Dân điện ảnh đưa ra loạt ý kiến về vấn đề kiểm duyệt phim
Ngành điện ảnh thiếu công cụ phân loại phim?
Chia sẻ với báo Lao động, bà Nguyễn Nữ Như Khuê Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất phim Hoan Khuê cho rằng công tác kiểm duyệt phim hiện nay vẫn còn gây hoang mang, mơ hồ cho các nhà làm phim. Đây là vấn đề không còn mới nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể.
Trong suốt thời gian qua, các nhà phim vẫn phải tự kiểm duyệt phim ra giấy trước tự đoán mơ hồ kịch bản nào sẽ thông qua được kiểm duyệt, chi tiết nào nên bỏ vì có thể không được duyệt. Lý do hiện tại chưa có hệ thống chuẩn hóa cụ thể.
Theo bà Khuê, thay vì kiểm duyệt nên có công cụ phân loại nhằm đưa phim đến đúng đối tượng khán giả của phim. Khi đã phân loại thì không nên cắt bỏ cảnh phim, nếu cần thiết thì có thể đề xuất thêm nhãn C21, để tác phẩm có thể trọn vẹn khi đến với công chúng. Với những cảnh phim quá nhạy cảm hoặc gây tranh cãi có thể đưa ra một dòng cảnh báo những cảnh phim khán giả sắp xem.
Còn đối với, Đạo diễn điện ảnh, NSƯT Vũ Xuân Hưng (Nguyên Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện) thì cần thêm phân loại và tăng chế tài xử phạt. Bởi hiện có không ít phim khi phân loại, thì tiêu chí để xếp vào nhóm nào lại không rõ ràng, có tác phẩm gồm những cảnh nằm giữa tiêu chí phân loại của hai loại phim cho các nhóm độ tuổi khác biệt.
Nếu phân vào loại có độ tuổi thấp hơn thì rộng rãi quá, nhưng nếu phân vào loại có độ tuổi cao hơn thì chặt chẽ quá. Rõ rệt nhất là những phim nằm giữa tiêu chí phổ biến rộng rãi và cấm khán giả dưới 13 tuổi (C13).
Để nhà làm phim tự kiểm duyệt phải có cam kết, ràng buộc
Trong nội dung dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đáng chú ý là đề xuất 2 phương án về phổ biến phim trên không gian mạng.
Phương án 1, cho phép các nhà phát hành "tự kiểm" và chịu trách nhiệm, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ kiểm tra theo kiểu hậu kiểm.
Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng phải tự kiểm duyệt nội dung, tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo tiêu chí quy định, cung cấp công cụ xử lý vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước về phát hành, phổ biến phim; bảo đảm không vi phạm pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim phổ biến.
Phương án 2, dự thảo luật quy định chỉ được phổ biến phim khi có giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, UBND cấp tỉnh cấp hoặc quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình được phép phổ biến trên không gian mạng.
Tuy nhiên, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh với khối lượng đăng tải và truy cập phim hiện nay chưa có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát khối lượng thông tin này. Theo đó, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chọn phương án 1.
Trả lời phỏng vấn Người đưa tin pháp luật, đạo diễn Ngọc Tuấn cho biết: "Việc kiểm duyệt phim hiện nay chia ra thành 2 mảng: Nếu là phim điện ảnh chiếu rạp thì Cục Điện ảnh phụ trách, khi có phim mới chuẩn bị phát hành, các nhà đầu tư sẽ gửi phim đến Hội đồng duyệt phim của Cục để các nhà chuyên môn thẩm định xem phim có đủ tiêu chí để chiếu hay không. Nếu là phim truyền hình thì các Giám đốc Đài truyền hình sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của phim...".
Theo ông Tuấn, phương án 1 của Dự thảo cho phép các nhà phát hành "tự kiểm" và chịu trách nhiệm, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ kiểm tra theo kiểu hậu kiểm thì nên có cả khâu tiền kiểm kịch bản. Nếu kịch bản hay thì mới sản xuất phim, nếu không khi phim hoàn thành mà bị "tuýt còi" thì làm khó cho cả 2 bên và rất phí công.
Nhắc đến lợi ích của việc kiểm duyệt phim trước khi lên sóng, nhà sản xuất phim Lê Hưng nhận định rằng khán giả sẽ là đối tượng được hưởng lợi sau cùng, nếu để lọt những cảnh nóng, dung tục luật nên phạt nặng những ai đứng đầu, chịu trách nhiệm chính của bộ phim.
Trong trường hợp nếu cơ quan chức năng cho phép nhà sản xuất, phát hành "tự kiểm" thì phải có những cam kết, ràng buộc về nội dung phim kèm theo. Ông Hưng cho rằng cần xiết chặt những quy định để có những bộ phim tiền kiểm và hậu kiểm đạt chất lượng mà không làm giảm đi sức sáng tạo của nghệ sỹ.
Vấn đề kiểm duyệt phim đang là đề tài làm xôn xao dư luận trong thời gian gần đây. Ngày 14 tháng 9, trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật Điện ảnh sửa đổi, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng cần phải siết chặt hoạt động kiểm duyệt phim ảnh.
Ông Tới đề nghị, chiếu phim trên mạng phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại và chịu trách nhiệm, nhất là vấn đề liên quan đến quốc phòng an ninh, vấn đề nhạy cảm như trẻ em, tôn giáo, dân tộc…
Đưa ra ý kiến về Điều 11 của dự thảo quy định nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Theo ông Tới, hiện một số bộ phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật, lối sống ích kỷ. Ông ví dụ về việc phạm tội nhưng không bị xử lý, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.
Một trong những ví dụ điển hình mới đây được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh nêu ra đó là bộ phim Người phán xử được phát sóng trên VTV1. Sau khi chiếu bộ phim ông Tới nhận định tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều. Việt Nam quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, phán xử cả lực lượng công an. Phán xử tất cả. Bộ phim này được chiếu trên "giờ vàng" thì ai chịu trách nhiệm?