Gần 14.500 tỷ thu về trong 1 tháng, điểm danh ngành hàng bán chạy nhất trên sàn TMĐT Shopee

Trang Mai 17:27 | 10/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, từ 3/6 đến 2/7, doanh số trên sàn thương mại điện tử Shopee ghi nhận 14.494 tỷ đồng, với gần 167 triệu sản phẩm đã được bán ra. Trong đó chiếm ưu thế vẫn là các sản phẩm về sắc đẹp, nhà cửa & đời sống, thời trang,...

Gần 14.500 tỷ đồng doanh thu, 167 triệu sản phẩm được bán ra trên Shopee trong 1 tháng

Thời gian gần đây, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) diễn ra sôi nổi và ngày càng trở nên phổ biến. Sự ra đời và hoạt động tích cực của hàng loạt sàn giao dịch như: Tiki, Shopee, Lazada, Sendo… Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới với mức tăng 35% mỗi năm. Thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam sôi nổi và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, tại Việt Nam, có gần 44 triệu lượt người tham gia mua sắm trực tuyến. Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với doanh số khoảng 35 tỷ USD.  

Metric thống kê, từ 3/6 đến 2/7, doanh số trên sàn TMĐT Shopee ghi nhận 14.494 tỷ đồng, với gần 167 triệu sản phẩm đã được bán ra. Trong đó chiếm ưu thế vẫn là các sản phẩm về sắc đẹp, nhà cửa & đời sống, thời trang,...‏

Ảnh: Metric

‏Mua sắm online đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong thói quen tiêu dùng. Nhất là khi các sàn TMĐT cạnh tranh gay gắt, đưa ra nhiều mã giảm giá, khuyến mại và người được hưởng lợi trong cuộc chiến này chính là khách hàng. ‏

‏Muốn mua mặt hàng sữa rửa mặt, bạn N. (sinh viên) đã chọn mua trên Shopee thay vì ra cửa hàng. Lý do được N. đưa ra là thời gian vừa qua cũng rất nhiều cửa hàng mỹ phẩm bị thanh tra và tịch thu sản phẩm vì không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó mua trên Shopee thì vừa có mã giảm giá lên tới cả trăm nghìn, vừa chọn được nhiều sản phẩm mà không phải đến cửa hàng. ‏

‏Trong khoảng 1 tháng, từ ‏‏ 3/6 đến 2/7, Metric thống kê riêng sàn Shopee ghi nhận gần 14.500 tỷ đồng doanh thu, 167 triệu sản phẩm được bán ra. Trong đó, đứng đầu là các sản phẩm về sắc đẹp với gần 2.500 tỷ doanh thu trong 1 tháng, kế đó là sản phẩm về nhà cửa, đời sống với hơn 1.800 tỷ, thời trang nữ xếp thứ 3 với hơn 1.000 tỷ. Các mặt hàng như mẹ & bé, thiết bị gia dụng, điện thoại,... cũng có doanh thu hàng trăm tỷ đồng trong tháng 6. ‏

Ảnh: Metric

‏Tuy nhiên, xét về số lượng, nhà cửa & đời sống lại đứng đầu với gần 30 triệu sản phẩm được bán ra trong tháng. Dù có doanh số lớn nhất nhưng số lượng sản phẩm sắc đẹp đứng thứ 2 với hơn 24 triệu. Tiếp sau đó là các mặt hàng về thời trang, phụ kiện, thực phẩm…‏

‏Đáng chú ý, số lượng sản phẩm được bán trên shop thường chiếm tới hơn 66%, còn shop chính hãng chỉ chiếm gần 34%. ‏

Ảnh: Metric

‏Theo giới thiệu trên website, Shopee Mall được Shopee đưa vào hoạt động từ ngày 10/10/2017, gian hàng này được hoạt động với mục đích trao danh hiệu dành cho các đối tác chủ sở hữu thương hiệu, hoặc được ủy quyền phân phối các thương hiệu chính hãng của Shopee. So với các đơn vị thông thường, Shopee Mall ‏‏sẽ nhận được sự tin tưởng của người dùng hơn. Đồng thời được shopee tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, quảng bá sản phẩm, được Shopee ưu ái đặt đầu trang để khách hàng dễ nhìn thấy. ‏

‏Tuy nhiên, loại hình này cũng có những nhược điểm như thủ tục để được bán hàng trên Shopee Mall khá rắc rối; Phải nộp một khoản chi phí cố định hàng tháng để thanh toán Shopee Mall cao hơn Shop thường; Cùng các quy định nghiêm ngặt, nếu vi phạm thì sẽ bị phạt rất nặng. Và điều quan trọng khác là tất cả các sản phẩm trên Shopee Mall đều là hàng có sẵn, không phải hàng đặt trước, dẫn đến nhiều rủi ro trong thời gian vận chuyển hàng và làm tăng khả năng bị huỷ đơn nếu thời gian giao hàng quá lâu. ‏

‏Trên thực tế, các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sắc đẹp, mỹ phẩm hay đồ công nghệ và sản phẩm có giá trị cao sẽ được ưu tiên lựa chọn trên các sàn mall bởi sự uy tín và chính hãng. Còn đối với các sản phẩm thông thường, người tiêu dùng sẽ có xu hướng lựa chọn các hãng có nhiều lượt bán, được đánh giá tốt và có giá thành cạnh tranh. ‏

‏Đi đường dài trên TMĐT: “không phải là chuyện dễ”‏

‏Chia sẻ với báo chí, ông ‏‏Phạm Bảo Trung - Giám đốc kinh doanh Metric nhận định: “Trong vài năm trở lại đây, thị trường chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các cửa hàng bán lẻ truyền thống sang các nền tảng thương mại điện tử. Đại dịch COVID-19 như một chất xúc tác cần thiết đã đẩy nhanh quá trình này, khi người tiêu dùng buộc phải chuyển sang mua sắm trực tuyến do các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, ngay cả khi đại dịch đã qua đi, xu hướng này vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ.‏

‏Hiện nay, sự tăng trưởng thần tốc của các sàn thương mại điện tử đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành bán lẻ. Tác động dễ thấy nhất chính là việc hàng loạt cửa hàng truyền thống đã đóng cửa do không thể cạnh tranh với nền tảng trực tuyến”.‏

‏Theo ông Trung, thời gian đầu bán hàng trên TMĐT, các nhà bán đầu tiên trên nền tảng dường như kiếm được tiền rất dễ dàng. Điều này xảy ra do hai nguyên do chính: Một là trên thị trường chưa xuất hiện nhiều doanh nghiệp nên sự cạnh tranh không quá gay gắt và hai là các sàn có nhiều hoạt động hỗ trợ cho nhà bán (điển hình như tung mã giảm giá, freeship,...).‏

‏“Nhưng hiện nay, sàn thương mại điện tử đã không còn là 'mảnh đất hứa' với tất cả doanh nghiệp. Một trong những thách thức lớn nhất chính là sự cạnh tranh khốc liệt. Với hàng triệu nhà bán lẻ cùng tham gia, việc nổi bật và thu hút khách hàng không hề dễ dàng”, chuyên gia này nhận định. ‏

‏Nhưng dù đến mặt với nhiều thách thức, việc đối sang sàn TMĐT vẫn mang lại nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng với các doanh nghiệp bán lẻ. Các sàn này không chỉ cung cấp nền tảng để tiếp cận một lượng lớn khách hàng mà còn cung cấp các công cụ hỗ trợ kinh doanh hiệu quả. Theo dự báo của Metric, doanh số và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024, có thể đạt mức 310 nghìn tỷ đồng và tăng trưởng 35% so với 2023.‏

‏Tuy nhiên, ông Trung cũng lưu ý: “Tùy từng chiến lược của các doanh nghiệp mà việc dịch chuyển offline lên online cần cân nhắc kỹ càng. Thực tế, thị trường bán lẻ truyền thống vẫn là nguồn mang lại nguồn doanh thu chính cho nhiều thương hiệu. Nếu dịch chuyển mà không có tính toán, thương hiệu sẽ xung đột lợi ích với chính các nhà phân phối sản phẩm. ‏

‏Tóm lại, chuyển dịch từ bán lẻ truyền thống sang các sàn thương mại điện tử là một thực tế không thể tránh khỏi trong bối cảnh kinh tế số hóa hiện nay, nhưng dịch chuyển như thế nào thì cần có chiến lược cụ thể. Phát triển song song hai thị trường offline - online, cân bằng lợi ích giữa các đối tác, doanh nghiệp bán lẻ sẽ phát triển và thăng hoa trong kỷ nguyên số hóa. Các sàn thương mại điện tử không chỉ là một "mảnh đất hứa" mà còn là con đường tất yếu để tồn tại và phát triển trong tương lai”.‏