CPI tháng 1/2021 tăng 0,06% so với tháng 12/2020

15:09 | 29/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2021 của cả nước tăng 0,06% so với tháng trước và giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2021 là tháng giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình tăng; giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2021 tăng 0,06% so với tháng 12/2020 và giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước.
 
Chỉ số CPI tháng 1/2021 tăng 0,06% so với tháng 12/2020 và giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 1/2021 tăng 0,27% so với tháng 12/2020 và tăng 0,49% so với cùng kỳ năm trước.
 
Cũng theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tháng 01/2021 tăng 2,17% so với tháng trước và tăng 28,19% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 1/2021 giảm 0,16% so với tháng 12/2020 và giảm 0,27% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Một số ngành có tốc độ tăng trưởng tốt, theo báo cáo của đơn vị này, như lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tiếp tục khởi sắc khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, thêm vào đó số ngày làm việc của tháng Một năm nay nhiều hơn năm trước nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2021 ước tính tăng cao 22,2% so với tháng 01/2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%.
 
CPI tháng 1/2021 tăng 0,06% so với tháng 12/2020
 
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2021 giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%, đóng góp 21,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 16,3%, đóng góp 1,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 1 điểm phần trăm.
 

CPI Hà Nội giảm 0,06%

 

Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 trên địa bàn thành phố giảm 0,06% so với tháng trước và giảm 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, có 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá CPI giảm so với tháng trước, trong đó: Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm mạnh, ở mức 2,9% (tác động làm giảm CPI chung 0,59%) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng dịch Covid-19 đợt hai. Tiếp theo là nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,15% do có các chương trình khuyến mại, giảm giá dịp cuối năm, nhưng tác động không đáng kể đến CPI chung.
 
Có 8 nhóm hàng chỉ số CPI tăng so với tháng trước, trong đó: Nhóm giao thông tăng 2,16% (tác động làm tăng CPI chung 0,21%), do giá xăng, dầu điều chỉnh tăng vào ngày 11-1-2021 và ngày 26-1-2021; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,98% (trong đó, thực phẩm tăng 1,36%; lương thực tăng 0,97% do dịp sát Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm tăng); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,61%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,2%; nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,06%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%.

Trong tháng 1, chỉ số giá vàng tăng 2,17%. Giá vàng bình quân trong nước biến động theo với giá vàng thế giới. Bình quân đến ngày 24/01/2021 giá vàng thế giới ở mức 1.868,62 USD/ounce tăng 0,3% so với tháng trước. Giá vàng tăng do đồng USD suy yếu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ.
 
Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng cuối năm của người dân tăng cao, bình quân tháng 01/2021 giá vàng tăng 2,17% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 5,45 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
 
Cũng trong tháng 1, chỉ số giá USD giảm 0,16%. Đồng USD suy yếu trên thị trường thế giới sau khi nước Mỹ chuyển giao quyền lực giữa hai thời kỳ Tổng thống. Chính quyền mới có kế hoạch đẩy mạnh chi tiêu để vực dậy nền kinh tế Mỹ trong khi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, số người mắc COVID-19 đang tăng lên mức cao mới. Chỉ số USD đo lường biến động đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tháng 1/2021 ở mức 90,16 điểm, giảm 0,34% so với tháng trước.
 
Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ giá giữa VND và USD tháng 01/2021 giảm 0,16% so với tháng trước, giá USD bình quân trên thị trường tự do tháng 01/2021 quanh mức 23.178 VND/USD.
 
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 1/2021 tăng 0,49% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Lạm phát cơ bản cao hơn lạm phát chung do “rổ” hàng hóa tính lạm phát cơ bản tháng này loại trừ mặt hàng điện sinh hoạt tháng này có mức giảm mạnh.
 
 
Nguyễn Dung