Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng: Nỗ lực đưa thành phố Thanh Hóa lọt TOP 5 đô thị cấp tỉnh phát triển nhất cả nước
Bàn kế sách đưa thành phố Thanh Hóa trở thành trái tim cả tỉnh
Dự hội nghị có ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh và các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh. Tại hội nghị, sau khi nghe ông Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa thay mặt Ban Chỉ đạo 363 của tỉnh trình bày Đề án xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các vị tham gia hội nghị đánh giá cao Đề án được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, chất lượng cao, có nhiều nội dung mới tạo sức bật để TP Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững.
Trên cơ sở nội dung của Đề án các ý kiến phát biểu đã tập trung phân tích làm rõ thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức để TP Thanh Hóa phát huy được tiềm năng, thế mạnh tạo đà cho phát triển trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cũng đã đề cập đến quan điểm, mục tiêu trong Đề án nhằm phấn đấu đến năm 2030 TP Thanh Hóa là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2045 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, thu nhập cao.
Sau khi nghe ý kiến của các vị tham sự hội nghị góp ý vào Đề án, phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 363 của tỉnh trân trọng cám ơn những ý kiến phát biểu tại hội nghị và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo của Ban Thường vụ Thành ủy TP Thanh Hóa trong xây dựng Đề án.
Ông Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Đề án được thông qua sẽ tạo sức lan tỏa rất lớn để TP Thanh Hóa có bước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá rất cao Ban Chỉ đạo 363 của tỉnh và Thành ủy, UBND TP Thanh Hóa là cơ quan thường trực xây dựng Đề án đã làm việc với tinh thần, trách nhiệm, nghiêm túc, khoa học, có chất lượng cao để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy đúng thời gian quy định.
Những thành tựu đó là tiền đề để thành phố vươn lên thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, góp phần cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, xứng đáng với vai trò đô thị tỉnh lỵ, “trái tim” của cả tỉnh.
Bên cạnh việc thống nhất với những tồn tại, hạn chế mà Đề án và các ý kiến phát biểu tại hội nghị đã nêu ra, Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ ra một số mặt còn hạn chế, yếu kém, đó là: Kinh tế của thành phố phát triển chưa toàn diện và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cũng như sự quan tâm đầu tư của tỉnh… Vai trò trung tâm, động lực, đầu tàu, dẫn dắt và sức lan toả của một “trung tâm kinh tế lớn”, một “động lực kinh tế”, lôi kéo các địa phương lân cận chưa rõ nét. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị còn nhiều hạn chế...
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội tuy phát triển khá nhanh so với mặt bằng chung của tỉnh, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và nguyện vọng của Nhân dân… An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định; tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có mặt chậm chuyển biến. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, trách nhiệm và nhiệt huyết trong công việc, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trước yêu cầu và nhiệm vụ phát triển mạnh mẽ của tỉnh, TP Thanh Hóa giữ vị trí đặc biệt quan trọng, cùng với TP Sầm Sơn là trung tâm kinh tế động lực của tỉnh và giữ vai trò trung tâm kết nối trong các hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế Bắc - Nam, với các định hướng phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: “Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, “trái tim” của cả tỉnh, động lực quan trọng để tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, là trách nhiệm của cả tỉnh, trước hết là của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân TP Thanh Hóa. Phát triển TP Thanh Hóa phải đặt trong mối quan hệ tổng thể, gắn kết chặt chẽ với phát triển của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ”.
Ông yêu cầu cần chỉ ra đầy đủ các động lực của sự phát triển là “Phát triển TP Thanh Hóa nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh dịch vụ và công nghiệp, nhất là dịch vụ chất lượng cao"…
Đề án cần phải viết rõ việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa phải gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, thụ hưởng văn hóa, tinh thần của người dân.
Bí thứ Tỉnh ủy nhấn mạnh đề án cần ghi rõ: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát huy cao độ truyền thống văn hoá, cách mạng; sự năng động, thông minh, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người dân thành phố”.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giải quyết những vấn đề lớn, chiến lược, lâu dài, thì cần phải tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, yếu kém, tồn tại kéo dài”.
Nỗ lực đưa thành phố Thanh Hóa lọt TOP 5 đô thị trực thuộc tỉnh phát triển nhất
Trên cơ sở ý kiến của các vị tham gia hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với những mục tiêu trong đề án đặt ra, đồng thời cho ý kiến trực tiếp vào mục tiêu chung là: “TP Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về thương mại dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được bảo đảm; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước về quy mô kinh tế và tốc độ tăng trưởng, động lực quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2045 trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, “kiểu mẫu” của cả nước”.
Về các mục tiêu cụ thể, trên cơ sở quan điểm, mục tiêu chung, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Chỉ đạo Đề án cần chỉ đạo các ngành chức năng, đặc biệt là TP Thanh Hóa rà soát lại hệ thống các chỉ tiêu trong từng giai đoạn, nhất là các chỉ tiêu theo phương án sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Ban Chỉ đạo cũng cần tiếp thu các ý kiến của các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy để hoàn thiện Đề án.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp, Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với những nhiệm vụ giải pháp đã được nêu trong Đề án và lưu ý TP Thanh Hóa một số nội dung trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đó là: Phải quán triệt và cụ thể hóa thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải luôn bám sát đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Phải đoàn kết, thống nhất cao với tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình, không trông chờ, không ỷ lại, không né tránh, phải chủ động hơn, quyết liệt hơn, tích cực hơn, năng động đổi mới, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể vượt trội, thực hiện thành công các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được nêu trong Đề án.
Tiếp tục tập trung nghiên cứu, đánh giá kỹ những thời cơ, vận hội mới và những tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, về con người, về truyền thống lịch sử, văn hóa, cũng như những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với TP Thanh Hóa. Trên cơ sở đó, Đảng bộ thành phố cần nêu cao hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, điều hành, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, nhiệm vụ trước mắt, chiến lược, lâu dài và những giải pháp khả thi để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực công tác và xây dựng, phát triển thành phố xứng đáng với vai trò, vị thế đô thị tỉnh lỵ, “trái tim” của cả tỉnh. Trước mắt phải triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, để đi đầu trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa không để xảy ra bùng phát dịch COVID-19 trên địa bàn, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu trong mục tiêu, giải pháp của Đề án cần đề cấp đến việc khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững, có hiệu quả và sức cạnh tranh cao; tiếp tục huy động mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hoá để phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ; bảo đảm sự vững vàng về chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh; chủ động, tích cực hội nhập cả trong nước và quốc tế, với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn; tập trung mọi nỗ lực xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh…