Đảm bảo vận hành an toàn hồ, đập thủy điện khu vực Bắc Trung Bộ
(DNVN) - Mới đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tăng cường công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng, chống thiên tai tại khu vực Bắc Trung Bộ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, khu vực Bắc Trung bộ có 25 con sông, hơn 3.300 hồ đập. Mật độ sông, suối dày đặc, hồ đa phần dung tích nhỏ, kết hợp với địa hình có độ dốc lớn nên sau những trận mưa, bão lớn thường để lại nhiều hậu quả. Đặc biệt, diễn biến thời tiết năm nay hết sức bất thường nên càng cần phải nêu cao cảnh giác.
Theo báo cáo tham luận của Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), tính đến tháng 6/2020, khu vực Bắc Trung Bộ có 38 hồ chứa thủy điện đã có quy trình vận hành đơn hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các nhà máy thủy điện chủ yếu nằm trên 3 lưu vực sông gồm sông Mã, sông Cả và sông Hương. Cục đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về thủy điện đã có chuyển biến tích cực và rõ rệt, điển hình là năm 2017, 2018, 2019 tại khu vực Bắc Trung Bộ đã xảy ra nhiều trận lũ lớn bất thường, nhưng các đập, hồ chứa thủy điện vận hành an toàn, ổn định, tham gia tích cực vào việc giảm/làm chậm lũ, góp phần bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp kịp thời các thông tin về dự báo mưa và dòng chảy, diễn biến thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, lũ quét, sạt lở đất liên quan đến khu vực ngoài biên giới để Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó.
Bộ Công Thương chỉ đạo các hồ thủy điện rà soát, lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị theo dõi, quan trắc, giám sát, cảnh báo xả lũ xuống hạ du; phối hợp với địa phương giám sát việc xả lũ theo quy trình đã được phê duyệt; chuẩn bị hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết và phương án bình ổn giá thị trường, cung cấp và đảm bảo sinh hoạt của người dân khu vực xảy ra thiên tai.
Đối với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp cần chỉ đạo các chủ hồ thủy điện cùng cơ quan chức năng, chính quyền trên địa bàn tổ chức rà soát, kiểm tra; phương án, vật tư trang thiết bị đảm bảo an toàn công trình; thiết bị theo dõi mưa, dòng chảy, thiết bị cảnh báo xả lũ; bản đồ, mốc ngập lụt hạ du; vận hành xả lũ đúng quy trình được phê duyệt, có sự giám sát của chính quyền địa phương; xử lý nghiêm các chủ hồ không tuân thủ đầy đủ các quy định đã ban hành.
Theo số liệu thống kê, suốt từ tháng 5/2020 đến nay, toàn vùng cơ bản không có mưa, thiếu nước tưới trầm trọng đã ảnh hưởng đến 350.000 ha lúa hè thu - mùa, hơn 9.000 ha đang ở chế độ chờ, gần 6.000 ha phải chuyển sang cây màu, 26.000 ha cây trồng chính thức bị hạn, trong đó 1 nửa có nguy cơ mất trắng.