Con trai cả bầu Hiển vào HĐQT Ngân hàng SHB
Chiều 20/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Theo tờ trình tại cuộc họp, năm 2022, tổng dư nợ tín dụng tăng 14,4%, lên 421.715 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động tăng 9,8%, lên 504.539 tỷ đồng.
Qua đó, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 sẽ đạt 11.686 tỷ đồng, tăng tới 87% so với năm 2021. Đồng thời, chất lượng tài sản được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 1,3%.
Ngân hàng cũng trình đại hội kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ trong năm nay, từ 26.673 tỉ đồng lên 36.007 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ của SHB sẽ vượt qua nhiều ngân hàng lớn như Techcombank, Agribank, ACB… SHB cũng trình kế hoạch chào bán không quá 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.
Một nội dung quan trọng khác tại đại hội là việc bầu hội đồng quản trị (HĐQT). Danh sách nhân sự bầu vào HĐQT gồm 6 người: ông Đỗ Quang Hiển, ông Võ Đức Tiến, ông Nguyễn Văn Lê, ông Thái Quốc Minh, ông Đỗ Quang Vinh và ông Đỗ Văn Sinh. Đáng chú ý, ông Đỗ Quang Vinh trúng cử vào HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội.
Ông Đỗ Quang Vinh, sinh năm 1989, con trai ông Đỗ Quang Hiển. Con cả bầu Hiển đang giữ nhiều chức vụ tại SHB như Phó tổng giám đốc, Giám đốc khối ngân hàng số, Phó giám đốc khối ngân hàng bán lẻ và Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội. Ông Vinh có trình độ thạc sỹ tài chính - quản trị, đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Ngoài ông Vinh, HĐQT SHB cũng bầu 1 thành viên khác ông Đỗ Văn Sinh. Như vậy, hiện HĐQT nhà băng này có 6 thành viên, trong đó ông Vinh là người trẻ nhất.
Tại phiên thảo luận, cổ đông đặt câu hỏi về kết quả lợi nhuận tích cực và tính khả thi về mục tiêu lợi nhuận. Trả lời, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển nói, mình và SHB chưa bao giờ đưa ra con số kế hoạch trước, mà thường lên giải pháp, nguyên lý, cơ sở tổ chức thực hiện trước. Chưa kể, ông cho rằng ngân hàng có nhiều thế mạnh mà "trước đây chưa khai thác hết".
SHB hiện đã có các doanh nghiệp tư vấn lớn đồng hành như BCG, IFC, IBM. Cùng với đó, ngân hàng đã có sáng kiến chiến lược, phát huy tệp khách hàng, chuỗi cung ứng với dư địa đang có.
Thông tin thêm, Phó chủ tịch SHB, Võ Đức Tiến cho biết, ngân hàng năm ngoái trích lập hơn 7.800 tỷ đồng để tất toàn toàn bộ trái phiếu VAMC và Vinashin trước thời hạn và năm nay dự kiến trích lập 4.500 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ. Theo ông Tiến, đây cũng là cơ sở để SHB tăng trưởng lợi nhuận.
Bầu Hiển cho biết, riêng quý I, ngân hàng này đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3.226 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Dựa trên những cơ sở này, ông tự tin SHB sẽ đạt được kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Bên cạnh chỉ tiêu lợi nhuận, SHB cũng đặt kế hoạch tổng dư nợ tín dụng tăng 14,4% lên hơn 421.000 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động tăng 9,8% gần 505.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 1,3%.
Về vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, ông Hiển cũng khẳng định toàn bộ trái phiếu ngân hàng này đầu tư đều đúng quy định, tài sản bảo đảm an toàn, tính thanh khoản cao. Hiện tại, tổng mức đầu tư trái phiếu của SHB là 6.660 tỷ đồng, trong đó 4.100 tỷ là trái phiếu bất động sản. Cho vay bất động sản đang chiếm 6,75% tổng dư nợ của SHB.
Tại phiên họp chiều 20/4, đại hội đồng cổ đông SHB cũng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư và chiến lược nước ngoài với tỷ lệ dự kiến tối đa 20% vốn tăng thêm. Ngân hàng cũng dự kiến chào bán cổ phiếu cho người lao động với tỷ lệ 1,69%, tương đương 45,12% triệu cổ phiếu mới. SHB cũng sẽ trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%. Sau các giao dịch này, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên gần 36.500 tỷ đồng.