'Cổ phiếu vua' lên vùng đỉnh mới tạo bàn đạp tăng trưởng ngành ngân hàng

17:13 | 24/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những phiên tăng giá kỷ lục của các cổ phiếu ngân hàng lần lượt diễn ra, đẩy giá của các “cổ phiếu vua” lên vùng đỉnh mới, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ngành ngân hàng.

Ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1 của ngân hàng tăng 55-65%

 
Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1 của ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu sẽ tăng khoảng 55-65% so với cùng kỳ.
 
SSI kỳ vọng ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với các ngành khác trong Q1/2021, nhờ tỷ suất lợi nhuận tương đối hấp dẫn và triển vọng tín dụng được cải thiện khi hầu hết các ngân hàng đã đẩy nhanh xóa nợ xấu và tăng cường trích lập dự phòng bao nợ xấu trong Q4/2020.
 
Ngày 31/12/2020, LLCR trung bình đạt mức cao nhất trong ba năm qua. Với các ngân hàng đang theo dõi, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế sẽ tăng khoảng 55-65% so với cùng kỳ.
 
Các ngân hàng thương mại quốc doanh có khả năng sẽ đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục hơn nữa, tăng khoảng 75-85% so với cùng kỳ khi các ngân hàng này đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 45-55% so với cùng kỳ.
 
 
'Cổ phiếu vua' lên vùng đỉnh mới tạo bàn đạp tăng trưởng ngành ngân hàng - ảnh 1
 SSI Research: Ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1 của ngân hàng tăng 55-65%
 
SSI ước tính tăng trưởng tín dụng đạt 15% so với cùng kỳ. SSI ước tính tăng trưởng tín dụng bình quân so với đầu năm của 10 ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu sẽ đạt mức tương đương Q1/2020 là +1,5%-1,6% so với đầu năm hay +15% so với cùng kỳ, ngoại trừ MBB và VIB – hai ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tốt trong hai tháng đầu năm 2021.
 
NIM ước tính ổn định so với Q4/2020, tăng 15 bps so với Q1/2020. Thu nhập phí ở mức thấp ở hầu hết các ngân hàng trong Q1/2020, ngoại trừ TCB, BID và VIB. Áp lực trích lập dự phòng thấp so với Q1/2020, ví dụ ở VCB, MBB và CTG.
 
SSI tin rằng Q1/2021 sẽ là đỉnh cao của tăng trưởng so với cùng kỳ trong năm 2021, vì các ngân hàng đã ghi nhận nhiều thu nhập bất thường (kinh doanh ngoại hối, kinh doanh trái phiếu….) trong 9 tháng cuối năm 2020.
 
Cả năm 2021, lợi nhuận trước thuế ước tính sẽ đạt mức tăng trưởng ấn tượng là +24% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng +15% so với cùng kỳ và chi phí tín dụng giảm (-22 bps). Do đó, SSI duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng ngành ngân hàng.
 

Lực kéo của nhóm “cổ phiếu vua”

 
Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã vượt đỉnh kỉ lục trong tháng 3, theo phản ánh của laodong.vn.
 
Theo đó, triển vọng ngành được đánh giá tích cực. Các chuyên gia nhận định “chuyến tàu” VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1200 điểm không thể thiếu lực kéo của nhóm “cổ phiếu vua”.
 
VIB, MBB, ACB, MSB, CTG, ABB cùng vượt đỉnh lịch sử vào phiên 17/3
 
Sức hút của cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua đến từ thông tin tỷ lệ chia cổ tức, tăng vốn, bán cổ phần cho đối tác ngoại.
 
Cổ phiếu LPB của LienVietPostBank đã có chuỗi tăng ấn tượng gấp 3 lần từ 5.600 đồng/cp lên 16.300 đồng/cp.
 
Việc bầu Thuỵ xuất hiện với tư cách cổ đông lớn của LienVietPostBank khiến không ít nhà đầu tư đặt nhiều kì vọng. Cổ đông THD vẫn nhớ chuỗi tăng tím trần liên tiếp lôi một mạch giá THD từ giá tham chiếu phiên đầu tiên 15.000 đồng/cổ phiếu lên mức 201.000 đồng/cổ phiếu.
 
Hiện tại tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) tại ngân hàng 5% vốn điều lệ. HĐQT ngân hàng đã trình tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 5% lên 9,99% tại Đại hội đồng cổ đồng năm 2020.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một lãnh đạo LienVietPostBank cho biết đang trong quá trình đàm phán bán cổ phần cho đối tác ngoại, quá trình đàm phán kéo dài trong vài tháng.
 
Thương vụ bán 4,99% vốn cho nhà đầu tư ngoại của LienVietPostBank có khả năng sẽ hoàn tất trong năm 2021.
 
LienVietPostBank là ngân hàng cổ phần có mạng lưới lớn nhất Việt Nam lên tới 556 điểm, phủ sóng hầu hết các huyện tại các tỉnh thành trên cả nước. Điều này giúp ngân hàng tiếp cận được nhiều phân khúc khách hàng, mang lại lợi thế bán lẻ lớn.
 
Cổ phiếu CTG của VietinBank đang là “ngôi sao sáng” khi tăng gấp đôi từ vùng giá 20.000 đồng/cp lên 40.450 đồng/cp trong 1 năm qua.
 
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết lãi trước thuế quý I.2021 ước đạt 7.000-8.000 tỉ đồng, chưa gồm phí trả trước từ hợp đồng bancassurance độc quyền với Manulife
 
Cổ đông “ôm” CTG đang chờ ngày chốt chia cổ tức tương đương xấp xỉ 28,79%.
VIB trình phương án tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến khoảng 16.000 tỉ đồng.
 
ACB dự kiến phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tỉ lệ 25%. Qua đó, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm hơn 5.400 tỷ đồng.
 
SHB dự kiến sẽ chia cổ tức với tỉ lệ 20,5% bằng cổ phiếu, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020.
 
MSB trình phương án chia cổ tức tối thiểu 15%.
 
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB tiết lộ mức cổ tức 2020 dự kiến là 25% bằng cổ phiếu.
 
Nam A Bank có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỉ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức với tỉ lệ 12,4878% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ.
 
vneconomy.vn nhận định: Mặt bằng tăng giá chung của nhóm ngân hàng phản ánh tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư sau nhiều thông tin lạc quan về triển vọng của nhóm ngân hàng trong năm 2021.
 
Một số nhà băng đã rục rịch lên kế hoạch cho năm tài chính 2021 để trình lên đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới. Với mức kế hoạch hầu như đều tăng mạnh so với năm trước, ban lãnh đạo các nhà băng đã thể hiện quyết tâm trong giai đoạn mới. Ví dụ như MBB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 25-30%. Mức tăng kỳ vọng tại OCB là 15%, SHB đặt lên tới 70%…
 
Cùng với đó là kế hoạch cổ tức đi kèm. Nhiều mã cổ phiếu bật tăng nhờ hưởng lợi từ thông tin chia cổ tức như VIB dự chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40%, MSB chia tối thiểu 15%, OCB cũng dự kiến khoảng 25%, SHB dự chia 20,5%.
 
Trong khi đó, các tổ chức đầu tư cũng đánh giá cao nhóm cổ phiếu vua. Báo cáo của JP Morgan ra ngày 20/2/2021 đánh giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hấp dẫn nhất để nắm giữ trong khu vực. Tổ chức này kỳ vọng tốc độ tăng trưởng EPS bình quân trong giai đoạn 2020-2023 của ngành ngân hàng Việt Nam đạt mức 16%. Điều này sẽ dẫn tới kỳ vọng giá cổ phiếu tăng từ 8-42% trong suốt năm, và có thể là cao hơn trong 3 năm tới. Do đó, mặc dù giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng 11% so với đầu năm (cao hơn mức tăng của Vn-Index là 6%) và tăng 30% trong 3 tháng qua, ngành ngân hàng vẫn được khuyến nghị tăng tỷ trọng.
 
Cùng với đó, các đơn vị phân tích chứng khoán trong nước cũng đánh giá khả quan đối với nhóm ngân hàng trong năm nay. Chứng khoán BSC nhận định: "Ngành ngân hàng hiện đang ở vị thế tốt trong việc chống đỡ rủi ro và có thể tận dụng sự phục hồi nền kinh tế trong năm 2021 để làm bàn đạp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Trải qua một năm 2020 đầy biến động, toàn ngành đã có những bước chuyển mình và chuẩn bị cho những biến động lớn tiếp theo. Chất lượng tài sản được kiểm soát tốt và được kỳ vọng giữ ở mức hiện tại trong năm 2021. Nhiều ngân hàng tập trung tiết giảm chi phí giúp tăng hiệu quả hoạt động. Thêm vào đó, chất xúc tác đến từ các cổ phiếu lên sàn và chuyển sàn, bán một phần công ty con và ký hợp đồng bancassurance là những nhân tố giúp ngành ngân hàng có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế".
 
Minh Hoa