Đạo đức doanh nhân là khởi đầu cho xây dựng văn hóa kinh doanh
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Bộ Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam và phát động thực hiện trong cộng đồng doanh nhân toàn quốc.
Theo công bố của VCCI, quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam gồm 6 điều: Tạo giá trị cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
VCCI công bố và phát động thực hành 6 quy tắc trên nhằm nâng cao nhận thức của doanh nhân về đạo đức, lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hoá kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Bộ Quy tắc đạo đức góp phần thực hiện chủ trương Đảng, Nhà nước đã đề ra về xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, văn hoá kinh doanh và trách nhiệm xã hội cao. Củng cố niềm tin, tăng sự ủng hộ của xã hội với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Là thành viên trong hội đồng tư vấn và góp ý xây dựng Bộ quy tắc doanh nhân, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI rất tâm đắc và cho rằng, nếu các doanh nhân muốn làm ăn với những doanh nghiệp đàng hoàng thì sẽ chọn đạo đức kinh doanh.
Bà Lan cho biết, bản thân đang thấy sốt ruột và lo lỡ thời cơ hội nhập sâu hơn, tham gia vào các đẳng cấp cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam. Hơn thế, khi Chính phủ đang rất nỗ lực cải thiện thể chế, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với những yêu cầu, chuẩn mực cao nhất, thì doanh nghiệp cũng phải thay đổi, thích ứng với môi trường cả trong nước và thế giới đang có nhiều thay đổi.
Đây là thời điểm văn hóa kinh doanh là vấn đề quan trọng. Để lan tỏa, trước hết bắt đầu từ doanh nhân, từ đạo đức của người kinh doanh.
Bà Phạm Chi Lan cho biết thêm rằng, sau khi thảo luận, thậm chí là tranh cãi, VCCI đã thống nhất được 6 nguyên tắc, theo các yêu cầu là ngắn gọn, dễ nhớ, thể hiện rõ đặc thù của người kinh doanh, không nhắc lại những yêu cầu tất yếu của đạo đức mà ai cũng phải tuân theo.
Ví dụ như, nguyên tắc tạo giá trị kinh tế cho xã hội, ai cũng tạo ra giá trị cho xã hội, nhưng điểm khác biệt của doanh nhân là tạo giá trị kinh tế. Đây là yêu cầu cơ bản, hàng đầu đối với một doanh nhân, là lý do khởi sự và duy trì hoạt động kinh doanh.
Hay như có ý kiến nói đưa nguyên tắc không vụ lợi vào, nhưng kinh doanh là kiếm lời, là cạnh tranh, không thể không vụ lợi được, mà điều cần là, không làm hay cung cấp sản phẩm, dịch vụ gây hại cho người tiêu dùng và xã hội; cạnh tranh lành mạnh, tránh tư tưởng triệt hạ lẫn nhau...
Trong đó, 2 nhóm quy tắc là tuân thủ pháp luật và minh bạch, công bằng, liêm chính là điều thực sự tâm đắc đối với bà Lan và các thành viên của VCCI. Đây là những phẩm chất, yêu cầu mang tính phổ quát đối với doanh nhân, doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển. Để phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và hướng đến mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, doanh nhân Việt Nam cũng cần có các phẩm chất này.
Khi thảo luận, cũng có ý kiến cho rằng, chỉ cần ghi giữ chữ tín là đủ bao hàm các nguyên tắc trên. Nhưng giữ chữ tín là chủ động của người kinh doanh, nhưng để minh bạch được, để liêm chính, hay để tuân thủ pháp luật thực sự cần cả sự tham gia của các cơ quan nhà nước, thực thi pháp luật...
Trả lời câu hỏi đạo đức, văn hóa kinh doanh là những điều xưa nay các doanh nhân rất ngại chia sẻ? Bà Phạm Chi Lan cho rằng, có lý do từ môi trường kinh doanh chưa minh bạch, các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa thực sự minh bạch, công bằng, liêm chính, nên doanh nghiệp chưa thể tuân thủ các nguyên tắc đạo đức kinh doanh.
Ví như câu chuyện thuế khoán của hộ kinh doanh có thực sự công bằng không khi còn có sự đàm phán giữa người thu thuế và nộp thuế? Hay khi quyền xác định chi phí hợp lý, không hợp lý khi tính thuế thuộc về cơ quan thuế, thì đã có thực sự công bằng, minh bạch? Hoặc như khi có doanh nghiệp vi phạm quy định về môi trường, việc xử lý không đến nơi đến chốn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc...
Để đạt được sự liêm chính trong quy tắc đạo đức của doanh nhân, đúng là cần sự liêm chính các bên, cả doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước.
Có thể thấy rất rõ điều này khi nhìn vào khảo sát về chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chấp nhận có xu hướng giảm đi, cũng với những cải thiện của môi trường kinh doanh, nỗ lực công khai, minh bạch trong cơ chế, chính sách...
Có thể hiểu là các quy tắc đạo đức doanh nhân khi được phổ biến sẽ không chỉ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp mà thúc đẩy chuẩn mức đạo đức cho cả xã hội.
Sau cùng, nguyên Phó Chủ tịch VCCI đánh giá việc VCCI cho rằng, các doanh nghiệp có quy mô lớn đang thực hiện đạo đức kinh doanh hơn doanh nghiệp nhỏ là chưa chính xác. Vấn đề là người đứng đầu chọn thế nào, chứ không phải là quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Nhưng đúng là việc không dễ, nhiều khi sẽ phải lựa chọn, nhưng phải bắt đầu để tạo nên những thay đổi.
Đây là lý do mà VCCI chọn đạo đức doanh nhân để bắt đầu cho hành trình xây dựng văn hóa kinh doanh của Việt Nam.
Khi tham gia tư vấn xây dựng các tiêu chuẩn, bà Lan đề nghị cần xác định những chuẩn mực rõ ràng, cụ thể, không quá cao để doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng được. Những thay đổi cần từ các việc làm, suy nghĩ thiết thực, gần gũi nhất. Trong quá trình này, các hiệp hội doanh nghiệp và báo chí đóng vai trò rất quan trọng.