Cuộc đua thị phần TMĐT: Tiki, Lazada dần mất thị phần, Shopee vững 'ngôi vương' và TikTok Shop là tân binh sáng giá
Cuộc đua “song mã” giữa Shopee và TikTok Shop
YouNet ECI – công ty phân tích và tư vấn tăng trưởng kênh thương mại điện tử (TMĐT) – vừa công bố Báo cáo doanh thu các sàn TMĐT quý II/2024, cho thấy 4 nền tảng Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki mang về tổng cộng 87,37 nghìn tỷ đồng GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa), tăng trưởng 10,4% so với quý trước đó.
Điểm đáng chú ý trong quý II này là tổng số lượng nhà bán có doanh thu đã sụt giảm tới 26.000 so với quý trước. Tuy vậy, doanh thu trung bình của mỗi nhà bán lại tăng 9% so với quý trước và giá trị trung bình mỗi sản phẩm tiêu thụ trên TMĐT cũng tăng 7%.
Ước tính 6 tháng đầu năm, Shopee mang về 116 nghìn tỷ, đứng thứ nhất trong thị phần TMĐT với gần 70%. Xếp thứ 2 là TikTok Shop với 40 nghìn tỷ, chiếm 23%, sau đó là Lazada với 11 nghìn tỷ và thứ tư là Tiki với gần 1,6 nghìn tỷ.
So sánh giữa hai nền tảng, tốc độ tăng trưởng của Shopee trong quý II so với quý I vượt trội so với TikTok Shop. Nếu như tổng GMV TikTok Shop tăng trưởng 4,8% so với quý trước thì tổng GMV Shopee tăng trưởng đến 16,1%, chiếm thêm 3,5 điểm thị phần.
Trong một báo cáo khác, nền tảng số liệu TMĐT Metric đã đưa thêm sàn Sendo vào danh sách. Theo đó, mặc dù giảm nhẹ về doanh số so với 6 tháng cuối năm 2023, song quy mô 5 sàn TMĐT 6 tháng đầu năm 2024 lần lượt tăng trưởng 55% về doanh số và 65% về sản lượng so với cùng kỳ 2023. Đây là những tín hiệu cho thấy người tiêu dùng đã chi tiêu 1 cách thoải mái hơn bất chấp nền kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn.
Xét trên 5 sàn TMĐT, tuy nhiên, dưới sự cạnh tranh khốc liệt, chỉ có Tiktok Shop và Shopee có tăng trưởng dương, lần lượt tăng 150% và 66% về doanh số. Cả 2 sàn đều đẩy mạnh các chính sách ưu đãi mua - hủy - trả hàng, lấy người tiêu dùng làm trọng tâm. Ngoài ra Shopee và Tiktok Shop đều tận dụng tốt xu hướng mua hàng qua livestream của người tiêu dùng hiện nay.
Xu hướng mua sắm trên TMĐT
Trong nửa đầu năm, doanh số của 5 sàn đạt 144 nghìn tỷ, tăng 55% so với cùng kỳ. Hơn 1,5 tỷ sản phẩm đã được bán ra. Tuy nhiên, “miếng bánh” đã không còn hấp dẫn khi sự cạnh tranh đang rất gay gắt, số lượng cửa hàng trên các sàn đã giảm gần 8% so với cùng kỳ.
Từ năm 2023, do ảnh hưởng của kinh tế nói chung, người tiêu dùng tiếp tục xu hướng thắt chặt chi tiêu. Tuy vậy đối với các mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng đầu tư mua sắm để đảm bảo chất lượng cuộc sống, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, chăm sóc gia đình.
Xét tổng chung toàn thị trường, phân khúc giá rẻ dưới 200 nghìn đồng vẫn được ưu tiên, có xu hướng tăng, tăng 3% thị phần so với 6 tháng đầu năm 2023. Theo số liệu của Metric, phân khúc dưới 100 nghìn và 100 - 200 nghìn có xu hướng tăng từ đầu năm 2023 đến nay, đã tăng 3% thị phần cơ cấu doanh thu.
Trong top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất, chỉ có duy nhất Vinamilk là thương hiệu Việt Nam. Chiếm 3 vị trí đầu bảng là các thương hiệu điện thoại – máy tính bảng bao gồm Apple, Samsung và Xiaomi.
Mua bán qua livestream còn mở rộng và đẩy mạnh ra nhiều sản phẩm/ mặt hàng khác.
Điển hình như bán hàng nông sản qua livestream ngày càng được đẩy mạnh và nhận được sự hỗ trợ của các vùng địa phương. Gần đây nhất như phiên livestream sản phẩm OCOP An Giang tiếp cận trên 31 triệu lượt người trên nền tảng Tiktok Shop, phiên live do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang tổ chức.
Tại Đà Nẵng, địa phương này đang đẩy mạnh kích cầu mua sắm tại các chợ, hỗ trợ hộ kinh doanh bán hàng qua các trang mạng xã hội và các sàn TMĐT qua việc tập huấn kỹ năng bán hàng livestream.
Chia sẻ với phóng viên Doanh nhân Việt Nam bên lề Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng hồi tháng 6, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp đánh giá: “Sau thời gian dịch bệnh, xu hướng tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là sự bùng nổ của các kênh TMĐT mới, trong đó có các mạng xã hội, TikTok. Trên cơ sở xu hướng đó, chúng tôi xác định việc triển khai xúc tiến thương mại nông sản trên TMĐT là tất yếu, mặc dù tỷ lệ chỉ có 5-7% trong tổng giá trị, đặc biệt là những khó khăn trong việc bán nông sản như vận chuyển, giá thành,...”.
Ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam ví von TikTok Shop như một hội chợ đông vui: "Người Việt hiếu học nhưng ham vui. Suy cho cùng, TikTok Shop là một hội chợ đông đảo vài trăm ngàn nhà sản xuất. Trong đó, có 3 tới 4 triệu người bán hàng đứng trong hội chợ. Trong phiên chợ đó, có 5-7 triệu người đứng xem các gian hàng", ông Thanh nói.
Tuy nhiên, để được kinh doanh trên TikTok Shop, nhà bán hàng cần đăng ký kinh doanh với ban tổ chức, với tài khoản ngân hàng chính danh cùng mã số thuế rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, các nhà bán hàng phải cam kết nói đúng sự thật hàng hóa, sản phẩm với người mua, không được nói quá. Nếu nói sai, người mua phải chấp nhận chịu phạt theo quy định.
Các hãng xe máy, ô tô cũng bắt nhịp xu hướng bán hàng qua livestream để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Điển hình là hãng xe Vinfast đã kết hợp với một số KOL, KOC nổi tiếng tổ chức các phiên live. Trong tháng 2, 1 phiên live bán xe điện đã đạt doanh số 3,3 tỷ đồng.
Tại sự kiện Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2024, chuyên gia Nguyễn Phương Lâm dự báo 3 xu hướng chủ đạo sẽ là nguồn động lực tăng trưởng chính cho TMĐT Việt Nam 3 - 5 năm tới sẽ là: thói quen mua sắm trực tuyến mỗi ngày, các mặt hàng giá trị cao và sự phát triển cực kỳ mạnh mẽ của xu hướng shoppertainment.
Ngoài ra là một số xu hướng bán hàng nổi bật đang được nhiều doanh nghiệp khai thác như: Thương mại điện tử xuyên biên giới; Thương mại xã hội (kết hợp giữa thương mại điện tử và mạng xã hội); Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI); Công nghệ AR (thực tế tăng cường) và VR (thực tế ảo); Mô hình mua trước trả sau (Buy now Pay later)...
Sự phát triển của thương mại điện tử đang kéo theo sự thay đổi về nhu cầu và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Doanh nghiệp cần nắm bắt được những xu hướng mới nhất, đặc điểm của mỗi hình thức để có thể tồn tại và phát triển trong thị trường cạnh tranh này.