Danh sách các chợ ở TP HCM phải tạm ngừng hoạt động do liên quan đến ca COVID-19
Cụ thể, chợ đầu mối Hóc Môn - một trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TP HCM - đã phải tạm ngừng hoạt động trong 7 ngày vì xuất hiện 19 ca nhiễm, một số ca bệnh có liên quan đến các chợ khác.
Trong thời gian đóng cửa, công ty quản lý chợ sẽ tập trung thực hiện xịt rửa chợ, phun khử khuẩn và tiến hành tiêm vaccine cho khoảng 4.000 thương nhân và cán bộ, nhân viên làm việc tại chợ.
Đồng thời, thương nhân sẽ chủ động bán hàng qua điện thoại, giao trực tiếp tới khách mua hàng. Xe hàng có thể đậu xung quanh các khu vực ngoài chợ, giao nhỏ ra từng mối sỉ thay vì tập kết một nơi nhiều như trước
Tại chợ đầu mối Bình Điền, nơi cung cấp 70% thực phẩm cho thành phố cũng phải tạm ngưng một số khu vực tại chợ để thực hiện khử khuẩn phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các khu vực bán thịt, rau củ quả trong chợ Bình Điền vẫn hoạt động, chỉ tổ chức bán sỉ và cấm người mua bán lẻ vào chợ hoạt động
Trước đó, ngày 19/6, một bốc xếp tại chợ này mắc COVID-19 và đến nay ghi nhận 32 ca nhiễm liên quan.
Lực lượng chức năng TP HCM phun khử khuẩn những địa điểm liên quan đến ca COVID-19.
Hiện, chợ đầu mối này cũng yêu cầu thương nhân phải thực hiện ghi nhật ký tiếp xúc hàng ngày đầy đủ các nội dung: Họ và tên người tiếp xúc (người mua hàng, thương lái, bạn hàng, tài xế…), số điện thoại người tiếp xúc, địa chỉ người tiếp xúc, thời gian tiếp xúc nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc truy vết nếu có rủi ro về dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh đó, nhiều chợ truyền thống lớn trên địa bàn cũng đã phải tạm ngưng hoạt động. Trong ngày 27/6, sau khi xác định một ca nghi mắc COVID-19 từng tới chợ, lực lượng chức năng đã tạm thời đóng cửa chợ Hòa Hưng (quận 10) và chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình).
Lực lượng chức năng đã yêu cầu tiểu thương ở 2 chợ tạm ngừng kinh doanh. Ngành y tế cũng thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho người dân và phun khử khuẩn toàn khu vực.
Trước đó, ngày 26/6, chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) cũng phải đóng cửa để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân và tiểu thương vì liên quan một ca nghi mắc COVID-19. Người này là khách đi chợ, từng tới đây mua sắm ngày 23/6.
Hiện, chợ Thái Bình, chợ Dân Sinh (quận 1), chợ Phạm Thế Hiển (quận 8), chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), chợ Khu phố 2 (quận Bình Tân),... cũng đã tạm đóng cửa vì liên quan đến ca nhiễm COVID-19.
Từ ngày 20/6, TP HCM đã cấm các chợ tự phát hoạt động sau khi đánh giá đây là những khu vực nguy cơ cao. Các chợ đang hoạt động đều phải tiến hành tổ chức, sắp xếp lại các nhà lồng nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Việc cấp thẻ ra vào chợ sẽ theo dõi được lượng người ra vào chợ, góp phần dễ truy vết các đối tượng khi có thông báo ca nhiễm từng đến đây.
Ban quản lý chợ Bình Thới (quận 11, TP HCM) áp dụng thẻ ra vào chợ cho toàn bộ người dân và tiểu thương để hạn chế việc tiếp xúc và tụ tập đông người. Cùng thời điểm, chợ chỉ cho phép tối đa 200 người vào mua sắm.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM chiều 25/6, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận đáng lo ngại nhất là các chuỗi lây nhiễm liên quan chợ đầu mối, chợ truyền thống.
Ông cho rằng các đơn vị cần tính toán, nghiên cứu mô hình quận 8 đang áp dụng là bố trí tiểu thương trong chợ buôn bán luân phiên theo ngày. Riêng các chợ đầu mối phải có phương án hoạt động cụ thể.
Ông yêu cầu các hộ kinh doanh thuộc những khu chợ này cần phải ký cam kết, tính điểm cụ thể. Trong trường hợp vi phạm nhiều lần, các hộ này sẽ bị buộc tạm ngừng kinh doanh.
Theo Zing
Xem thêm: Để được cách ly tại nhà F1 tại TP.HCM phải đảm bảo những điều kiện gì?