Cổ phiếu hàng không đồng loạt khởi sắc, tăng điểm trong phiên cuối tuần
Cổ phiếu của nhóm ngành hàng không đồng loạt tăng điểm trong tuần vừa qua, cụ thể Vietjet tăng 6,6%, Vietnam Airlines thêm 9%.
Thông tin Tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer cho biết vắc xin COVID-19 do công ty này nghiên cứu cùng BioNTech của Đức có hiệu quả lên đến trên 90%. Pfizer cũng tuyên bố có thể phân phối 1,3 tỉ liều vắc xin vào năm sau nếu sớm được cơ quan quản lí cấp phép. Khi thông tin này được đưa ra, hàng loạt nhóm cổ phiếu tăng điểm, nhóm hàng không cũng không ngoại lệ. Cổ phiếu hãng hàng không giá rẻ Southwest Airlines tăng 10% trong tuần qua, tập đoàn chế tạo tàu bay Boeing cũng thêm gần 19%.
Tính từ đầu tháng 11 đến nay, cổ phiếu Boeing đã tăng tổng cộng 30%.Ngoài ra, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã ktạo sức ép lên thị trường tài chính, các nhà đầu tư chờ đợi vào một gói cứu trợ mới của người đứng đầu Nhà trắng giúp cải thiện nền kinh tế vốn đã khó khăn từ dịch COVID-19 hay cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung.
Về phía quốc tế, tại thị trường chứng khoán Anh, cổ phiếu Tập đoàn Hàng không Quốc tế (IAG) – đơn vị sở hữu British Airways – tăng 40%. Hãng chế tạo động cơ tàu bay Rolls Royce cũng vọt lên 34%.
Còn tại Việt Nam, nhóm hàng không cũng đi lên theo xu hướng chung của thị trường chứng khoán thế giới. Cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không Vietjet tăng 6,6% trong tuần vừa qua, HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thêm 9%.
Ngoài cổ phiếu các hãng bay, cổ phiếu của các doanh nghiệp dịch vụ liên quan cũng diễn biến khả quan như AST (Dịch vụ Hàng không Taseco) tăng 8%, ACV (Tổng Công ty Cảng hàng không) thêm 9,5%.
Chịu thiệt hại nặng nề nhất vì COVID-19 có lẽ là ngành hàng không khi có tới 98% tàu bay bị ngừng hoạt động. Theo dự tính mới nhất của Cục hàng không Việt Nam, số tiền thiệt hại ngành hàng không phải gánh chịu vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể lên tới 65.000 tỷ đồng chứ không chỉ dừng lại ở mức 30.000 tỷ như dự tính trước đó.
Hướng đi nào cho ngành hàng không
Trước khi những thông tin tiếp theo về vắc xin COVID-19 được đưa ra, cổ phiếu nhóm hàng không quốc tế và Việt Nam vẫn sẽ chịu nhiều sức ép.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đón gần 3,8 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng đầu năm 2020, giảm gần 71% so với cùng kì năm ngoái. Theo Cục Hàng không, tổng số chuyến bay mà các hãng nội địa khai thác trong 10 tháng vừa qua là 177.034 chuyến, giảm 36,6% so với cùng kì.
Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), công suất vận tải hành khách (tính theo RPK) trong tháng 9/2020 của toàn ngành giảm gần 73% so với tháng 9 năm ngoái.
Theo thống kê của Bloomberg, từ đầu năm đến nay, các hãng hàng không trên toàn thế giới đã huy động 88 tỉ USD thông qua phát hành trái phiếu, nhiều hơn tổng giá trị phát hành trong 39 năm trước cộng lại.
Tại Việt Nam, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lên kế hoạch bán 9 tàu bay A321-200 CEO sản xuất năm 2007-2008 để trả nợ và bù đắp dòng tiền thâm hụt.
Năm 2019, Vietnam Airlines có kế hoạch bán 5 chiếc A321 CEO. Quá trình bán đấu giá đã hoàn tất, tính đến tháng 6/2020, tổng công ty đã bàn giao ba tàu và thu về 28 triệu USD.
Mỹ Duyên