CTCP Môi trường Thuận Thành: `Biến rác thải thành tiền` thu về nghìn tỷ trong 4 năm

18:26 | 24/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Môi trường Thuận Thành là một trong những công tư "ăn nên làm ra" nhờ hệ sinh thái mà các công ty FDI mang lại, nhờ việc xử lý chất thải công nghiệp cho Samsung mà thu về hơn 1.000 tỷ đồng trong 4 năm.

Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam từ lâu đã khẳng định được tính quan trọng. Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, các nhà máy chính tập trung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM với số vốn đăng ký 17,4 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại.

Với quy mô quá lớn của tổ hợp Samsung, việc cung ứng được một sản phẩm, dịch vụ nào đó phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn điện tử Hàn Quốc này cũng có thể mang đến cơ hội "đổi đời" cho bất kỳ doanh nghiệp nào "ăn theo" hệ sinh thái công nghiệp của Samsung.
 
Nếu như trong lĩnh vực sản xuất điện tử và linh kiện thì các doanh nghiệp Việt Nam có rất ít cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị thì vẫn còn rất nhiều dịch vụ khác mà Samsung dùng đến các đối tác trong nước như cung ứng dịch vụ y tế khám chữa bệnh, cung ứng bao bì, logistics, xử lý chất thải…

CTCP Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành Environment) vốn được coi là một trong số các công ty lớn nhất. Sớm tham gia lĩnh vực xử lý chất thải từ năm 2009, công ty này nhanh chóng được coi là "anh cả" trong ngành. Những năm gần đây, Thuận Thành Environment là đơn vị được coi là đối tác lớn giúp Samsung giải quyết vấn đề xử lý rác thải ở hai khu công nghiệp của họ tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Việc nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của ông lớn FDI số 1 Việt Nam phần nào cho thấy năng lực của Thuận Thành EJS, cũng như giới chủ công ty này.
 
CTCP Môi trường Thuận Thành: `Biến rác thải thành tiền` thu về nghìn tỷ trong 4 năm - ảnh 1
Dọn rác thải công nghiệp cho samsung giúp Thuận Thành EJS kiếm nghìn tỷ trong 4 năm
 
Đáng chú ý hoạt động xử lý chất thải cho Samsung dường như lại là lĩnh vực màu mỡ nhất với lợi nhuận cũng như tỷ suất lợi nhuận cao thu về  1.100 tỷ trong 4 năm. Xét cả giai đoạn 2016 – 2019, chỉ tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận thuần có xu hướng nghịch biến với nhau. Theo đó, trong khi tăng trường bình quân của doanh thu Thuận Thành EJS đạt hơn 14%, thì với lãi thuần lại là -18,6%.
 
Năm 2016, chỉ với 1.052 tỷ đồng doanh thu, Thuận Thành Environment thu về 406 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2017, doanh thu tăng lên hơn 1.200 tỷ nhưng lợi nhuận lại giảm xuống còn 379 tỷ đồng. Việc lãi 3-4 đồng sau thuế trên 10 đồng doanh thu của giai đoạn này vượt trội so với nhiều ngành nghề.
 
Công ty ghi nhận hơn 1.500 tỷ đồng doanh thu nhưng các chi phí trực tiếp (chủ yếu là giá vốn) tăng vọt dẫn đến lợi nhuận của năm 2018 và 2019 giảm đáng kể xuống còn 152 tỷ và 168 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận chỉ còn khoảng hơn 10%.
 
CTCP Môi trường Thuận Thành: `Biến rác thải thành tiền` thu về nghìn tỷ trong 4 năm - ảnh 2
Bảng so sánh lợi nhuận giữa 2 công ty xử lý rác thải lớn nhất Việt Nam( Ảnh: CAFEF)
 
Trong khi đó, một doanh nghiệp lớn cùng ngành là Công ty Xử lý chất thải Việt Nam – Vietnam Waste Solutions (VWS) – chủ đầu tư khu liên hiệp xử lý rác Đa Phước chỉ với doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng nhưng cũng đạt mức lợi nhuận tương đương Thuận Thành Environment vào năm 2019.
 
Lũy kế trong 4 năm gần nhất, Thuận Thành Environment đạt tổng cộng 1.104 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Do không phân phối lợi nhuận trong giai đoạn này nên đến cuối năm 2019, Thuận Thành Environment có vốn chủ sở hữu 1.304 tỷ đồng trên vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
 
Thuận Thành Environment được thành lập vào ngày 29/4/2009, đóng trụ sở tại thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Sự ra đời và hình thành của Thuận Thành EJS gắn với doanh nhân Vũ Văn Đắc (SN 1966). Điều này được thể hiện qua tỷ lệ cổ phần chi phối ông sở hữu tại doanh nghiệp. Cụ thể, tính đến hiện tại, vốn điều lệ Thuận Thành EJS đạt 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Ông Vũ Văn Đắc (55%), bà Nguyễn Thị Hoa – vợ ông (5%) và ông Nguyễn Trọng Khánh (40%).

Số liệu công bố mới đây từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho thấy, hiện nay trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 900 tấn chất thải sinh hoạt. Trong đó, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Thuận Thành EJS xử lý 100 - 105 tấn rác.
 
Ngoài địa bàn Bắc Ninh, Thuận Thành EJS cũng là bên thực hiện nhiều gói thầu xử lý rác thải, như: Dịch vụ vận chuyển và xử lý rác thải y tế năm 2020 tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội (giá trúng thầu 2,6 tỷ); Cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại tại Bênh viện Bưu điện (giá trúng thầu 1,51 tỷ); Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại năm 2019 tại dự án của Công ty Nhiệt điện Mông Dương (giá trúng thầu 749 triệu đồng)

 
Nguyễn Dung(t/h)