Cựu CEO Tony Hsieh của đế chế bán giày online trị giá 1,2 tỷ đô Zappos qua đời ở tuổi 46
Cựu CEO website bán giày Zappos Tony Hsieh đã qua đời vào ngày 27/11 do bị thương nặng trong vụ cháy nhà tại Connecticut, Mỹ.
Công ty Zappos có trụ sở tại Las Vegas, Nevada đã không đề cập đến nguyên nhân cái chết của Tony Hsieh nhưng TechCrunch đưa tin trích lời một người phát ngôn của Hsieh, rằng anh qua đời vì vết thương nặng trong một vụ cháy nhà ở Connecticut, Mỹ.
Để tri ân Hsieh, Thống đốc Nevada Steve Sisolak cho biết trong một bài đăng trên Twitter, “Tony Hsieh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp chuyển đổi Downtown Las Vegas.” Hsieh đã nghỉ hưu vào mùa hè vừa qua sau 20 năm gắn bó với công ty, Giám đốc điều hành Zappos Kedar Deshpande cho biết trong một tuyên bố.
Truyền thông Mỹ đưa tin về cái chết của Tony Hsieh
Amazon.com Inc, công ty đã mua Zappos với giá 1,2 tỷ đô la vào năm 2009, cho biết “Chúng tôi vô cùng đau buồn khi biết tin Tony Hsieh qua đời không lâu, và chúng tôi là muốn gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và bạn bè của anh ấy. Tony là một nhà lãnh đạo và nhà đổi mới có tầm nhìn xa. Anh sẽ luôn được tưởng nhớ rất nhiều ”.
Tony Hsieh là ai?
Tony Hsieh sinh năm 1973 tại Illinois. Cha mẹ của anh là người gốc Đài Loan và tới định cư tại Mỹ. Tony lớn lên tại vùng Vịnh San Francisco cùng 2 người em trai. Vị CEO xấu số đã chứng minh được sự thông minh và tài ba của mình khi thành công thi đỗ Đại học Harvard. Không chỉ có thành tích học tập xuất sắc, Hsieh còn sớm bộc lộ tài kinh doanh khi lên ý tưởng kinh doanh từ khi còn học đại học bằng việc bán bánh pizza trong ký túc xá cùng bạn bè. Cũng nhờ những tháng ngày tại Harvard, anh đã có cơ hội tiếp xúc với Internet và từ đó một chân trời mới được mở ra.
Sự nghiệp của Tony Hsieh
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành khoa học máy tính tại đại học Harvard danh giá năm 1995, Hsieh đầu quân cho hãng phần mềm nổi tiếng Oracle. Công việc này được mô tả là nhẹ nhàng với mức lương cao nhiều người mơ ước. Tuy nhiên sự lặp lại trong công việc khiến Hsieh nhanh chóng cảm thấy nhàm chán và mất đi động lực.
Tony Hsieh và hành trình xây dựng đế chế Zappos
Chỉ sau 5 tháng, Hsieh đã quyết định nghỉ việc tại Oracle để khởi nghiệp và bắt đầu bằng việc thành lập mạng lưới quảng cáo trực tuyến LinkExchange. Dịch vụ này phát triển rất nhanh, thu hút hàng trăm nghìn thành viên. Năm 1998, website này được Microsoft mua lại với giá 265 triệu USD.
Sau khi đã thành công với dự án đầu tay, Hsieh và người bạn Alfred Lin thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm Venture Frogs, hỗ trợ hơn 20 startup và công ty công nghệ. Năm 1999, doanh nhân Nick Swinmurn đã gửi thư thoại kêu gọi Hsieh đầu tư vào website bán giày ShoeSite.com (sau này đổi tên thành Zappos). Dù chưa chắc chắn về sự thành công của dự án, Hsieh vẫn đầu tư 500.000 USD.
Tony Hsieh nhìn thấy tương lai thành công của Zappos từ những ngày đầu
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Hseih, doanh thu website Zappos đã chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc từ con số không tròn trĩnh vào năm 1999 lên 1,6 triệu USD chỉ trong một năm. Đến năm 2011, doanh số Zappos vượt mốc 1 tỷ USD.
Tuy nhiên việc kinh doanh không phải lúc nào cũng êm đềm. Đã có lúc Zappos gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính, khiến Heish phải bán nhà để duy trì hoạt động. Tháng 1/2004, Hsieh và cộng sự chuyển trụ sở Zappos từ San Francisco đến Las Vegas, bang Nevada để mở rộng trung tâm chăm sóc khách hàng.
Tới năm 2006, anh đã trở thành CEO của Zappos sau khi nhà đồng sáng lập Nick Swinmurn rút khỏi Zappos. Năm 2009, website mua sắm lớn nhất thế giới Amazon đã thâu tóm Zappos với giá 1,2 tỷ USD. Trước đó 4 năm, Hsieh từng nói không với thỏa thuận tới từ ông lớn trong ngành thương mại điện tử này.
Hành trình sau khi bán Zappos
Đến năm 2013, Zappos mua lại tòa thị chính Las Vegas cũ. Đây là một phần trong dự án Downtown của Hsieh nhằm định hướng Las Vegas trở thành “Thung lũng Silicon” tiếp theo. Anh đã đầu tư 350 triệu USD để phát triển nơi đây thành một thành phố công nghệ.
Sự phát triển của Downtown Las Vegas có sự đóng góp rất lớn của Tony Hsieh
Ý tưởng trên giúp Hsieh xây dựng tên tuổi trong cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tạo nên các địa điểm, sự kiện thu hút khách tham gia như lễ hội âm nhạc Life is Beautiful hay công viên Downtown Container.
Vào tháng 8 năm 2020, Hsieh tuyên bố nghỉ hưu sau 20 năm, để lại một cơ ngơi khổng lồ trong cả lĩnh vực kinh doanh và đóng góp cho cộng đồng
Thanh Thùy (T/h)
Xem thêm: Thắng đậm sau sự kiện mua sắm lớn nhất năm, Amazon mạnh tay chi 500 triệu USD thưởng nhân viên