Đại dịch COVID-19 tại Ấn Độ ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới như thế nào
Ấn Độ hiện đang phải gánh chịu một trong những đợt bùng phát trầm trọng nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu từ hơn một năm trước. Số ca nhiễm mới ngày 26/4 là 352.991, kỷ lục 5 ngày liên tiếp. Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu vắc xin COVID-19 và đây là động thái có ảnh hưởng lớn lớn tới hàng chục nước nhập vắc xin của Ấn Độ.
Bởi đất nước này là một trong những nước sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới. Tuy nhiên Ấn Độ đã quyết định ưu tiên tiêm phòng cho người dân trong nước sau khi đã xuất khẩu hơn 60 triệu liều vắc xin.
Khủng hoảng y tế tại Ấn Độ do đại dịch COVID-19 sẽ không chỉ ảnh hưởng tới nguồn cung vắc xin mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới nói chung
Ảnh hưởng tới nguồn cung vắc xin
Công ty dược phẩm và công nghệ sinh học Serum Institute of India là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, nhà cung cấp lớn nhất cho chương trình quốc tế Covax, một nhà sản xuất của vắc xin AstraZeneca. Việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu vắc xin trong vòng từ 2 tới 3 tháng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chương trình Covax do Tổ chức Y tế thế giới tổ chức để đảm bảo phân phối ít nhất 2 tỷ liều vắc xin trong năm nay.
Ấn Độ hiện đang phải gánh chịu một trong những đợt bùng phát trầm trọng nhất
Những nước nghèo hơn ví dụ như các nước châu Phi, vốn phụ thuộc phần lớn vào chương trình Covax, sẽ nhận được vắc xin chậm hơn, nguy cơ gia tăng các ca nhiễm và tử vong.
Công ty Serum Institute of India cũng đã ký hợp đồng cung cấp cho một số nước khác như Anh quốc. Chương trình tiêm chủng của Anh vốn đã bị chậm lại do 5 triệu liều vắc xin từ Serum Institute of India được giao chậm hơn dự kiến. Hồi tháng 3, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết việc chậm trễ này do bên sản xuất và sẽ ảnh hưởng tới chương trình tiêm chủng của Anh trong suốt tháng 4.
Tuy nhiên chuyên gia kinh tế Paul Dales thuộc Capital Economics nhận định “nguy cơ ảnh hưởng tới kinh tế Anh rất thấp. Nguồn cung vắc xin từ Ấn Độ chỉ chiếm một phần nhỏ trong nguồn cung vắc xin cho Anh. Vì thế chúng tôi cho rằng chính phủ Anh sẽ hoàn thành mục tiêu tất cả người lớn ở Anh được tiêm mũi thứ nhất vào cuối tháng 7”.
Ảnh hưởng tới GDP
Ấn Độ là một nền kinh tế lớn và khủng hoảng COVID-19 tồi tệ của nước này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các triển vọng tăng trưởng kinh tế, trong khi thế giới vẫn chưa hồi phục đồng đều từ đại dịch.
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Ấn Độ sẽ tăng trưởng 12,5% trong năm nay còn S&P Global Ratings dự báo mức 11%. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm mới có thể xói mòn những nỗ lực tăng trưởng này do chính phủ phải áp đặt lệnh phong tỏa và giới nghiêm.
Kinh tế Ấn Độ sẽ phải đối mặt với quý II đầy khó khăn và nếu kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại sẽ khiến tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm hơn. Gito Gopinath, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF đã cảnh báo rằng những dự báo của IMF trước đó được đưa ra trước khi xảy ra làn sóng COVID thứ 2 này.
Bên cạnh đó, công ty dự báo toàn cầu Oxford Economics đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm 2021 từ 11,8% xuống mức 10,2% do gánh nặng y tế ngày càng tăng, chính phủ thiếu chiến lược thuyết phục để đối phó với đại dịch.
Nhiều nước đã đề nghị hỗ trợ Ấn Độ như Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu. Susannah Streeter, nhà phân tích tại Hargreaves Lansdown nói: “Các chính phủ đang cam kết nhanh chóng hỗ trợ Ấn Độ với oxy và trang thiết bị y tế. Điều này thể hiện sự đoàn kết và có thể giúp giảm thiểu thiệt hại về người. Nhưng đó không chỉ là chủ nghĩa nhân văn. Đang có lo ngại rằng những biến thể mới của virut có thể sẽ xuất hiện tại Ấn Độ với những ca lây nhiễm tập trung ở những khu vực đông người. Đáng lo là những biến thể mới này có thể làm suy yếu hiệu quả của vắc xin và dẫn tới những biện pháp hạn chế mới của các nền kinh tế”. Thực tế là biến thể virut COVID-19 đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ gọi là biến thể kép đã được phát hiện ở một số nước khác trong đó có Anh và Mỹ.
Điều này có thể khiến các nền kinh tế mở cửa trở lại chậm chạp hơn nếu các ca lây nhiễm có biến thể mới này tăng mạnh, ảnh hưởng xấu tới GDP toàn cầu.
Ảnh hưởng tới thị trường dầu
Gần đây giá dầu đã giảm do dự báo nhu cầu nhập khẩu dầu của Ấn Độ sẽ giảm. Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới, tiêu thụ gần 10% lượng xuất khẩu dầu thô của thế giới.
Áp lực đến từ Ấn Độ (và cả từ Nhật Bản khi xứ sở hoa anh đào tuyên bố trình trạng khẩn cấp lần thứ 3 tại Tokyo, Osaka và hai quận khác) có ảnh hưởng lớn hơn cả những tín hiệu hồi phục mạnh mẽ của Mỹ và Trung Quốc, hai trong số những nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất thế giới.
Tập đoàn dầu mỏ Ấn Độ bước đầu thể hiện muốn bán khí gas vào thị trường giao ngay, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm.
Thu Thắm
Xem thêm: Làn sóng COVID-19 thứ 2 của Ấn Độ dự kiến đạt đỉnh vào giữa tháng 5