Công ty xăng dầu ở Cà Mau đạt 2 nghìn tỷ doanh thu trước khi bị phạt nặng

Trang Mai 08:01 | 11/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị rút giấy phép kinh doanh, dẫn tới nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu lan rộng, mới đây, thêm một doanh nghiệp xăng dầu ở Cà Mau bị phạt gần 9 tỷ đồng do vi phạm quy định kinh doanh.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau (mã CMV) vừa công bố việc nhận quyết định của Chánh thanh tra Bộ Công Thương xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Theo đó, CMV bị phạt tiền 50 triệu đồng do có hành vi gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối và 90 triệu đồng vì kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực. 

 

 

Để khắc phục hậu quả trong hơn 1 năm kinh doanh xăng dầu khi giấy phép hết hiệu lực, doanh nghiệp này còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm từ tháng 1/2021-3/2022 với số tiền gần 8,7 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền mà CMV bị phạt và truy thu phải nộp vào ngân sách gần 9 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau có tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần, nhưng công ty cũng có tình tiết giảm nhẹ do đã tự nguyện khai báo, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm và xử lý hành chính, tự nguyện khắc phục hậu quả.

CMV đạt hơn 2 nghìn tỷ doanh thu 6 tháng đầu năm

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất giữa niên độ, hết quý II/2022, CMV đạt 2.227,7 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ là 87,2 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp giảm từ 4,1% cùng kỳ năm ngoái xuống 3,9%. 

Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế 20,9 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Theo giải trình, doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng so với doanh thu cùng kỳ nên lợi nhuận cũng tăng tương ứng và do chi phí lãi vay giảm so với cùng kỳ.  

Tổng tài sản của CMV tính đến 30/6 là 498,2 tỷ đồng. Trong đó 391,2 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn và 107 tỷ đồng là tài sản dài hạn. Chiếm 62,9% là hàng tồn kho, tương đương 246,2 tỷ đồng. 

Tổng nợ của SMT tại ngày 30/6 là 250,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 13% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 250 tỷ đồng, nợ dài hạn là 450 triệu đồng. 

Tính đến ngày 31/8, Bộ Công Thương đã ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân đầu mối và công ty con với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Ngoài xử phạt hành chính, ngày 31/8, Chánh thanh tra Bộ Công Thương đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đối với 5 doanh nghiệp đầu mối do không đáp ứng được điều kiện của hệ thống phân phối theo quy định. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trước mắt, Bộ sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính. Với hình thức tước giấy phép kinh doanh sẽ áp dụng vào một thời điểm phù hợp nhất.

Đến nay, đã có khoảng 12 doanh nghiệp bị rút giấy phép kinh doanh có thời hạn sau đợt thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối. Có 5 doanh nghiệp đã được trả giấy phép sau khi hết thời hạn xử phạt, 2 DN khác sẽ được hoàn trả giấy phép vào ngày 14/9.