Cơ sở cho đào tạo nghề chưa thực sự hỗ trợ tốt cho ngành nông nghiệp
21:09 | 09/08/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lao động ngành nông nghiệp đang thiếu khá nhiều kỹ năng về quản lý, quản trị, kết nối trong sản xuất và tiêu thụ, tính tuân thủ quy trình sản xuất nông sản sạch. Điều này dẫn tới giá trị của nông sản thấp, chất lượng chưa cao, nên khó khăn trong việc tiêu thụ, càng khó mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Để nhìn nhận rõ hơn về thị trường lao động ngành nông nghiệp cũng như công tác đào tạo nâng cao năng lực người lao động ngành quan trọng này. Phóng viên Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam đã có những trao đổi cụ thể với bà Valentina, Chuyên gia kinh tế lao động, Phó Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam.
Thưa bà, bà nhìn nhận thế nào về tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay?
Bà Valentina: Hiện nay kinh tế nông thôn vẫn là đặc điểm chính ở các nước châu Á đang phát triển. Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây phần việc làm trong nông nghiệp tuy có giảm nhưng vẫn chiếm 38% tổng lao động năm 2018 (gần 22 triệu lao động nam và nữ), chiếm 30.4 tỷ USD xuất khẩu năm 2017 và khoảng 40 tỷ USD năm 2018 và hơn15% tổng sản xuất quốc nội.
Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng hiện phần lớn nguồn nhân lực làm việc trong khu vực này nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. Dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành nông nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nền nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn của nông nghiệp, nông thôn.
Vậy bà đánh giá như thế nào về công tác đào tạo lao động nông thôn ở Việt Nam?
Bà Valentina: Theo đánh giá của ILO thì chúng tôi cho rằng hệ thống đào tạo nghề và phát triển nghề ở bất cứ quốc gia nào cũng có hai yếu tố. thứ nhất là nó giúp phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Thứ 2 là phải theo hướng không bỏ xót bất cứ một ai. Ai cũng có được sự tiếp cận đối với phát triển kỹ năng nghề.
Vì thế mà chúng tôi rất nhấn mạnh tính liên hệ và hợp tác giữa các cơ quan khác nhau trong đào tạo nghề ở khu vực nông nghiêp và nông thôn. Bộ Lao động, Bộ Nông nghiệp và các trường nghề đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tham gia vào trong quá trình phát triển xây dựng kỹ năng nghề.
Một minh chứng rõ ràng cho tính cần thiết của việc nâng cao chất lượng người lao động trong ngành nông nghiệp là sự hợp tác điều phối lẫn nhau giữa các bộ ngành liên quan mà ở đây là Bộ Lao động và Bộ Nông nghiệp.
Đặc biệt, trong ngành nông nghiệp có rất nhiều đặc thù về đào tạo nghề. Chúng ta hay nói về đào tạo chính quy hay phi chính quy nhưng ở nông nghiệp loại hình đào tạo rất phong phú. Nó có những đào tạo chính quy nhưng cũng có những đào tạo trên đồng ruộng, đào tạo tại cơ sở làm việc.
Từ những nhìn nhận đó, bà có thể chỉ ra những điểm yếu của lao động Việt Nam trong ngành này?
Bà Valentina: Một vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác đó là những cơ sở cho đào tạo nghề chưa thực sự hỗ trợ tốt cho ngành nông nghiệp. Sở dĩ như vậy là so tính đa dạng trong ngành nông nghiệp cho nên luôn có khoảng trống mà việc đào tạo kỹ năng nghề chưa thực sự làm được.
Bên cạnh đó, kết nối giữa kỹ năng và chất lượng việc làm thường không được quan tâm đúng mức trong ngành nông nghiệp. Do đó chúng tôi luôn nhấn mạnh vai trò của công đoàn, của nhà nước và doanh nghiệp và không chỉ trong đào tạo nghề hay phát triển kỹ năng nghề mà ở tất cả mọi lĩnh vực đều có vai trò của ba bên, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp. Bởi, doanh nghiệp là khách hàng đầu tiên, họ hiểu họ cần gì, cả hiện tại và tương lai. Đồng thời, doanh nghiệp có hiểu biết về kỹ thuật và có các mạng lưới phát triển.
Bà có kiến nghị gì để nâng cao kỹ năng cũng như trình độ cho người lao động ngành nông nghiệp?
Bà Valentina: Theo tôi cần công nhận tính đa dạng của ngành nông nghiệp. Đưa hệ thống khuyến nông và hệ thống giáo dục nghề nghiệp lại gần nhau hơn. Đảm bảo cơ sở hạ tầng cho việc công nhận kỹ năng hoạt động tốt hơn cho nông nghiệp.
Đồng thời, nâng cao các cơ hội cho các hoạt động phát triển kỹ năng hiện tại và đưa vào khung chính thức để việc học từ khuyến nông có thể được cấp chứng chỉ ở một số điểm nếu có thể. Các cơ hội để nâng cao mức độ cấp chứng chỉ cho công nhân nông nghiệp và quản lý nông nghiệp thông qua hệ thống công nhận kỹ năng. Tăng cường hợp tác và điều phối giữa Bộ NN&PTNN và Bộ LĐTB&XH trong việc lên kế hoạch và phát triển đào tạo nghề cho ngành nông nghiệp
Trong thời gian tới,ILO sẽ hợp tác chặt chẽ với các Bộ LĐTB&XH, Bộ NN&PTNT và các đơn vị đối tác để thành lập Hội đồng kỹ năng ngành nông nghiệp. Đặc biệt, Hội đồng này phải hội tụ đủ ba yếu tố là người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước để giúp giải quyết các vấn đề kỹ năng của người lao động trong ngành nông nghiệp.
Bà có thể đưa ra một số bài học về nâng cao năng lực người lao động trong ngành nông nghiệp ở một số quốc gia phát triển?
Bà Valentina: Chúng ta có thể lấy ví dụ như tại Autralia, Chính phủ phát triển và thực hiện các chiến lược phát triển nguồn nhân lực và trình độ quốc gia nhằm đáp ứng các nhu cầu đang có hoặc mới phát sinh trong các doanh nghiệp lương thực, người lao động và sinh viên thông qua các vùng và khu vực đô thị ở Australia. Làm việc với Hội nông dân quốc gia và các hội đồng kỹ năng ngành liên quan để nâng cao sự tham gia của doanh nghiệp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nhằm tăng cường kỹ năng và năng lực của những người mới tham gia, các công nhân đang làm việc và các nhà sản xuất nhỏ. Cung cấp những chứng chỉ quốc gia cho các ngành đào tạo cụ thể (ví dụ nông nghiệp, nghề làm vườn, quan lý đất) thông qua các công cụ trực tuyến.
Còn ở Canada có chương trình học nghề, tập nghề và hướng nghiệp ở các ngành cụ thể. Điều đó đã giúp kết nối giữa những nông dân Canada muốn truyền nghề với những người muốn làm việc và học trong một nông trại hữu cơ sử dụng các biện pháp bền vững. Bên cạnh đó, Hội đồng nguồn nhân lực chất lượng Canada luôn làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, các cơ quan nhà nước để đưa ra các công cụ quản lý nhân sự thực tế và các chương trình đào tạo cho vận hành nông nghiệp hiện đại ngày nay và trong tương lai.