Đã đến lúc trao quyền “tự chủ đúng nghĩa” cho các trường đại học
Trao đổi với Doanh nhân Việt Nam, TS, nhà báo Hồ Quang Hòa, Phó Tổng biên tập Tạp chí Thế giới trong ta, Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, các năm tới chúng ta chỉ nên xem kết quả thi tốt nghiệp THPT như là điều kiện để công nhận hoàn thành chương trình THPT. Việc tuyển sinh vào ĐH nên giao cho các sơ sở GD chủ động như trước năm 2000.
-Điểm chuẩn vào nhiều trường đại học top, ngành hot năm nay cao đột biến, có ngành tăng tới 9 điểm so với năm trước, khiến thí sinh đạt 9 điểm/môn vẫn trượt đại học. Theo ông nguyên nhân vì sao lại có hiện tượng này?
- Nhìn chung, năm nay điểm trúng tuyển của các trường đại học đều tăng cao, không riêng gì trường top. Các trường nhóm giữa tăng vọt hơn so với các trường top. Tỷ lệ thí sinh trên 27 điểm chiếm 5%. Năm nay ngành sư phạm có nhiều ưu đãi nên thí sinh lựa chọn nhiều, dẫn đến điểm chuẩn tăng mạnh. Ví dụ điểm trúng tuyển của ngành SP Tiểu học các trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), ĐHSP Hà Nội và ĐH Vinh đều trên 27 điểm. Mặt khác, số thí sinh lựa chọn các mã ngành kỹ thuật công nghệ cũng tăng bình quân 5 điểm so với năm 2020.
-Theo ông, với kết quả tuyển sinh như năm nay, ông có cho rằng các trường đại học đã thành công khi chọn được thí sinh điểm cao?
-Nói rằng các trường chọn được thí sinh điểm cao thì đúng rồi, có ngành phải 30.5 điểm mới trúng tuyển cơ mà. Tuy nhiên, để thành công trọn vẹn thì còn phụ thuộc nhiều vấn đề như: chất lượng đội ngũ giảng viên, chương trình học, môi trường học tập và quá trình học tập, rèn luyện của sinh viên. Nói tóm lại là phải căn cứ vào kết quả đầu ra của sinh viên mới đánh giá được việc tuyển sinh có thành công hay không. Trên thực tế, đã có những trường ĐH lấy điểm trúng tuyển đầu vào rất cao nhưng chất lượng đầu ra của sinh viên rất thấp.
-Nhiều ý kiến còn băn khoăn về độ khó đề thi giảm dẫn đến kết quả điểm thi cao đến mức 30 điểm vẫn có thể trượt đại học, ông có thể phân tích sâu hơn vấn đề này được không? Theo ông điều này có gây ra tình trạng mất công bằng trong thi cử không?
-Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 nên Bộ đã có nhiều chỉ đạo giảm tải nội dung chương trình học và do đó, độ khó của đề thi cũng giảm theo. Tuy nhiên, phổ điểm năm nay cho thấy mức độ phân hóa của đề thi chưa cao. Sự việc 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng (không phải trượt đại học) là điều hi hữu. Nguyên nhân là do các em lựa chọn vào ngành có tỷ lệ chọi cao. Ví dụ như điểm chuẩn vào ngành Văn (lớp CLC) của ĐH Hồng Đức năm 2020 là 29.75, số lượng thí sinh được tuyển chỉ có 15 em. Do đó, khi nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh cần lưu ý đến chỉ tiêu tuyển dụng, độ hot của ngành và mức điểm của năm trước. Bộ GD&ĐT cũng đã mở khung đăng kí nguyện vọng cho thí sinh rất rộng (20 nguyện vọng), điều đó đã góp phần khắc phục sự không công bằng trong thi cử.
-Trong khi điểm xét tuyển đại học dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 30 điểm còn có thể trượt nhưng nhiều trường lại áp dụng xét tuyển bằng học bạ khiến nhiều người lo lắng về sự mất công bằng trong tuyển sinh đại học. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
-Phương án tuyển sinh được các trường xây dựng và đề xuất từ đầu năm học. Các trường đều tiến hành xét tuyển theo học bạ từ rất sớm (trước khi thi tốt nghiệp THPT) và đều có điều kiện cụ thể. Trên thực tế, sự chênh lệnh giữa điểm của 3 môn xét tuyển theo học bạ (kết quả tổng kết học tập) và điểm thi tốt ngiệp THPT là không nhiều. Chỉ những trường hoặc ngành nhóm giữa và dưới mới xét tuyển học bạ, đây là cơ hội để nhóm trường, ngành này tuyển đủ chỉ tiêu. Tôi không cho là có sự mất công bằng ở đây.
-Vậy theo ông, tới đây trong công tác tuyển sinh đại học có cần chú trọng quá vào kết quả thi tốt nghiệp nữa hay không, hay cần có thay đổi như thế nào?
-Ở nước ngoài, việc tuyển sinh đại học là do các trường chủ động theo phương án của mình. Đây là quyền tự chủ của cơ sở giáo dục (chỉ tiêu do Bộ giao). Ở nước ta, vấn đề tuyển sinh cũng đang từng bước được điều chỉnh cho phù hợp với tinh thần “tự chủ đúng nghĩa” cho các trường. Theo đó, tôi nghĩ trong các năm tới chúng ta chỉ nên xem kết quả thi tốt nghiệp THPT như là điều kiện để công nhận hoàn thành chương trình THPT. Việc tuyển sinh vào ĐH nên giao cho các sơ sở GD chủ động như trước năm 2000.
-Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Bộ GDDT cần giao quyền tổ chức thi tuyển, xét tuyển cho các trường chủ động trong công tác tuyển sinh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
-Đây là điều tất yếu theo lộ trình giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường. Bộ GD&ĐT cũng đang có dự thảo và kế hoạch sẽ điều chỉnh từ năm học 2022-2023.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thiên Anh (Thực hiện)