá “khiêm tốn”.
Lãi tăng cao nhất trong số các doanh nghiệp trong ngành phải kể tới Lộc Trời với doanh thu thuần quý II đạt 3.678 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính đạt hơn 49 tỷ đồng, gấp 8,4 lần cùng kỳ, lãi trong công ty liên doanh, liên kết 327 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận. Kết quả, tập đoàn lãi sau thuế 425 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 44 tỷ đồng và quý I trước đó cũng lỗ tới 81 tỷ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.130 tỷ đồng, tăng 4%, trong đó, doanh thu lương thực – lúa, gạo chiếm phần lớn với 4.220 tỷ đồng, tăng 24,5%.
Đáng chú ý, trong khi có những doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh thì cũng có doanh nghiệp báo lãi giảm sâu, đơn cử như PAN Group, thậm chí có doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, như Trung An, Angimex.
Tại Trung An mặc dù doanh thu thuần quý II đạt 1.615 tỷ đồng doanh thu, gấp 2 lần so với cùng kỳ, song công ty lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, trong khi quý II/2022 lãi 23,6 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, TAR ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 46%; lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 606 triệu đồng, cùng kỳ lãi gần 51 tỷ đồng.
Theo giải trình, doanh nghiệp cho biết nguyên nhân lỗ chủ yếu do chi phí lãi vay kỳ này cao hơn (tăng gần 10 tỷ đồng) và công ty phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách nước ngoài.
Năm 2023, Trung An lên kế hoạch kinh doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng, Trung An mới thực hiện được 1,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại Angimex, câu chuyện gánh nặng chi phí đã tồn tại từ rất lâu. Dù giá cổ phiếu tăng trần hàng chục phiên liên tiếp, thế nhưng kết quả kinh doanh tại đây không quá khả quan khi đã lỗ nhiều quý liên tiếp. Trong quý II/2023, Angimex ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 162,7 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, Angimex lỗ 33,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước cũng ghi nhận âm 16,2 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng, Angimex báo lỗ gần 56 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 5,7 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới ngày 30/6 ở mức 44 tỷ.
Tổng nợ vay của Angimex ngày 30/6/2023 ở mức 1.151 tỷ đồng - gấp 3,6 lần vốn chủ sở hữu, trong đó dư nợ trái phiếu dài hạn lên tới 559 tỷ đồng tại 2 mã AGMH2123001 (350 tỷ đồng) và mã GMH2223001 (giá 300 tỷ, dư nợ còn lại 210 tỷ đồng). Cả hai trái phiếu đều phát sinh việc chậm thanh toán lãi.
Giá gạo tăng không đồng nghĩa với lợi nhuận của các doanh nghiệp gạo (trừ những doanh nghiệp có tồn kho đủ lớn và đã trả đủ các đơn hàng đã ký kết trước đó) mà còn tiềm ẩn rủi ro thua lỗ khi phải mua giá gạo cao để giao cho các hợp đồng ký trước với giá thấp. Tại nhiều thời điểm, giá gạo nội địa còn cao hơn xuất khẩu.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp gạo trong giai đoạn biến động này phải chờ đến khi các doanh nghiệp công bố báo cáo kinh doanh quý III/2023.