Tranh cãi về phim Người phán xử làm gia tăng tội phạm xã hội đen: Luật sư nói gì?
-Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới dẫn chứng tình hình tội phạm băng nhóm xã hội đen xảy ra nhiều sau khi VTV1 chiếu phim "Người phán xử", khẳng định nhiều phim có nội dung chưa phù hợp. Đánh giá của ông về nhận định này dưới góc độ pháp lý?
-Có thể thấy phim truyền hình đang là một món ăn tiinh thần của người dân Việt. Thời gian gần đây có rất nhiều phim truyền hình chất lượng được công chiếu và nhận được sự đón chào rất tích cực của khán giả. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số phim truyền hình được phát sóng gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng.
Dưới góc độ pháp lý, theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đôi bổ sung năm 2009 thì phim truyền hình là phim sản xuất bằng phương tiện kỹ thuật vi-đi-ô, được ghi trên băng từ, đĩa từ và các vật liệu ghi hình khác để để phát trên sóng truyền hình.
Cũng theo quy định tại Điều 25 Luật này thì việc sản xuất phim truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam, đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình được cấp giấy phép hoạt động báo chí (sau đây gọi chung là đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình) do người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình quyết định đầu tư và tổ chức sản xuất phim để phát sóng trên truyền hình, phù hợp với quy định của pháp luật.
Còn về việc thẩm định phim truyền hình của đài truyền hình thì theo quy định tại Luật điện ảnh và Thông tư số 08/2010/TT-BVHTTDL của Bộ văn hóa thể thao và du lịch quy định về tổ chức và hoạt động thẩm định phim của đài truyền hình, đài phát thanh –truyền hình thì Hội đồng thẩm định phim có trách nhiệm thẩm định phim để tư vấn cho người đứng đầu cơ quan quyết định thành lập hội đồng thẩm định phim về việc phổ biến phim và phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi. Khi nhận được yêu cầu thẩm định phim của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình, Chủ tịch Hội đồng (hoặc Phó Chủ tịch được ủy nhiệm) mời các thành viên xem phim và thảo luận về nội dung, nghệ thuật. Thành viên Hội đồng có trách nhiệm nhận xét, đánh giá từng phim được thẩm định theo các hình thức sau đây: Có thể phát sóng rộng rãi cho mọi đối tượng khán giả đối với phim có nội dung không vi phạm các điều cấm theo quy định tại Luật Điện ảnh, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật; Phải lược cắt một hay nhiều cảnh; phải sửa chữa lời nếu vi phạm quy định tại Luật Điện ảnh mới được phát sóng; Không cho phép phát sóng đối với phim có nội dung vi phạm điều cấm theo quy định Luật Điện ảnh mà không sửa chữa được hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.
Về những nội dung bị cấm trong phim truyền hình thì theo quy định tại Điều 11 Luật Điện ảnh nghiêm cấm: Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước; bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại; bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
-Theo ông, tội phạm gia tăng có liên quan tới nội dung phim truyền hình hay không?
- Trở lại với ý kiến cho rằng: “Sau khi VTV chiếu phim “Người phán xử” thì tình hình tội phạm băng nhóm xã hội đen xảy ra nhiều” thì tôi cho rằng cần xem xét nội dung bộ phim đó có nội dung nào trái pháp luật không; có số liệu thống kê cụ thể nào trước khi phim trình chiếu và sau khi phim được trình chiếu để cho thấy tình hình tội phạm gia tăng không và cần làm rõ nguyên nhân của việc gia tăng tội phạm, chứ không thể quy chụp cho một bộ phim.
Phim ảnh có thể tác động đến hành vi của người xem, vì phim ảnh là loại hình nghệ thuật phổ biến, đại chúng và có sức ảnh hưởng rất mạnh đối với tâm lý, tình cảm, suy nghĩ của người xem. Tuy nhiên, nếu chỉ cho rằng vì một bô phim mà tình hình tội phạm gia tăng là không chính xác, không phù hợp.
Tình hình tội phạm gia tăng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có thể kể đến nguyên nhân do kinh tế xã hội, xã hội càng phát triển càng tác động đến nhận thức, đạo đức của một phận đề cao sự hưởng thụ xa hoa, thực dụng, coi thường các giá trị văn hóa tốt đẹp, bất chấp hành vi phi pháp để làm giàu; tình trạng phân hóa giàu nghèo, cũng tác động tới cảm nhận, cũng như bức xúc trong cuộc sống, sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư cũng là nguyên nhấn khiến cho tội phạm gia tăng,…. Bên cạnh đó, công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, phòng ngừa ngăn chặn tội phạm còn thật sự sát sao như việc giám sát các địa bàn trọng điểm để nắm chắc diễn biến, biến động của những đối tượng hình sự, nhất là số đối tượng trong các băng, ổ nhóm hoạt động lưu động, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra; số vụ phát hiện, điều tra ít hơn so với thực tế tội phạm xảy ra, tội phạm ẩn còn nhiều; thậm chí có một số cán bộ còn tiếp tay cho tội phạm, buông lỏng công tác đấu tranh trấn áp tội phạm,…
Do đó, để giảm thiểu tội phạm thì cần xác định nguyên nhân cụ thể và áp dụng đồng bộ các giải pháp như giải pháp phát triển kinh tế, xã hội; các giải pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật; các giải pháp về ngăn ngừa tội phạm, tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như các chế tài xử lý phải đủ sức răn đe.
Còn liên quan đến việc phát hành phim truyền hình thì cũng cần kiểm duyệt sát sao, tránh những nội dung xuyên tạc, cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật, không đúng với thuần mong mỹ tục nhưng cũng không được làm giảm sự sáng tạo nội dung của phim.
Trân trọng cảm ơn luật sư!
Thiên Anh (thực hiện)