Cuộc chiến tỷ phú: Công ty của Jeff Bezos phản đối hợp đồng NASA dành cho công ty của Elon Musk
Đây là động thái mới nhất trong cuộc chiến kéo dài nhiều năm nay giữa hai công ty công nghệ tên lửa thuộc sở hữu của hai người giàu nhất thế giới: Jeff Bezos, người sáng lập Blue Origin và Elon Musk, CEO của SpaceX.
Giữa tháng 4/2021, NASA thông báo quyết định chọn SpaceX của tỷ phú Elon Musk làm đối tác phát triển tàu vũ trụ đưa các phi hành gia đổ bộ xuống mặt trăng sớm nhất là vào năm 2024. Bản hợp đồng trị giá cố định 2,9 tỷ USD này được đánh giá là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lớn với công ty của Elon Musk vì NASA cũng đang đặt chương trình mang tính dấu mốc để chinh phục mặt trăng mang tên Artemis trên vai SpaceX.
Jeff Bezos, người sáng lập Blue Origin (ảnh phải) và Elon Musk, CEO của SpaceX
Trước đó, chương trình có tên HLS vốn nhằm chọn ra ít nhất là hai công ty tư nhân để cùng cạnh tranh chế tạo phi thuyền đưa phi hành gia đáp từ quỹ đạo mặt trăng xuống bề mặt của mặt trăng. Tuy nhiên, NASA đã ra một thông báo gây bất ngờ khi chỉ chọn duy nhất một nhà thầu với lý do chủ yếu là chi phí.
Trả lời phỏng vấn tờ New York Times, CEO của Blue Origin là Bob Smith nói quyết định trên của NASA có sai sót vì đánh giá sai những thế mạnh trong hồ sơ của Blue Origin và chưa đánh giá đúng những khó khăn về kỹ thuật của SpaceX. Ngay sau đó, tỷ phú Elon Musk đã đáp trả trên Twitter rất ngắn gọn: “Không thể đưa lên quỹ đạo”.
Việc NASA chọn SpaceX cũng là thất bại với nhà thầu quốc phòng Dynetics và công ty này cũng lên tiếng phản đối quyết định của NASA.
Cả Blue Origin và Dynetics đều đã nộp văn bản kiến nghị lên Văn phòng trách nhiệm giải trình của chính phủ Mỹ với nội dung NASA đã không đánh giá đúng hồ sơ dự thầu của họ và đề nghị NASA xem xét lại.
Việc phản đối kết quả đấu thầu là bình thường, nhất là trong nghành công nghiệp hàng không vũ trụ khi mà NASA và quân đội Mỹ là những khách hàng quan trọng nhất của các nhà chế tạo tên lửa, việc thắng hay thua đấu thầu có thể ảnh hưởng rất lớn tới công ty bỏ thầu.
Tuy nhiên, Blue Origin và tỷ phú Musk thì đặc biệt không ngại ngần thể hiện họ là đối thủ. Thông cáo của Blue Orgin nêu rõ: “Chính NASA cũng đã nói họ đã có một sự lựa chọn “rủi ro cao”. Quyết định của họ loại bỏ các cơ hội cạnh tranh, thu hẹp đáng kể cơ sở cung cấp, không chỉ trì hoãn mà còn gây nguy hiểm cho việc đưa Mỹ trở lại Mặt trăng. Vì vậy, chúng tôi quyết định nộp đơn kiến nghị lên Văn phòng trách nhiệm giải trình của chính phủ”.
Thu Thắm
Xem thêm: Kế hoạch đưa người phụ nữ đầu tiên lên mặt trăng trong năm 2024 của Nasa