“Cởi trói” giấy xét nghiệm COVID-19 cho doanh nghiệp, nên hay không?
Đó là một trong những kiến nghị nổi bật của nhiều đại biểu tại hội nghị trực tuyến về duy trì sản xuất trong dịch COVID-19 do Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức, chiều 4/8.
Bà Đỗ Thị Thuý Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) nói, chi phí xét nghiệm rất lớn nếu doanh nghiệp muốn duy trì sản xuất “3 tại chỗ”.
Nhiều doanh nghiệp áp dụng "3 tại chỗ" khiến chi phí sản xuất tăng vọt.
Ngoài chi phí vận hành sản xuất, doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí tổ chức ăn, ở, nghỉ tại chỗ và xét nghiệm thường xuyên cho hàng nghìn công nhân trong suốt thời gian dài duy trì sản xuất. Mỗi địa phương lại đưa ra yêu cầu về phối hợp cùng ngành y tế xét nghiệm khác nhau, nơi chấp nhận test nhanh kháng nguyên, nơi lại chỉ chấp nhận xét nghiệm PCR với công nhân đăng ký thực hiện “3 tại chỗ”.
Bà Hương ước tính, trung bình mỗi doanh nghiệp sản xuất theo “3 tại chỗ” phải chịu thêm chi phí xét nghiệm test nhanh cho mỗi lao động khoảng 3 triệu đồng một tháng. Nếu là xét nghiệm PCR thì chi phí này tăng gấp đôi.
“Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ cho doanh nghiệp được chủ động mua, tổ chức xét nghiệm và được test nhanh COVID-19 cho người lao động”, bà Hương nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) cho hay, hiện tài xế chở hàng qua mỗi tỉnh, chốt trạm kiểm soát đều phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính PCR trong 48 giờ, dù quy định của Bộ Y tế là 72 giờ.
Với quy định này, trung bình cứ 2 ngày, mỗi tài xế lại phải lấy xét nghiệm một lần. Chi phí rất tốn kém khi giá xét nghiệm PCR 700.000-800.000 đồng một mẫu đơn, còn mẫu gộp khoảng 250.000-300.000 đồng. Chưa kể, nguy cơ lây nhiễm khi họ phải chen chúc làm thủ tục xét nghiệm, lấy kết quả tại các điểm lấy mẫu, không đảm bảo giãn cách.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) khẳng định, năng lực y tế trong các nhà máy “3 tại chỗ” gần như không có.
Tức là, doanh nghiệp có phương án, nhưng không đủ năng lực y tế tại chỗ để giải quyết các tình huống phát sinh khi có ca nhiễm COVID-19 trong nhà xưởng. Tong khi, y tế địa phương đang quá tải, khiến doanh nghiệp, người lao động vô cùng khó khăn.
Nhiều kiến nghị, đề xuất việc để các doanh nghiệp chủ động thực hiện xét nghiệm cho người lao động.
Tại các tỉnh, thành phía Nam, riêng mặt hàng thủy, hải sản, COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gần như tê liệt.
Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho hay, hiện tại 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội là nơi tập trung tới 70% sản lượng nuôi trồng, chế biến thủy sản cả nước. Trong đó, cá tra tập trung 100% tại Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng 1,55 triệu tấn, sản lượng tôm trên 780.000 tấn chiếm 85% sản lượng tôm cả nước; các sản phẩm khai thác là 1,74 triệu tấn, chiếm 47% sản lượng thủy sản khai thác toàn quốc.
Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho biết, qua khảo sát thực tế, các doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn về vấn đề thu hoạch, vận chuyển, duy trì hoạt động chế biến trong điều kiện phòng chống dịch nghiêm ngặt.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang chia sẻ, tỉnh có 30 nhà máy sơ chế, hiện nay đã có 18/30 nhà máy chế biến phải ngừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ”. Số nhà máy còn lại cũng phải cắt giảm hơn 50% số lao động, dẫn đến công suất sơ chế, chế biến thủy sản toàn tỉnh giảm sút đáng kể.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn nhấn mạnh, mặc dù những khó khăn, bất cập trong vận chuyển đường bộ đã từng bước được tháo gỡ, song vận chuyển, lưu thông đường thủy chưa được chú trọng. Trong khi đó, việc thu hoạch, vận chuyển thủy sản giữa các vùng nuôi với nhà máy chế biến bằng phương tiện đường thủy đang rất phổ biến.
Bà Khanh cho rằng, cơ quan chức năng cần có sự trao đổi, thống nhất về việc kiểm soát dịch tại các chốt ở các địa phương trong vùng, tránh tình trạng có nơi cho phép tài xế có giấy test nhanh COVID-19 âm tính di chuyển, có nơi yêu cầu phải có xét nghiệm PCR. Thêm vào đó, Bộ Y tế cần có hướng dẫn kiểm soát dịch bệnh đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine theo hướng tạo thuận hơn như có thể kéo dài thời hạn giấy xét nghiệm COVID-19 so với người chưa tiêm vắc xin.
Trước đó, từ giữa tháng 7/20201, trước các khó khăn của doanh nghiệp thủy sản, VASEP đã có công văn gửi ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phản ánh, kiến nghị tháo gỡ. Hiệp hội này đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để có các chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, VASEP cũng đề xuất cần có sự thống nhất chỉ đạo, áp dụng đồng bộ giữa các bộ và các tỉnh, thành về thời gian cụ thể cho giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 7 ngày. |
Thu Quỳnh