Lợi nhuận ngành gạo ‘mỏng như lá lúa’ dù doanh thu tăng cao

Trang Mai 16:34 | 09/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đúng như những tín hiệu tích cực thì thị trường, doanh thu loạt doanh nghiệp ngành gạo đồng loạt tăng cao so với cùng kỳ, thậm chí cao nhất trong lịch sử. Thế nhưng bài toán chi phí và đặc biệt là lãi vay vẫn chưa được giải khiến lợi nhuận thu về không được như kỳ vọng.

Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), những ngày đầu tháng 11, giá gạo  xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng và vươn lên mức cao nhất so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.

Có thời điểm giá gạo 5% tấm đạt tới 663 USD/tấn, trong khi giá gạo Thái Lan và Pakistan ở mức 560 - 570 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 648 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan giá chỉ 520 USD/tấn và Pakistan 488 USD/tấn.

Giá gạo thời gian vừa qua duy trì ở mức cao khiến doanh thu ở hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận tăng mạnh so với cùng kỳ. Dù vậy nhưng lợi nhuận vẫn dừng ở mức thấp, thậm chí có đơn vị đã báo lỗ trong quý III/2023. 

 

Doanh thu tăng trái chiều lợi nhuận

Tại BCTC quý III của  Lộc Trời (mã: LTG), doanh thu tăng tới 63% so với cùng kỳ lên gần 4.500 tỷ đồng. Sau thuế, Lộc Trời lỗ ròng 327 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 64 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ kỷ lục mà doanh nghiệp này từng ghi nhận trong một quý. 

Theo đó, dù đã tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp xuống 25% nhưng chi phí tài chính quý III tăng mạnh đến 144% lên gần 270 tỷ và 9 tháng tăng gấp đôi lên 647 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá đồng loạt tăng hơn 2 lần nên lợi nhuận bị ảnh hưởng. Trong buổi trao đổi với cổ đông trước đó, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết để phát triển vùng nguyên liệu, Lộc Trời đã cho nông dân vay không lãi suất nhưng bản thân doanh nghiệp vay ngân hàng vẫn phải chịu lãi suất tăng cao.

Tính đến hết tháng 9, Lộc Trời đạt doanh thu thuần hơn 10.440 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chưa tới 20 tỷ đồng, giảm 91%.

CTCP Lương thực Thành phố HCM (mã: FCS) công bố doanh thu quý III tương đương cùng kỳ năm trước đạt 104 tỷ đồng, lãi sau thuế 258 triệu đồng, giảm mạnh so với mức 4,4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu tăng 4% lên 306 tỷ đồng, chuyển từ lỗ 2 tỷ đồng thành lãi 759 triệu đồng.

Tương tự, CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex; mã: AFX) cũng ghi nhận tình trạng doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh. 

Theo đó, doanh thu thuần trong quý của công ty đạt 609 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, chi phí lãi vay tăng mạnh đã khiến AFX báo lãi sau thuế 2,6 tỷ đồng, giảm tới 71% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của AFX đạt 1.531 tỷ đồng, tăng 54%. Sau thuế, công ty báo lãi 12 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ.

Ngược dòng báo lãi

Ngược lại, vẫn có những đơn vị đã báo lãi trong quý III sau thời gian dài chìm trong thua lỗ. CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM) – doanh nghiệp gạo lớn ở An Giang với 47 năm trong ngành vẫn chưa thoát khỏi khó khăn sau sự kiện cựu Chủ tịch HĐQT Đỗ Thành Nhân bị bắt vì tội thao túng cổ phiếu. Doanh thu quý III giảm 68% xuống 663 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh chính lỗ thuần 10 tỷ đồng. Nhờ hoạt động khác lãi 11,8 tỷ đồng mà có lãi ròng 1,6 tỷ đồng, cải thiện so với con số lỗ 29 tỷ quý III/2022 và là lần đầu tiên Angimex có lãi trở lại kể từ quý I/2022.

Lũy kế 3 quý đầu năm nay, Angimex mang về 545 tỷ đồng doanh thu thuần, chưa bằng 1/5 doanh thu cùng kỳ năm 2022. Sau thuế của doanh nghiệp là âm 56 tỷ đồng, lỗ đậm hơn mức 35 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. 

Tương tự, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2, mã: VSF) cũng công bố kết quả kinh doanh trong quý III với doanh thu thuần đạt hơn 7.300 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức doanh thu trong quý cao nhất mà Vinafood 2 ghi nhận kể từ khi cổ phần hóa vào năm 2018. Sau khi trừ giá vốn và chi phí, doanh nghiệp này chỉ còn lãi hơn 10 tỷ đồng trong quý.

Tính đến hết tháng 9, Vinafood 2 đạt hơn 18.660 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng mạnh 72% so với cùng kỳ. Dù quý III có lãi, song do ảnh hưởng quý đầu năm thua lỗ, công ty chỉ đạt vỏn vẹn 4 tỷ đồng lãi ròng. Đặc biệt, hiện Vinafood 2 còn lỗ lũy kế gần 2.800 tỷ đồng do hệ quả từ 10 quý lỗ liên tiếp trong giai đoạn 2019-2021.

Một doanh nghiệp lớn trong ngành gạo trên sàn là Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã: TAR) cũng cho thấy kết quả kinh doanh không như mong đợi, nhưng lợi nhuận được bù lại nhờ khoản cổ tức hàng chục tỷ đồng. 

Theo đó, dù doanh thu thuần đạt 966 tỷ đồng trong quý III, tăng 94% so với cùng kỳ nhưng do giá vốn hàng bán tăng mạnh nên lãi gộp của Gạo Trung An chỉ đạt 48,8 tỷ đồng, tăng 27%. Tuy nhiên, nhờ khoản cổ tức được chia từ Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang nên TAR báo lãi 12,2 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Gạo Trung An ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3.500 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi 12,8 tỷ đồng, giảm 75%.

Mới đây, gần 80 triệu cổ phiếu TAR đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chuyển sang diện hạn chế giao dịch (chỉ được phép giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần từ 30/10) do công ty chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023 quá 45 ngày so với quy định. Cùng đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định xử phạt bà Trương Khả Tú, người có liên quan đến bà Lư Lệ Trân - Thành viên HĐQT Trung An với số tiền hơn 431 triệu đồng do đã có hành vi không đăng ký bán cổ phiếu.

 

Xuất khẩu gạo Việt Nam được dự báo sẽ tạo đỉnh mới 4,5 tỷ USD

Theo ước tính của Bộ Công Thương, năm 2023 Việt Nam sẽ xuất khẩu  khoảng 8 triệu tấn gạo, với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD, sẽ là con số cao nhất từ trước đến nay.

 

Cả sản lượng và chất lượng gạo Việt Nam đang dần được nâng cao là yếu tố giúp kim ngạch xuất khẩu được cải thiện, trong khi hầu hết các thị trường cung cấp gạo chính ra thế giới đều đang thắt chặt nguồn cung do sản lượng giảm bởi tác động của tình hình thời tiết tiêu cực.

Tuy nhiên, đi kèm với giá xuất khẩu tăng thì giá thu mua gạo trong nước cũng tăng nhanh, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện tại không dám ký hợp đồng xuất khẩu mới, một phần vì lo không đủ nguồn cung, một phần vì giá thu mua gạo trong nước đang quá cao, nếu cộng thêm các chi phí xay xát, vận chuyển thì doanh nghiệp vẫn phải chịu lỗ.

Trong báo cáo triển vọng ngành gạo công bố mới đây, chứng khoán BSC kỳ vọng mức nền cao của giá bán do các vấn đề an ninh lương thực và xu hướng giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt sẽ là động lực cải thiện biên lợi nhuận gộp trong quý IV. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp từ thời tiết và chi phí lãi vay duy trì ở mức cao sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận các doanh nghiệp này. 

Dự báo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2024, theo các chuyên gia, giá gạo xuất khẩu có thể vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn. Nguyên nhân là do lượng lúa gạo trên thế giới đang khan hiếm dần, còn Việt Nam đang nắm giữ cơ hội về xuất khẩu gạo. Theo tính toán, nhu cầu của các nước trên thế giới rất nhiều, trong đó có các thị trường truyền thống Philippines, Indonesia và Trung Quốc.