Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Malaysia tăng cường kết nối

08:41 | 27/07/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thông qua các hội thảo và xúc tiến thương mại, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Malaysia đang tăng cường kết nối, tạo thương hiệu và chỗ đứng tại thị trường của nhau.

Giới thiệu Việt Nam - điểm sáng đầu tư

Ngày 26/7, Công ty Liên doanh Trách nhiệm hữu hạn Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) cùng một số đối tác đã phối hợp với Cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tổ chức Hội thảo “Điểm sáng đầu tư đầy hứa hẹn: Tại sao là Việt Nam bây giờ?”, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ nhiều công ty tập đoàn trên địa bàn, tin từ TTXVN cho biết.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Malaysia tăng cường kết nối - ảnh 1
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia Phạm Quốc Anh phát biểu tại Hội thảo.  
Phát biểu khai mạc, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia Phạm Quốc Anh đã nhấn mạnh những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có Malaysia.

Hiện Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ tám của Việt Nam. Tính tới tháng 6 vừa qua, Malaysia có tổng cộng 577 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn lên tới hơn 12 tỷ USD. Bên cạnh đó, Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong số các nước ASEAN, sau Thái Lan.

“Trong sáu tháng đầu năm, thương mại song phương đạt hơn 5,8 tỷ USD, tăng trên 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những tiền đề quan trọng để hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực, trong đó có đầu tư”, Tham tán Phạm Quốc Anh nói.

Tại Hội thảo, chuyên gia tư vấn cao cấp John Campell thuộc Công ty Savills đánh giá Việt Nam có nhiều điểm mạnh đáng để các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Đó là giá nhân công thấp, chưa bằng một nửa so với Trung Quốc; giá thuê đất và cước vận chuyển hàng hải có tính cạnh tranh cao; thị trường rộng lớn, đứng thứ 14 thế giới với hơn 92 triệu dân, lại nằm gần nhiều thị trường nguồn cũng như thị trường đích…

Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại như với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đại diện VISP và công ty KPMG của Malaysia đã giới thiệu nhiều điểm hấp dẫn khác của môi trường đầu tư Việt Nam, đặc biệt là các chính sách ưu đãi thuế.

Xây dựng, quảng bá thương hiệu

Trước thời điểm diễn ra Hội thảo “Điểm sáng đầu tư đầy hứa hẹn: Tại sao là Việt Nam bây giờ?”, dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Malaysia đã tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, bao gồm tham gia các hội chợ, triển lãm lớn về nông sản, thực phẩm; các chương trình hội thảo, kết nối kinh doanh.

Con số về kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang Malaysia trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt gần 122,4 triệu USD, tăng 177% so với cùng kỳ năm 2017 mà TTXVN vừa đưa ra có thể coi là một kết quả ấn tượng sau những nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp gạo Việt tìm chỗ đứng tại thị trường Malaysia.

Cụ thể gần đây, Cơ quan Thương vụ Việt Nam đã hỗ trợ Hapro phối hợp với công ty ZNTEC của Malaysia xây dựng, quảng bá thương hiệu gạo Hapro bán độc quyền tại các bang Sabab, Sarawak…, đồng thời, phối hợp với Lộc Trời xây dựng thương hiệu gạo thơm Jasmine Lộc Trời trên thị trường Malaysia.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Malaysia tăng cường kết nối - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN 
Nhờ thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, ngoài gạo, các sản phẩm như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh đã nằm trong top 5 sản phẩm đạt kim ngạch trên 100 triệu USD xuất khẩu sang Malaysia trong 5 tháng đầu năm.

Một số mặt hàng của Việt Nam như thịt bò, sữa, các sản phẩm từ sữa, thức ăn chăn nuôi cũng đang có cơ hội thâm nhập thị trường Malaysia, theo nguồn tin từ TTXVN.

Theo đó, ba tháng trước, tại hội nghị bàn tròn nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi giữa Việt Nam và Malaysia diễn ra tại Kuala Lumpur, với sự tham gia của lãnh đạo ngành nông nghiệp và đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Tập đoàn Vinamilk, tập đoàn Minh Đang... đã có cơ hội giới thiệu về hoạt động cũng như các sản phẩm của mình.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt cho rằng các sản phẩm của mình có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường Malaysia và bày tỏ mong muốn kết nối với các đối tác Malaysia để xuất khẩu các sản phẩm này trong thời gian tới.

Đáp lại, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Malaysia thể hiện sự quan tâm đến một số mặt hàng của Việt Nam như thịt bò, sữa, các sản phẩm từ sữa, thức ăn chăn nuôi.

Các doanh nghiệp Malaysia chia sẻ họ mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu về mặt hàng sữa và 23% nhu cầu về mặt hàng thịt bò cho thị trường nội địa. Họ sẽ tìm hiểu, xem xét hợp tác với các đối tác Việt Nam để nhập khẩu các mặt hàng này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Malaysia cho biết có thể hợp tác với các đối tác Việt Nam thông qua cung cấp công nghệ chế biến, bảo quản các sản phẩm từ chăn nuôi, cũng như các sản phẩm thuốc thú y mà họ có thế mạnh.

Như vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Malaysia đang có nhiều cơ hội để tìm hiểu, kết nối, tạo thương hiệu và chỗ đứng tại thị trường của nhau thời gian tới.