Công ty tài chính FECredit dự kiến sẽ được IPO vào năm 2021
Mới đây, bộ phận nghiên cứu của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) đã có báo cáo cập nhật hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), trong đó đề cập đến thương vụ bán vốn tại FECredit.
Kết quả lợi nhuận ròng từ hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất cho thấy sự sụt giảm trong những quý vừa qua.
So sánh lợi nhuận ròng từ hoạt động cho vay của 3 công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất. Nguồn: SSI
Cụ thể, chi phí tín dụng tăng đã khiến thu nhập thuần từ hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm. FECredit giảm từ 6,93% quý 2 xuống còn 4,71% trong quý III vừa qua, HDSaison cũng tương ứng giảm từ 3,78% xuống 2,81%. Kết quả từ HomeCredit chưa được hé lộ tuy nhiên lãi ròng từ cho vay của công ty tài chính này trong quý II chỉ ở mức 1,07%.
FECredit vẫn đang là công ty tài chính có mức lãi ròng từ cho vay cao hơn so với mặt bằng các công ty khác.
Cũng theo SSI Research, trong kỳ vừa qua, FECredit tiếp tục tập trung vào quản lý rủi ro và thu hồi nợ thay vì giải ngân các khoản vay mới để tránh rủi ro tín dụng vượt mức.
FECredit đã xóa 2.000 tỷ đồng nợ xấu trong quý III/2020 (tăng 2,3% so với cùng kỳ) và 6.000 tỷ đồng trong 9 tháng 2020 (tăng 1,1%). Do đó, mặc dù chi phí hoạt động tiếp tục được cắt giảm bằng nhiều phương pháp, thì lợi nhuận ròng từ hoạt động cho vay vẫn giảm xuống còn 4,71% do chi phí tín dụng tăng lên 14,43%.
SSI Research cho rằng chi phí tín dụng có thể ở mức cao trong 1-2 quý tới và lợi nhuận ròng từ hoạt động cho vay có thể giảm sâu hơn vì việc tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động là không dễ dàng.
FECredit ước tính, có thể nới lỏng tiêu chí cho vay nghiêm ngặt hiện nay khi đội ngũ quản trị rủi ro của Công ty cảm thấy môi trường kinh doanh đã phù hợp để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trở lại. Nhu cầu thị trường vẫn mạnh mẽ đến trong 9 tháng đầu năm 2020, nhưng FECredit đã chủ động thắt chặt giải ngân các khoản vay mới để kiểm soát rủi ro tín dụng. Tăng trưởng được kỳ vọng sẽ hồi phục vào năm 2021 ở mức từ 10% -15% mỗi năm.
SSI Research cho rằng, VPBank có nhiều lựa chọn để tăng vốn, mà một trong số đó là thu nhập từ IPO FECredit. Theo SSI Research, Ban lãnh đạo VPBank ước tính IPO FECredit trong năm 2021.
Gần đây, VPBank đã đàm phán lại với một đối tác quan trọng và hy vọng có thể đàm phán thành công trong 5-6 tháng tới, nhờ đó thương vụ này có thể hoàn thành trong quý III/2021. Ban lãnh đạo cũng kỳ vọng định giá FeCredit ở mức trên 3 lần giá trị sổ sách.
Bên cạnh việc FECredit sẽ IPO, VPBank còn có thể tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại, hoặc phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược hay phát hành trái phiếu...
Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, khác với ngân hàng, FECredit là công ty tài chính nên VPBank có thể bán vốn tới 49%. Nếu ngân hàng bán 49% FECredit thì quyền lợi của ngân hàng mẹ sẽ giảm đi, nhưng khi có đối tác chiếm đến 49% thì sẽ đem lại công nghệ mới cùng nguồn vốn hùng hậu cho công ty. Phần vốn bán được sẽ có nhiều phương án sử dụng, chẳng hạn giúp ngân hàng mẹ tăng vốn, tăng quy mô, đẩy mạnh cho vay retail, SME...
Theo số liệu do VPBank công bố, 9 tháng đầu năm 2020, FECredit đã giải ngân khoảng 45 nghìn tỷ đồng. Con số này thấp hơn 10 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Tính đến cuối tháng 9/2020, tổng dư nợ của FECredit là 64,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so với thời điểm đầu năm. Dư nợ cấp tín dụng của FECredit chiếm khoảng 20% toàn hệ thống VPBank hợp nhất.
Lệ Vỹ