Đã qua thời cạnh tranh nhờ lợi thế giá rẻ, chất bán dẫn mới là ngành chủ lực mà Việt Nam hướng tới trong tương lai

Hạ An 08:00 | 21/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, muốn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao của xuất khẩu cần hướng đến các xu thế mới, trong đó có chất bán dẫn. Quy mô của thị trường này năm 2022 khoảng hơn 600 tỷ USD, dự báo đến năm 2029 sẽ lên 1.400 tỷ USD.

Trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này đã thấp hơn so với mức 10,6% trong 7 tháng đầu năm và 12,1% trong 6 tháng đầu năm nhưng vẫn khá cao, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam suy giảm xuất khẩu trong những năm trở lại đây.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 200% GDP khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương với các biến động từ bên ngoài.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đúng là có độ mở rất lớn và ngày càng có độ mở lớn hơn. Do đó, nền kinh tế dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài thậm chí.

Tìm giải pháp về vấn đề này, chuyên gia cho rằng, để tránh những tổn thương từ bên ngoài, Việt Nam cần sớm thay đổi. Chỉ ra điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam, ông Cung cho biết có ba cấu phần quan trọng là: Khu vực doanh nghiệp FDI, khu vực tư nhân và khu vực doanh nghiệp Nhà nước song các khu vực này chưa liên kết chặt chẽ và thống nhất với nhau.

Để tăng sức chống chịu của nền kinh tế với các yếu tố bên ngoài, các cấu phần này cần liên kết chặt chẽ hơn, khi xuất khẩu có chiều hướng yếu đi cần sự hỗ trợ từ thị trường trong nước và ngược lại. Ông Cung dự báo, trong tương lai nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục có một động lực quan trọng từ khu vực FDI và xuất khẩu, tuy nhiên để phát triển bền vững cần thay đổi về căn bản.

Không thể tiếp tục dựa vào lợi thế giá rẻ

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: Quochoi.vn).

Đầu tiên, theo chuyên gia, để thu hút FDI và tăng trưởng xuất khẩu không để tiếp tục dựa vào lợi thế giá rẻ. TS. Cung phân tích, các nước lớn hiện đang có xu hướng thay đổi tư duy, củng cố nền tảng. Các quốc gia này đang gia tăng tính tự lực, tự cường làm chủ chuỗi cung ứng bằng việc dịch chuyển nhà máy về chính quốc hoặc các quốc gia thân cận hơn điều này đã gây ra ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng.

Điều đáng mừng là vị thế của Việt Nam đang ngày càng đi lên khi trở thành đối tác quan trọng của nhiều nước lớn. Việt Nam cũng vừa nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Sự kiện này mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam nhất là trong thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao như ngành bán dẫn.

Mới đây, các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn cũng đánh giá Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Các doanh nghiệp này cũng cho biết, đang nghiên cứu khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam.

Tại chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn của Mỹ như Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries đã ký cam kết đầu tư vào Việt Nam. Họ đánh giá, nguồn nhân lực chất lượng cao và năng lực ngày càng cải thiện của các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo tại Việt Nam mới là yếu tố cần thiết chứ không phải nguồn nhân lực giá rẻ.

Có thể thấy, xu hướng cạnh tranh bằng nguồn nhân lực giá rẻ đã đi qua. Trước đây, các hoạt động đầu tư và xuất khẩu ban đầu của Việt Nam hầu hết nằm ở các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp như dệt may và giày dép.  Sau đó, Việt Nam đã nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng nhờ sự tham gia đầu tư của một số "ông lớn" công nghệ.

Điển hình như Samsung, tính đến nay khoản đầu tư của Samsung đã lên tới 18 tỷ USD, chiếm khoảng 1/4 giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Điều này cũng đã khuyến khích các gã khổng lồ công nghệ khác, đặc biệt là Apple, mở rộng hoạt động của họ.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, để duy trì động lực xuất khẩu, cần thu hút và phát triển những lĩnh vực cho hàm lượng công nghệ cao như ngành công nghiệp chất bán dẫn bởi đây mới là xu hướng dẫn dắt trong tương lai.

Nhiều "ông lớn" chất bán dẫn đang hướng tới Việt Nam

Dòng vốn FDI liên tiếp cải thiện trong 2 tháng gần đây. (Nguồn: VNDriect).

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho hay, quy mô của thị trường chip toàn cầu năm 2022 khoảng hơn 600 tỷ USD, dự báo đến năm 2029 sẽ lên 1.400 tỷ USD, cơ hội dành cho Việt Nam trong chiếc bánh khổng lồ này rất lớn.

"Công nghệ bán dẫn là 'câu chuyện của cả thế giới', các nước phát triển đều đang ưu đãi để mở rộng nghiên cứu và sản xuất cho ngành này. Việt Nam không có nhiều tiền để đầu tư, nên phải dựa vào thu hút nguồn vốn FDI để phát triển", GS. Nguyễn Mại nói.

Ông cho biết, hiện 2/3 ông lớn của ngành công nghiệp bán dẫn đã hiện diện ở Việt Nam và ngày càng có nhiều dự án mới đầu tư trong lĩnh vực này. Samsung và Intel hai ông lớn điện tử và cũng là những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp chất bán dẫn.

Việt Nam hiện là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của Intel, ước tính, nhà máy này chiếm hơn 50% tổng sản lượng của công ty trên toàn cầu. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư dự án này lên gần 1,5 tỷ USD và đang có kế hoạch đầu tư thêm để mở rộng nhà máy tại Việt Nam.

Samsung cũng tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam. Việc sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn của Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên dự kiến được thực hiện vào cuối năm 2023, sau khi công tác sản xuất thử nghiệm hoàn tất.

Hai dự án chất bán dẫn nổi bật trong năm nay là nhà máy Hana Micron Vina tại Bắc Giang vừa được khánh thành và Amkor Technology tại Bắc Ninh dự kiến hoàn thành vào tháng 10 dự kiến sẽ sớm đưa các sản phẩm chất bán dẫn của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế.